Trong Văn bản trả lời công dân, UBND huyện Thạch Thất xác nhận, do sơ xuất trong quá trình đo đạc và nghiệm thu, dẫn đến diện tích đất của công dân đang sử dụng không đúng hiện trạng sử dụng đất nên cần thiết phải thu hồi, chỉnh lý biến động theo quy định. Tuy nhiên đến nay, đã gần 1 năm so với thời hạn huyện Thạch Thất đưa ra, những khiếu kiện này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Những sai phạm từ cách làm thiếu trách nhiệm của chính quyền
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn của ông Cấn Đức Thuận, trú tại xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội khiếu nại về việc chính quyền huyện Thạch Thất thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết những sai sót trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính cơ quan này, gây tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Cụ thể theo đơn khiếu nại, năm 2018, ông Cấn Đức Thuận nhận chuyển nhượng thửa đất có diện tích 1.067m2 (thửa số 94, tờ bản đồ số 16) của ông Hoàng Mạnh Hùng và vợ là bà Nguyễn Thu Hương (trú tại thôn Thúy Lai, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Thuận căn cứ trên Giấy xác nhận đăng ký đất đai số 1817/GXN-VPĐKĐĐ với mốc giới đường đo vào ao là 4m theo bản đồ địa chính đo năm 2001 của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh huyện Thạch Thất cấp cho vợ chồng ông Hùng.
Ngày 17/10/2018 UBND huyện Thạch Thất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho vợ chồng ông Hùng đối với thửa đất số 94 có diện tích 1.067 m2. Ngày 23/6/2018, ông Cấn Đức Thuận hoàn thiện thủ tục nhận chuyển nhượng và được Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện Thạch Thất xác nhận, chỉnh lý theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Thuận: “Ngày 17/10/2018, tôi có nhận được sổ đỏ thửa đất 94 do UBND huyện Thạch Thất cấp. Khi nhận tôi phát hiện là cơ quan địa chính huyện đã cấp sai diện tích, hình thể và cấp sai từ đất ao được xây dựng sang đất nuôi trồng thủy sản”.
Theo ông Cấn Đức Thuận, việc cấp sai diện tích đất của ông là để hợp thức hóa việc lấn chiếm đất của gia đình ông Nguyễn Trung Hậu – Bí thư chi bộ thôn Thúy Lai và vợ là bà Nguyễn Thị Thảo. Cụ thể, ông Thuận khẳng định: “Gia đình ông Hậu lấn sang đất nhà tôi, mặt đường là 2,83m, chạy sâu vào trong với diện tích là 58m2”.
Việc tranh chấp đất đai giữa ông Thuận và gia đình ông Hậu kéo dài nhiều năm. Quá trình giải quyết, UBND xã Phú Kim đã xác định trong diện tích đất của gia đình ông Nguyễn Trung Hậu đang sử dụng có 200m2 đất công ( theo Công văn số 14/BC-UBND xã Phú Kim ngày 20/2/2020). Điều này khẳng định tố cáo của ông Thuận là đúng.
“Trong thửa số 135 chỉ có diện tích 198m2 còn lại diện tích 200m2 là thuộc đầm công của làng Thúy Lai mà gia đình ông Nguyễn Trung Hậu và vợ là bà Thảo lấn chiếm và làm nhà bê tông 2 tầng lên diện tích đất công năm 2002”, ông Thuận cho biết.
Chính do những sai sót, chồng lấn trong quá trình đo đạc và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này của huyện Thạch Thất, cả 2 hộ gia đình ông Cấn Đức Thuận và bà Nguyễn Thị Thảo đã tranh chấp với nhau suốt một thời gian dài. Đến khi không thể tự hòa giải, cả 2 bên đã viết đơn gửi các cấp chính quyền, từ xã Phú Kim, huyện Thạch Thất đến UBND Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thay vì vào cuộc để xử lý dứt điểm vụ việc, những cơ quan này lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thậm chí UBND huyện Thạch Thất còn “đá” quả bóng trách nhiệm sang một cơ quan không hề có liên quan là Tòa án Nhân dân.
Huyện Thạch Thất lại “né” trách nhiệm?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử xây dựng, ông Cấn Văn Hồng – chủ tịch UBND xã Phú Kim xác nhận: “Vụ việc tranh chấp đất đai giữa 2 hộ gia đình ông Cấn Đức Thuận và ông Nguyễn Trung Hậu đã diễn ra nhiều năm nay. Sau khi nhận được đơn của công dân, xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành, nên ngày 10/1/2019 xã đã làm báo cáo gửi lên huyện. Sau đó, huyện lại ra công văn yêu cầu xã tiếp tục tổ chức hòa giải.
