Spirit of Saigon của Bitexco đang được thế chấp toàn bộ tại SHB, khách hàng sẽ gặp những rủi ro gì?

17/03/2020 18:56

Theo thông báo của Sở Xây dựng TP HCM, toàn bộ dự án của Bitexco đang được thế chấp tại Ngân hàng SHB. Vậy, khi khách hàng đầu tư, giao dịch tại dự án này sẽ phải gặp những rủi ro pháp lý nào?

Theo thông báo của Sở Xây dựng TP HCM, toàn bộ dự án của Bitexco đang được thế chấp tại Ngân hàng SHB. Vậy, khi khách hàng đầu tư, giao dịch tại dự án này sẽ phải gặp những rủi ro pháp lý nào?
Hiện trạng dự án Spirit of Saigon của Tập đoàn Bitexco đang được thế chấp tại SHB.

Hiện trạng dự án Spirit of Saigon của Tập đoàn Bitexco đang được thế chấp tại SHB.

Dự án Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu tứ giác Bến Thành), có tên thương mại là Spirit of Saigon được UBND quận 1 (TP HCM) chấp thuận đầu tư tại Văn bản số 107/UBND-QLĐT ngày 11/1/2013.

Theo Văn bản số 22/TB/SHB.111700 ngày 21/2/2020 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, chi nhánh Tây Hà Nội, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco đang thế chấp toàn bộ dự án Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu tứ giác Bến Thành), có tên thương mại là Spirit of Saigon tại Ngân hàng SHB – chi nhánh Tây Hà Nội.

SHB cũng đồng ý cho Bitexco “không phải giải tỏa, giải chấp” và được phép bán “nhà ở hình thành trong tương lai”.

Tuy nhiên, SHB yêu cầu Bitexco: “Toàn bộ các khoản tiền của người mua phải thanh toán cho Công ty được quy định tại các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở… tại Dự án phải được chuyển vào tài khoản của Công ty mở tại Ngân hàng SHB chi nhánh Tây Hà Nội”.

Lễ

Lễ "cúng" khởi công phần Thân dự án Spirit of Saigon vào tháng 10/2019.

Sở Xây dựng cũng yêu cầu Saigon Glory: “Trước khi bán nhà ở trong dự án, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp)”, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 11, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016.

Ngoài ra, Sở Xây dựng yêu cầu Saigon Glory: “Toàn bộ các khoản tiền của người mua nhà… tại dự án phải được chuyển vào tài khoản của Bitexco mở tại Ngân hàng SHB chi nhánh Tây Hà Nội”.

Phân tích về những rủi ro pháp lý mà khách hàng sẽ gặp phải nếu đầu tư vào dự án của Bitexco, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng:

"Việc chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng để lấy vốn thực hiện dự án là hoàn toàn bình thường, được Pháp luật cho phép. Gần như doanh nghiệp nào cũng phải làm, kinh doanh càng lớn thì càng phải vay nhiều.

Hiện trường dự án.

Hiện trường dự án.

Tuy nhiên, ở các dự án đã thế chấp thì trước khi bán sản phẩm cho khách hàng, chủ đầu tư buộc phải giải chấp, trừ trường hợp có sự đồng ý của khách hàng và ngân hàng. Còn nếu không, chủ đầu tư chỉ được phép thế chấp phần còn lại bao gồm các căn hộ chưa bán hoặc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư. Việc thế chấp cả những căn hộ đã bán là vi phạm pháp luật".

Theo Luật sư Kiệm, Luật Kinh doanh bất động sản 2014,  Nghị định 76/2015/NĐ-CP, Luật Nhà ở 2014 và Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định trường hợp bất động sản đang thế chấp được bán, chuyển nhượng, nếu bên nhận thế chấp (ngân hàng) đồng ý việc bán, chuyển nhượng mà không cần phải “giải chấp” như các dự án trên.

Dự án Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu tứ giác Bến Thành), có tên thương mại là Spirit of Saigon.

Dự án Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu tứ giác Bến Thành), có tên thương mại là Spirit of Saigon.

Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP là quy định mang tính mở hơn so với Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở khi dự án đang bị thế chấp vẫn được coi là đủ điều kiện nếu “bên thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp thống nhất việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó. Do hệ thống pháp luật thiếu tính thống nhất, nên nhiều vấn đề phát sinh và rủi ro cho các bên khi thực hiện Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Thứ nhất, quy định tại Điều 19 làm các chủ đầu tư đã đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất của dự án không thực hiện việc chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (từng nhà ở), dẫn đến nghịch lý là ngân hàng đang nhận thế chấp quyền sử dụng đất là thuộc phần sở hữu chung của dự án, chứ không thuộc sở hữu riêng của nhà ở, căn hộ nào, nên không còn giá trị xử lý tài sản với từng nhà ở, căn hộ với người mua (đăng ký thế chấp tài sản nào thì chỉ được xử lý tài sản đó).

