Suốt 3 năm qua, người dân xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) búc xúc vì dự án nước sạch hơn 10 tỷ đồng do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư, triển khai thi công chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách Nhà nước và khiến hàng trăm hộ dân khát nước sạch.
Dự án cấp nước 9 – Cấp nước sinh hoạt xã Cổ Lũng (thuộc dự án Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tỉnh Thái Nguyên) được UBND tỉnh Thái Nguyên ký Quyết định phê duyệt đầu tư số 3465 ngày 07/11/2017, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất sử dụng 1.760m2. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2018.
Mục tiêu của dự án là nhằm cấp nước sinh hoạt phục vụ đời sống cho 519 hộ dân thuộc 7 xóm trên địa bàn xã Cổ Lũng. Đồng thời tăng cường tiếp cận bền vững tới nước sạch và vệ sinh nông thôn, tăng số người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Dự án là công trình cấp IV được đầu tư trên 10 đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: Nguồn vốn đầu tư Ngân hàng thế giới (WB) 9.016.050.600 đồng; Vốn đối ứng ngân sách tỉnh 680.891.700 đồng; Vốn góp của người dân hưởng lợi 500.891.700 đồng. Theo đề án, đến năm 2020 sẽ có 95% số người dân trên địa bàn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ dân xã Cổ Lũng đến nay đường nước vẫn không có nước.
Mục tiêu đặt ra là như vậy, thế nhưng sau nhiều năm triển khai thi công với tiến độ “rùa bò”, đến nay công trình vẫn “be bét” trước cửa hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Cổ Lũng. Nước sạch thì không có, đường bị đào bới mấp mô, bụi bẩn, khiến người dân bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay công trình xây dựng đường nước sinh hoạt xã Cổ Lũng vẫn “án binh bất động” gây lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là đối với các hộ ven Quốc lộ 3.
Ông Hoàng Quốc Nghĩa - Trưởng xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng bức xúc: “Dự án nước sạch được triển khai vào cuối năm 2017, trong quá trình thi công đã đào toàn bộ vỉa hè để hạ đường ống dẫn nước. Chúng tôi đã tích cực hưởng ứng chủ trương, đóng góp tiền của, công sức ủng hộ. Thế nhưng, sau thời gian dài triển khai thi công, nhiều hộ dân trong xóm chúng tôi vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Không những thế, toàn bộ hành lang, vỉa hè bị đào xới ngổn ngang chưa được trả lại hiện trạng như lúc ban đầu khiến người dân đi lại gặp khó khăn, nhìn vô cùng nhếch nhác, mưa thì bẩn, nắng thì bụi gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.
Sau các lần kiến nghị, dự án triển khai được vài ngày và lại dừng. Dự án chậm, kinh phí đầu tư không phát huy hiệu quả phục vụ sinh hoạt, người dân đã nộp tiền đóng góp kinh phí xây dựng, nhưng nước sạch không được dùng, khiến bà con bức xúc. Thiết bị cấp nước không được đưa vào vận hành, song vẫn khấu hao, xuống cấp, lãng phí tiền của Nhà nước và người dân”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: “Việc triển khai dự án chậm dẫn đến lãng phí nguồn vốn là điều chắc chắn. Trong Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian thực hiện dự án là 2017 - 2018, nhưng nay đã cuối năm 2020 mà vẫn chưa xong. Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên triển khai dự án chậm tiến độ là do khảo sát, khi thiết lập hồ sơ chưa tính toán kỹ, nhất là đối với việc hạ đường ống ven Quốc lộ 3. Công trình chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân trên địa bàn xã chưa có nước sạch để dùng, hành lang vỉa hè bị đào xới gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cử tri đã nhiều lần ý kiến, xã cũng đã báo cáo cấp trên, bản thân tôi cũng nhiều lần gọi điện lên chủ đầu tư nhưng dự án vẫn dậm chân tại chỗ, xã chỉ là đơn vị thụ hưởng, quyền hạn có mức độ”.
Để làm rõ nội dung trên, ngày 3/12/2020, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã làm việc với Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên. Tại buổi làm việc, ông Đặng Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: “Công trình được thực hiện cuối năm 2017 và đầu năm 2018 thì bắt đầu khởi công, theo tiến trình thực hiện đến 2019 hoàn thành xong. Tuy nhiên, trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn bởi các đường ống đấu nước cơ bản chạy dọc hành lang tuyến Quốc lộ 3 và Quốc lộ 37. Những tuyến đường này không chỉ đơn thuần vướng đến hành lang giao thông mà còn liên quan đến những công trình phụ trợ của người dân.
Thủ tục cấp phép, xin cấp phép thi công không chỉ ngành giao thông trong tỉnh mà còn phải báo cáo lên Tổng Cục đường bộ nên mất rất nhiều thời gian, thủ tục cũng rất là phức tạp. Chúng tôi làm báo cáo gửi Tổng Cục đường bộ vào tháng 8/2018 trình xin cấp quản lý về đường bộ nhưng mãi sau đến đầu 2020 sau khi thực hiện các thủ tục theo trình tự thì mới được cấp phép, đó cũng là một trong các nguyên nhân gây chậm tiến độ kéo dài”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin