Về tình hình vay nợ, tại thời điểm 31/12/2019, Tập đoàn Đất Xanh tăng mạnh nợ vay tài chính ngắn hạn từ mức 471 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm lên 1.163 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 146%. Vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng lên con số 3.337 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 38%.
Dòng tiền kinh doanh bị âm?
Tại thời điểm 31/12/2019, dòng tiền thuần của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận âm hơn 365 tỷ đồng, riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.796 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm 31/12/2018. Câu chuyện dòng tiền âm của Đất Xanh đã diễn ra trong nhiều năm gần đây. Điều này khiến cổ đông đặt câu hỏi về khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.016 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng năm 2018. Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ, đất nền gấp 3 lần cùng kỳ 2018, chiếm 46%.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 lên 1.065 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp của Đất Xanh trong quý IV/2019 giảm 7% về mức 951 tỷ đồng. Biên lãi gộp sụt giảm mạnh về mức 47% từ mức 72% của cùng kỳ năm 2018. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Công ty ghi nhận lợi trước thuế quý IV/2019 giảm 19% còn 690,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 24% về mức 531,8 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2019, Đất Xanh đạt doanh thu thuần đạt 5.814 tỷ đồng, tăng 25% so năm 2018. Cơ cấu doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp không thay đổi so với năm trước, chiếm phần lớn là dịch vụ môi giới (49%), tiếp đến là bán căn hộ và đất nền (36%), còn lại là hợp đồng xây dựng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 1.886 tỷ đồng, tăng 9,5% so năm 2018.
Một vấn đề đáng lưu tâm đối với các cổ đông Đất Xanh là Công ty báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng dòng tiền luôn âm.
Trong năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh đã thực hiện nhiều thương vụ phát hành trái phiếu với giá trị hàng trăm tỷ đồng
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, dù báo lãi lớn nhờ thanh lý tài sản, song dòng tiền kinh doanh của Đất Xanh vẫn âm gần 653,5 tỷ đồng do tăng khoản phải thu cuối kỳ 2.498 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ năm 2018. Còn tổng các khoản phải thu ngắn, dài hạn chiếm tới 51% tổng tài sản. Bảng cân đối kế toán của Đất Xanh khi đó có hơn 5.644 tỷ đồng phải thu khác, gấp 1,5 lần so với đầu năm.
Tới ngày 31/12/2019, dòng tiền thuần của Đất Xanh vẫn ghi nhận âm hơn 365 tỷ đồng. Riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 1.796 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm 31/12/2018.
Cùng với đó, dù tổng tài sản của Đất Xanh tăng hơn 44%, lên mức 19.880 tỷ đồng, song khoản mục phải thu ngắn hạn tăng mạnh 62% lên mức 9.023 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu ngắn hạn khác (chiếm tỷ trọng 61%, tương ứng số tiền 5.560 tỷ đồng). Đây chính là tiền ký quỹ, ký cược cho các hợp đồng tiếp thị và phân phối loạt dự án như Khu đô thị đất Quảng Riverside, Lakeside Bàu Tràm, Sài Gòn Gateway… Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng cũng tăng trên 30% lên 1.938 tỷ đồng.
Hàng tồn kho cũng tăng 47%, lên con số 6.791 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các dự án bất động sản dở dang từ các kỳ trước như Gemriverside, Opal Skyview, Tuyên Sơn, Opal City, Sunshine Resident… và phát sinh trong kỳ này là Opal Skyline, La maison và các dự án khác.
Về tình hình vay nợ, tại thời điểm 31/12/2019, Đất Xanh tăng mạnh nợ vay tài chính ngắn hạn từ mức 471 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm lên 1.163 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 146%. Vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng lên con số 3.337 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 38%.
Danh sách nhà băng là chủ nợ của Đất Xanh
Hàng loạt ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… là những chủ nợ hiện nay của Tập đoàn Đất Xanh.