Tại lần hòa giải ngày 10/5/2019, ông Thuận đề nghị xác định lại mốc giới, đề nghị hủy, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giữ lại rãnh thoát nước và tự ông Thuận sẽ bỏ kinh phí xây lại. Ngày hôm đó, ông Hậu đã nhất trí và cả 2 bên ký biên bản xác nhận mốc giới như đã thỏa thuận, đồng thời cam kết nếu ai gây cản trở thì chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, đến ngày 16/5, ông Hậu đã thay đổi ý kiến với lý do vợ ông là bà Nguyễn Thị Thảo không nhất trí”.
“Nhiều lần sau đó, xã đã mời cả 2 bên tiếp tục hòa giải nhưng chỉ có ông Cấn Đức Thuận thiện chí giải quyết, còn gia đình ông Hậu và bà Thảo không những không hợp tác mà còn có những lời nói, hành động chống đối khi xã mời các cơ quan liên quan về đo đạc lại mốc giới”, ông Cấn Văn Hồng cho hay.
Chủ tịch UBND xã Phú Kim, ông Cấn Văn Hồng cũng chia sẻ: Xã đã làm hết chức năng và thẩm quyền của mình là tổ chức tuyên truyền, vận động và hòa giải. Còn việc xác định đúng, sai, ra Quyết định xử lý là thuộc thẩm quyền của huyện. Khi nào huyện có Văn bảo chỉ đạo cụ thể xã mới tiếp tục tổ chức thực hiện.
Về phía huyện Thạch Thất, ngày 15/5/2020, UBND huyện đã có Văn bản số 847/UBND –TNMT về việc trả lời đơn của ông Cấn Đức Thuận và bà Nguyễn Thị Thảo (chồng là Nguyễn Trung Hậu). Tại Văn bản này, căn cứ vào kết quả đo đạc, xác minh hiện trạng sử dụng đất của 2 hộ ông Thuận, ông Hậu đã xác định: “Ông Cấn Đức Thuận đang sử dụng đúng ranh giới theo bản trích đo thửa đất số 94, tờ 16 được sử dụng để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hùng mà ông Thuận nhận chuyển nhượng lại. Tuy nhiên do sơ xuất trong quá trình nghiệm thu dẫn đến xác nhận cả phần diện tích 5,51m của thửa đất số 2, tờ 17 của hộ ông Nguyễn Trung Hậu. Trong khi ông Hậu bà Thảo đang sử dụng 29,76m2 nằm trên thửa đất số 94, tờ 16 bản đồ năm 2001 là đất nuôi trồng thủy sản chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
UBND huyện Thạch Thất xác định: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất cho gia đình ông Hậu bà Thảo và Giấy chứng nhận cho ông Thuận đều “không đúng hiện trạng sử dụng nên cần thiết phải thu hồi, chỉnh lý biến động theo quy định”.
UBND huyện Thạch Thất cũng chỉ đạo UBND xã Phú Kim phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Thạch Thất và các thành phần liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng, xác định rõ vị trí, ranh giới thửa đất; trên cơ sở kết quả đo đạc, tổ chức cắm mốc trên thực địa, quản lý, chỉnh lý biến động theo đề nghị của người sử dụng đất và giải quyết các đề nghị của các bên có liên quan đến vụ việc để người sử dụng đất sử dụng đúng vị trí, ranh giới, diện tích theo quy định của pháp luật xong trước ngày 15/5/2020 (đúng ngày ký và ban hành Văn bản).
Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, liên tiếp trong các ngày 29/5, 9/11 và ngày 11/11/2020, xã Phú Kim đã mời các bên liên quan đến để tiến hành đo đạc, kiểm tra hiện trạng và xác định lại vị trí, ranh giới các thửa đất nhưng đều không đạt kết quả do gia đình bà Thảo không đồng ý đo đạc diện tích đất của gia đình bà.
Trước thực trạng này, UBND xã Phú Kim đã làm Văn bản báo cáo huyện để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Nhưng đến nay, UBND huyện Thạch Thất vẫn chưa có động thái tiếp theo nào về vụ việc này. Cùng với đó, trong văn bản số 847, UBND huyện Thạch Thất cho rằng: “Thửa đất đã được các bên đăng ký biến động chuyển quyền sử dụng đất, do đó việc tuyên hủy để thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân”, đang khiến dư luận có ý kiến cho rằng, chính quyền huyện Thạch Thất đang né trách, đùn đẩy trách nhiệm trước những sai sót do chính mình gây ra.
Để giải quyết dứt điểm sự việc, UBND huyện Thạch Thất cần thực hiện đúng trách nhiệm trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý dứt điểm những sai phạm tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Trước những bất cập nêu trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tổ chức thanh, kiểm tra qua đó, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người dân; tránh tình trạng khiếu nại, khiến kiện kéo dài; gây bất bình và bức xúc trong dư luận.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.