Thứ hai, các quy định ràng buộc người mua nhà phải chuyển tiền vào các tài khoản trong thông báo của Sở Xây dựng, dẫn đến những khoản tiền người mua đã chuyển trước đây theo thỏa thuận giữ chỗ, thỏa thuận đặt cọc không được ngân hàng chấp nhận. Đây sẽ là tranh chấp lớn nếu xảy ra rủi ro với chủ đầu tư, dự án bị chậm trễ.

Thứ ba, các ngân hàng yêu cầu phải thế chấp dự án thì mới bảo lãnh cho người mua khi chủ đầu tư chậm bàn giao chỉ là nghiệp vụ của ngân hàng, chứ pháp luật không có quy định nào bắt buộc như vậy.

Quy định tại Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 yêu cầu, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Tuy nhiên, mặc dù Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện giao dịch bán, cho thuê mua nhưng điều đó vẫn chưa chắc an toàn, hay nói một cách khác, dự án đang thế chấp hay sẽ bị thế chấp vẫn không có gì để đảm bảo, không có cơ chế kiểm soát.

Thậm chí, Khoản 2, Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định rõ hai trường hợp: Trường hợp 1, nếu dự án hay thế chấp nhà ở thì chỉ cần có văn bản giữa các bên (ngân hàng, chủ đầu tư, người mua) về việc không giải chấp và được mua. Trường hợp 2, nếu dự án hoặc nhà ở không bị thế chấp thì chủ đầu tư phải ghi rõ cam kết chịu trách nhiệm trong văn bản của Sở Xây dựng.

Vấn đề đặt ra, Sở Xây dựng là cơ quan kiểm tra và thông báo dự án đủ điều kiện giao dịch nhưng Sở không chịu trách nhiệm về vấn đề dự án có bị thế chấp hay không (trường hợp chủ đầu tư khai dự án không bị thế chấp). Như vậy, nếu ở trường hợp 2 có xảy ra sai sót, rõ ràng người mua lãnh đủ rủi ro, vì theo quy định về giao dịch bảo đảm thì hợp đồng mua nhà đang thế chấp là vô hiệu, người mua nhà dễ bị mất trắng.

Nếu các giao dịch mua bán nhà ở thực hiện đúng quy định tại Khoản 2, Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì việc thế chấp dự án, nhà ở trước thời gian hay sau thời gian khi Sở Xây dựng thông báo, cho dù đúng quy định Luật Nhà ở nhưng vẫn không giải quyết được theo pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Gần đây, UBND TP.HCM vừa có báo cáo Thủ tướng những vướng mắc trong quản lý và khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức tham gia mua bán bất động sản. Theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quyền thế chấp dự án hoặc nhà trong dự án tại tổ chức tín dụng khi đáp ứng đủ yêu cầu.

UBND TP.HCM cho biết, hiện có không ít chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở này để vừa thế chấp đất nền, vừa thế chấp các căn hộ trong tương lai. Các căn hộ này sẽ được xóa thế chấp khi đến tay chủ mới, tuy nhiên quyền sử dụng đất xây chung cư vẫn còn thế chấp tại tổ chức tín dụng. Trường hợp chủ đầu tư không có khả năng thanh toán nợ, quyền và lợi ích của người mua căn hộ trong dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Hệ lụy rõ ràng nhất là chủ hộ bị chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cố ý không giải chấp, không thông tin cho khách hàng biết tình trạng pháp lý của bất động sản. UBND TP.HCM nhận định, với mức phạt chỉ 50-60 triệu đồng cho những hành vi này là chưa đủ sức răn đe.

Từ những lỗ hổng về mặt pháp lý còn tồn tại, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét, đề xuất bổ sung quy định về thành phần hồ sơ đối với việc đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Trước khi giao dịch, chủ đầu tư phải đồng thời xóa thế chấp căn hộ và quyền sử dụng đất xây chung cư đó. Thành phố cũng đề xuất biện pháp đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng đối với chủ đầu tư không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng về tình trạng pháp lý của bất động sản.

 

 

Theo SKCD

Bạn đang đọc bài viết "Spirit of Saigon của Bitexco đang được thế chấp toàn bộ tại SHB, khách hàng sẽ gặp những rủi ro gì?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.