Thẩm mỹ viện Gangwhoo bị “tố” làm hỏng ngực khách hàng

15/03/2020 16:36

Chị H.T.T.T (SN 1987) “tố” thẩm mỹ viện Gangwhoo (57 đường 3 tháng 2, P.11, Q.10) làm hỏng ngực sau khi được Bác sỹ Phùng Mạnh Cường của phòng khám này làm phẫu thuật.
Hỏng ngực nhưng khiếu nại thì bị doạ?
Theo đơn phản ánh đến Báo Sức khoẻ Cộng đồng, ngày 01/02/2019, chị H.T.T.T (SN 1987) đến thẩm mỹ viện Gangwhoo tại số 57 đường 3 tháng 2, P.11, Q.10 để tư vấn và nâng ngực nội soi với giá 80 triệu đồng. Ca phẫu thuật ngực do bác sỹ Phùng Mạnh Cường thực hiện. Sau 10 ngày, chị T. đến cắt chỉ và thăm khám, không hài lòng với tình trạng ngực của mình nên chị yêu cầu bác sỹ Cường giải thích. Ông Cường cho rằng ngực mới phẫu thuật vẫn còn sưng là điều bình thường.
Bác sĩ Phùng Mạnh Cường - người bị chị T. "tố" làm hỏng ngực.)
Sau đó, chị T. bay sang Úc, ròng rã 4 tháng sau phẫu thuật, chị nhắn tin cho thẩm mỹ viện để báo về tình trạng ngực của mình ngày càng chảy xệ xuống, hai đầu ngực không đều. Thẩm mỹ viện Gangwhoo đưa ra giải pháp sẽ thăm khám và dùng chỉ collagen để kéo ngực lên nhưng chị T. không đồng ý. Tiếp tục, phòng khám đưa thêm giải pháp sẽ trả lại 1 nửa số tiền nếu khách hàng trả lại 2 túi ngực. Chị T. không đồng ý với cả hai giải pháp phía phòng khám đưa ra. Chị cho biết: “Tôi đã đi khám nhiều nơi, bác sỹ khác họ đều bảo tôi phải tháo túi ngực ra bởi vì bác sỹ Cường đã bóc tách trong khoang ngực tôi quá nhiều”.
Theo chị T., phía thẩm mỹ viện Gangwhoo còn hù doạ khiến chị sợ hãi. Cụ thể, khi chị trao đổi qua tin nhắn yêu cầu được giải thích thoả đáng về bộ ngực hư của mình thì tài khoản facebook có tên Phùng Mạnh Cường đã gửi một đường links bài báo “Vướng lao lý vì cưỡng đoạt tiền của thẩm mỹ viện”. Tiếp theo đó, tài khoản này nhắn: “Thẩm mỹ viện luôn có trách nhiệm với em! Trước khi làm em cũng có ký cam kết. Bên anh luôn có trách nhiệm với em, nhưng phải đúng theo cam kết và được Pháp luật bảo vệ”.
Chị T. phản ánh tài khoản Facebook Phùng Mạnh Cường đã nhắn tin hù doạ khách hàng.)
Về phía thẩm mỹ viện Gangwhoo, trao đổi với PV, bà Lê Thị Hiền – chủ tịch hội đồng thành viên của công ty này cho biết: “Trước khi phẫu thuật khách hàng đã đồng ý ký vào giấy cam kết. Do đó khách hàng phải tới tái khám, thẩm mỹ viện đồng ý trả lại một nửa số tiền nếu khách hàng trả lại hai túi ngực. Nếu trường hợp khách hàng gây ra thiệt hại này kia thì luật sư sẽ làm việc với khách hàng”.
Khách hàng có quyền khởi kiện tới tòa án
Trao đổi với Báo Sức khoẻ Cộng đồng về vụ việc trên, Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn - Chủ nhiệm khoa phẫu thuật Hàm mặt và tạo hình Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết: “Qua các hình ảnh và video về ngực của chị T., theo tôi thấy ca này phẫu thuật viên đã tạo khoảng đặt túi nâng ngực hơi bị xuống dưới. Nguyên nhân khiến ngực trễ xuống là do bóc quá tay và dùng túi lớn thì nguy cơ trễ sau mổ là có. Với phương án sửa của bác sỹ đưa ra thì đây là phương pháp đơn giản, nếu may mắn thì kết quả sẽ tốt”.
Theo Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn, phương pháp tốt nhất để sửa lại đối với ca ngực này là mổ lại qua đường chân vú, khâu lớp trong để nâng chân ngực lên cao. “Phương pháp mổ nội soi treo ngực lên bằng chỉ collagen nếu không may mắn thì có thể bị tuột chỉ”.

Liên quan đến vụ việc, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: “Quyền tố cáo, khiếu nại, khởi kiện của cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Theo quy định pháp luật thì hoạt động thẩm mỹ phải tuân thủ các điều kiện nhất định về thành lập và hoạt động. Do đó nếu nhận thấy cơ sở hoạt động thẩm mỹ có dấu hiệu vi phạm pháp luật như hoạt động không xin phép, không đúng chuyên môn, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu,…thì khách hàng có quyền tố cáo tới Sở y tế, Bộ y tế, cơ quan công an,…

Trường hợp tranh chấp của chị T. và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến chất lượng dịch vụ chị T. đã thực hiện thì chị có quyền khởi kiện tới tòa án có thẩm quyền đề nghị giải quyết, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thông thường hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ giữa khách hàng và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ sẽ thông qua hợp đồng dịch vụ giữa hai bên. Trách nhiệm thuộc về ai sẽ được căn cứ vào hợp đồng giữa 2 bên, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi phát sinh sự cố.
Điều 80 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định: 1. Tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh là tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh giữa các đối tượng sau đây: a) Người bệnh, người đại diện của người bệnh; b) Người hành nghề; c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 2. Tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết như sau: a) Các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp; b) Trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. 3. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh là 05 năm, kể từ khi sự việc xảy ra.”
Theo baosuckhoecongdong.vn
https://baosuckhoecongdong.vn/tham-my-vien-gangwhoo-bi-to-lam-hong-nguc-khach-hang--130699.html

Bạn đang đọc bài viết "Thẩm mỹ viện Gangwhoo bị “tố” làm hỏng ngực khách hàng" tại chuyên mục Thẩm mỹ viện. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.