Riêng về khoản vay, theo báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Đất Xanh, tính đến cuối năm 2019, vay ngắn hạn của ngân hàng lên đến con số gần 200 tỷ đồng, vay dài hạn và trái phiếu là 1,8 ngàn tỷ đồng, tổng 2 khoản vay là hơn 2 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, hiện Đất Xanh đang nợ ngắn hạn (đến ngày 12/4/2020 phải trả) của Vietinbank là 78 tỷ đồng, VIB 16 tỷ đồng, VPBank là 100 tỷ đồng, Eximbank là 460 triệu đồng.
Về khoản vay dài hạn, hiện Tập đoàn Đất Xanh đang là “con nợ” của VIB số tiền 680 tỷ đồng (trái phiếu 1) và 468 tỷ đồng (trái phiếu 2), TPBank là 334 tỷ đồng.
Ngoài ngân hàng, Đất Xanh còn nợ tại Công ty Cổ phần chứng khoán Bản Việt là 229 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán SSI là 72 tỷ đồng (trái phiếu 1) và 48 tỷ đồng (trái phiếu 2), cả 2 khoản vay này đều bằng hình thức “tín chấp”.
Cổ phiếu mất 80% giá trị trong vòng 10 năm qua
Ngày 7/2/2020, quỹ ngoại KIM Vietnam Growth Equity Fund vừa thông báo đã bán ra 2 triệu cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh.
Sau giao dịch KIM Vietnam giảm lượng sở hữu từ gần 19,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,72%) xuống còn gần 17,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,33%). Đồng thời giảm lượng sở hữu cả nhóm gồm 9 quỹ liên quan từ gần 27,16 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,24%) xuống còn gần 25,16 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,85%) và không còn là nhóm cổ đông lớn của Đất Xanh.
Trước đó, từ 25/11 đến 24/12/2019 chính KIM Vietnam đã mua thếm 1 triệu cổ phiế DXG giúp nhóm các quỹ thành viên thuộc Korea Investment Management (KIM) trở thành nhóm cổ đông lớn của Đất Xanh Group.
Trong năm 2019, Đất Xanh đã thực hiện nhiều thương vụ phát hành trái phiếu với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình huy động vốn bằng trái phiếu cũng bắt đầu cho thấy tín hiệu khó khăn hơn trước, khi tỉ lệ phát hành thành công thấp dần.
Điển hình là thương vụ phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng thời gian từ 31/7 – 30/8/2019 nhưng tổng giá trị phát hành thực tế chỉ đạt 50 tỷ đồng. Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, Đất Xanh có dự kiến phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu nhưng chỉ bán được 74 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch ban đầu dù lãi suất lên đến 11%.
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh hiện có địa chỉ tại 2W Ung Văn Khiêm, P. 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM, (mã chứng khoán DXG).
Ông Lương Trí Thìn, sinh năm 1976, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh. Ông Thìn hiện sở hữu 63,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,15%.
Hai người trong gia đình của ông Thìn là anh trai Lương Trí Thảo và em trai là Lương Trí Tú cũng đang nắm giữ tổng cộng 8,66 triệu cổ phiếu DXG (tỉ lệ 1,66%). Như vậy, ba anh em ông Lương Trí Thìn đang là nhóm cổ đông lớn nhất của Đất Xanh với 68,8 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 13,24%.
Kết thúc phiên ngày 13/2/2020, giá cổ phiếu DXG dừng ở mức 12.700 đồng/cổ phiếu.
Phiên mở cửa đầu tiên của Đất Xanh vào ngày 22/12/2009 có giá lên đến 48 ngàn đồng/cp; thời điểm đạt đỉnh của DXG vào ngày 19 và 20/4/2010 lên đến 89 ngàn đồng/cổ phiếu.
Trong vòng 10 năm qua, giá trị cổ phiếu của DXG giảm tới 80% giá trị. Như vậy, cùng thời điểm này 10 năm trước, nếu nhà đầu tư bỏ 1 tỷ đồng mua cổ phiếu của DXG thì giá trị hiện nay chỉ còn 200 triệu đồng.
Theo Báo Sức khỏe Cộng đồng
https://baosuckhoecongdong.vn/tap-doan-dat-xanh-tiep-tuc-no-ngap-dau-nhung-ngan-hang-nao-dang-ngoi-tren-dong-lua-152565.html