Tên nhiều dự án chung cư được đặt khá giống nhau, mang nhiều yếu tố nước ngoài. Một số doanh nghiệp thừa nhận không đặt tên theo tiếng Việt thì khó biểu đạt mục đích.
Những cách đặt tên phổ biến gây nhầm lẫn
Một trong những yếu tố đầu tiên để nhận diện dự án chung cư là tên gọi thương mại, song hiện nay, theo khảo sát, nhiều dự án được đặt tên khá giống nhau như Sky Central, Sky Lake, Star Lake; Eco City, Eco Dream, Eco Green; Diamon Riverside, Diamond Park... Không ít khách hàng thừa nhận tên dự án chung cư như "ma trận", gây lẫn lộn.
“Hồi đầu năm 2018, nhà tôi có con sắp ra Hà Nội học đại học, vợ chồng gom góp tiền mua một căn chung cư, dự định ở gần khu Mỹ Đình để con đi học thuận tiện. Tôi tìm hiểu qua mạng internet về các dự án, sau đó nhờ thêm người quen có hiểu biết ngành xây dựng để tìm hiểu thêm về dự án và tìm căn hộ hợp lý.
Sau khoảng 1 tháng tìm hiểu, tôi khá thích một dự án tên Sky Lake, thế nhưng sau khi nói với người quen, anh này lại nghe nhầm thành Star Lake ở quận Tây Hồ và nhờ môi giới giới thiệu căn hộ phù hợp. Sau này ra Hà Nội xem nhà chúng tôi mới vỡ lẽ là nhầm dự án”, anh Thảo (Hà Tĩnh) kể.
Trường hợp như anh Thảo không phải hiếm gặp. Không ít môi giới nhà chung cư cũng thừa nhận thỉnh thoảng nhầm lẫn tên dự án hoặc đọc sai tên dự án có tiếng nước ngoài. “Công ty phân phối nhiều dự án cùng lúc, nên nhiều lần khách hàng gọi tôi cũng mất mấy chục giây để định hình. Tên dự án na ná nhau, lại tiếng nước ngoài, có khi là tiếng Anh, có khi tiếng Pháp, có khi Hy Lạp mà có khi tôi cũng không biết là tiếng gì nên lẫn lộn hoặc đọc sai”, nhân viên môi giới của một doanh nghiệp ở Hà Nội kể.
Chủ đầu tư đặt tên cho dự án theo quy tắc nào?
Việc đặt tên cho các dự án nhà ở đã được nêu rõ tại Điều 19, mục 1, chương III Luật Nhà ở 2014. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau.
Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
Đại diện Văn Phú cho hay đối với doanh nghiệp này, tên thương mại của dự án thường do bộ phận bán hàng đặt. Tên dự án thường có yếu tố tiếng Việt, gắn với các dòng sản phẩm được đặt theo tiếng nước ngoài. Ví dụ các dòng sản phẩm của doanh nghiệp gồm Terra, Victoria, Grandeur Palace, tên dự án sẽ được đặt tương ứng ví dụ The Terra Hào Nam, Grandeur Palace Giảng Võ. Đại diện Văn Phú cho hay tên các dòng sản phẩm thường biểu đạt cho mục tiêu mà chủ đầu tư hướng đến.
Một đại diện doanh nghiệp khác ở phía Nam cho rằng ở doanh nghiệp này, tên dự án không cố định do ai đặt, có khi là ý tưởng nảy ra trong đầu của lãnh đạo, có khi là do bộ phận marketing đặt, và thông thường để chuyển tải mục tiêu của chủ đầu tư. Vị này cũng cho rằng tên dự án trong nhiều trường hợp được đặt theo tên của một địa điểm, vùng đất nổi tiếng trên thế giới, hoặc dùng từ những từ tiếng Anh phổ biến.
“Thực ra việc đặt tên dự án bằng tiếng Việt sẽ rất khó cho chủ đầu tư vì không dễ để tìm được một từ tiếng hay một từ, cụm từ thuần Việt nào đó ngắn gọn, súc tích, mang đầy đủ ý nghĩa, mục đích mà dự án hướng đến”, vị này giải thích.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cũng từng nhận định thị trường bất động sản xuất hiện tràn lan danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang, gắn với các cụm từ nước ngoài như "Luxury", "Premier", "Hi-end", "Royal"... Cách đặt tên dự án kiểu này được ông Châu đánh giá là một thủ thuật câu khách, quảng bá sản phẩm của chủ đầu tư.