Dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf rộng 268ha tại huyện Đức Trọng được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn “án binh bất động”. Ngoài việc khai thác gỗ dưới vỏ bọc tận thu hồi vừa được giao dự án, suốt 13 năm qua, doanh nghiệp này không triển khai bất kỳ hạng mục nào trong khi rừng bị tàn phá, lấn chiếm dữ dội khiến dư luận hết sức bức xúc.
Tan nát rừng dự án
Những ngày giữa tháng 11, trong vai người đi mua đất sản xuất nông nghiệp và làm homestay kinh doanh du lịch, PV Báo CAND đã tiếp cận “vùng lõi” một số dự án liên quan đến rừng tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, khu vực giáp ranh với TP Đà Lạt, chứng kiến từng vạt rừng thông bị đầu độc chết trắng, cưa hạ ngổn ngang, hoặc bị đốt gốc, “khai tử” cây rừng nhằm lấn chiếm đất hoặc khai thác gỗ trái pháp luật.
Điều đáng nói, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp tại tiểu khu 267c và 278a, xã Hiệp An xảy ra ngang nhiên, công khai. Rừng thông sau khi bị cưa hạ, đốt cháy, các đối tượng lập tức sử dụng dây kẽm gai và trụ bê tông cốt thép rào chắn, khẳng định chủ quyền về diện tích đất này mà không vấp phải sự kiểm tra, đề xuất cưỡng chế giải tỏa của chủ rừng là Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng).
Một người dân xuất hiện tại tiểu khu 267c cho biết, vài năm qua, rất nhiều “đại gia” bất động sản kéo tới khu vực này săn mua đất xây dựng nhà cửa nghỉ dưỡng hoặc trang trại khiến cho đất rừng ở đây có giá lên tới cả tỷ đồng mỗi sào (1.000m2). Thậm chí, đất lâm nghiệp dù vừa được “cạo trọc” cây rừng cũng đã có giá bán lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi sào.
Băng qua nghĩa trang thôn Krèn, xã Hiệp An khoảng 3km, theo con đường mòn dẫn vào rừng sâu, PV Báo CAND chứng kiến từng vạt đồi thông bị đầu độc chết trắng hoặc vừa bị cưa hạ nằm ngổn ngang trên mặt đất. Trên lưng chừng một quả đồi, những gì còn lại ở hiện trường cho thấy, rừng thông nơi đây đã bị các đối tượng kéo tới tàn phá trong thời gian dài.
Bên cạnh hàng trăm cây thông đã bị cưa hạ, cắt thành từng lóng nhỏ, chôn giấu dưới những hố hoặc khe nước giữa hai quả đồi đã bắt đầu khô mục, còn có rất nhiều cây thông khác, đường kính từ 20-50cm vừa bị cưa hạ cách đây ít ngày, lá mới bắt đầu chuyển sang màu vàng. Rất nhiều cây thông cũng đã bị đắp cành khô quanh gốc chuẩn bị châm lửa đốt bằng cách “giết sống”.
Đặc biệt, hàng chục cây thông cổ thụ trong khu vực này còn bị kẻ xấu cưa hoặc chặt sâu vào 2/3 gốc, đang ứa nhựa tươi, chỉ chờ một cơn gió nhẹ thổi qua là gãy đổ hàng loạt. Chính vì vậy, trước khi vào khu vực này, chúng tôi đã được một người làm vườn ngoài bìa rừng cảnh báo “vô đó coi chừng bị thông đè chết!...”.
Cũng tại tiểu khu 167c, xã Hiệp An, men theo con đường đất từ thôn Krèn dẫn sâu vào bên trong, vạt rừng thông sát đường kéo dài hơn 1km vừa bị cạo trọc chỉ còn trơ trọi lại những gốc thông cắt sát mặt đất hoặc đã bị đào lên nằm chỏng chơ. Tại những vị trí này, các đối tượng đã nhanh chóng phân lô với diện tích khoảng 1.000 - 2.000 m2/lô, kéo dài từ mặt đường đất hướng thẳng lên đỉnh đồi thông. Xoài, chuối và các loại hoa màu khác đã được trồng, nhanh chóng biến đất rừng thành vùng sản xuất nông nghiệp.
Đề xuất thu hồi dự án
Ông Thái Bình Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng xác nhận, tình trạng phá rừng ở tiểu khu 167c và 278a xảy ra thường xuyên, liên tục với mức độ ngày càng ngang nhiên và nghiêm trọng.
Theo ông Đông, toàn bộ khu vực rừng bị tàn phá thuộc dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt từ năm 2007. Từ đó đến nay, những gì doanh nghiệp này “làm được” tại dự án này là tổ chức khai thác gỗ thông với vỏ bọc “tận thu”. Ngoài ra, cho tới nay không có bất cứ hạng mục, công trình nào được triển khai tại đây. Trong hai năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác gỗ trái pháp luật tại dự án được giao cho doanh nghiệp trên.
Cụ thể, tháng 9/2019, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra rừng thuộc dự án của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt, phát hiện ít nhất 10 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích lên tới gần 5ha. Cũng trong đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng phát hiện 3 vụ phá rừng tại tiểu khu 278a và 5 vụ phá rừng tại tiểu khu 167c với hàng trăm cây thông bị cưa hạ ngổn ngang. Ngoài ra, 8 vụ khai thác rừng trái pháp luật cũng được phát hiện tại hai tiểu khu này, lâm sản bị thiệt hại lên tới hàng chục mét khối gỗ, phần lớn gỗ đã bị lấy đi khỏi hiện trường.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, từ khi được giao dự án tới nay đã 13 năm nhưng Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt không triển khai dự án, cũng không tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, để rừng bị khai thác, lấn chiếm mà không có biện pháp phối hợp, ngăn chặn. Nhiều lần, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã mời doanh nghiệp này lên hướng dẫn, hỗ trợ giải tỏa rừng bị lấn chiếm, trồng lại rừng nhưng chưa lần nào doanh nghiệp trên phối hợp xử lý. Đặc biệt, từ năm 2015 tới nay, công ty không có trụ sở trên địa bàn, không có phương án quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng...
Gần đây nhất, tháng 3-2020, lực lượng chức năng huyện Đức Trọng tiếp tục phát hiện tại tiểu khu 167c có 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp làm mất 3ha và 1 vụ phá rừng trái pháp luật thuộc dự án của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt. Trước việc không triển khai dự án, để đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, rừng bị tàn phá, khai thác trái pháp luật cùng hàng loạt vi phạm nghiêm trọng khác, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã kiến nghị UBND huyện tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi toàn bộ 268ha đã giao cho Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt từ năm 2007.
Ngày 17/11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại tiểu khu 214, xã Phi Liêng, huyện Ðam Rông. Tại hiện trường, 29 cây thông cổ thụ đã bị các đối tượng khai thác, gây thiệt hại 33m3 gỗ trên diện tích hơn 2ha.