Giá đất "vống" lên cao
Tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh thời điểm cuối năm, đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện đất đai tăng giá. Ông V. - chủ một quán bia mặt đường gần ngã tư Vũng Áng chỉ tay sang ngay lô đất bên cạnh nói: "Họ đang rao 600 triệu đồng một mét ngang đấy, hồi đầu năm cũng lô đất này đâu đó chưa đến 300 triệu đồng".
Đứng bên cạnh, vợ ông V. tiếp lời: "Ôi người ta cứ rao vậy, cũng nhiều người hỏi nhưng mà giá cao thế không biết có ai dám mua không".
Là người thạo thông tin trong vùng vì quán bia lắm người qua lại, kể chuyện, ông V. tiếp tục chỉ một khu đất phía xa hơn. "Lô đấy họ cũng đang rao bán, có lúc đòi tới 700 triệu đồng. Cơ mà họ có đất, họ đòi bao nhiêu chẳng được, nhưng đúng là có ai chịu mua không mới quan trọng vì giá tăng cao quá, năm ngoái giá còn chưa đến 200 triệu đồng", ông V. nói.
Khi được hỏi vì sao giá đất vùng này rao bán tăng vống lên như vậy, ông V. giải thích: "Tôi nghe đâu do người ta khởi công nhà máy sản xuất pin mấy nghìn tỷ đồng ở Kỳ Lợi. Là tập đoàn lớn làm. Vừa rồi khởi công đông lắm".
Một môi giới ở vùng này cho biết thêm, ngoài khu vực Quốc lộ 1 qua Kỳ Trinh, nhiều nơi khác như ở Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên… cũng "nóng". Gần đây nhiều dự án được phê duyệt vào khu vực này, nên giá đất cứ rục rịch tăng từng ngày, môi giới này cho hay.
Khảo sát trên một số diễn đàn bất động sản, la liệt những thông tin rao bán lô đất ở Kỳ Thịnh hay Kỳ Long, Kỳ Trinh với lời giới thiệu đối diện cổng VinFast hoặc gần khu vực này...
Trong khi đó, lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho biết thêm, bất động sản tăng giá thì những người có đất sẽ được hưởng lợi song điều này cũng khiến nhiều hộ gia đình có nhu cầu mua đất làm nhà ở thực sự ngày càng khó khăn.
Chính quyền liên tiếp khuyến cáo người dân không nên chạy theo đồn thổi, tránh gây thiệt hại cho bản thân trong đầu tư bất động sản. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chấn chỉnh việc lợi dụng dự án nhằm gom đất đầu tư, sau đó xin làm hạ tầng giao thông để phân lô bán nền và thổi giá.
Giá đất tăng không phản ánh đúng giá trị, lo hệ lụy lớn
Qua khảo sát, khu vực Kỳ Anh - Hà Tĩnh vẫn còn khá hoang sơ. Giá đất thì đang có dấu hiệu tăng vọt lên trong khi hạ tầng chưa có nhiều thay đổi lớn. Dân cư chưa nhiều, ngay cả ở các quán xá mặt đường, lượng khách cũng còn hạn chế.
Ông Việt - chủ cửa hàng mặt đường, ngay điểm quốc lộ đi qua khu Vũng Áng - cho biết, giá cửa hàng ông đang thuê là 1,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó đặt giả thiết, nếu người mua "chốt" lô đất bên cạnh với giá hơn 3,5 tỷ đồng thì việc xây cửa hàng, cho thuê chắc chắn lợi nhuận thu sẽ là một con số quá bèo bọt với chi phí bỏ ra.
Trong khi đó, nếu mua để đầu cơ và chấp nhận mức giá tăng bất thường này, các nhà đầu tư cũng cần nhớ lại bài học cách đây gần chục năm. Bởi việc tăng giá đất phải đi kèm với những thay đổi thực chất về hạ tầng, cùng với tốc độ phát triển kinh tế thì mới đảm bảo được sự bền vững, an toàn, phản ánh đúng giá trị.
Còn nhớ những năm 2010, 2011, Hà Tĩnh đã từng xảy ra các đợt "vỡ bong bóng" giá đất khi nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi hoặc vay mượn bạn bè, ngân hàng đã xuống tiền "lướt sóng" đầu tư và đến đầu 2012, khi giá đất "lao dốc" thì "cắt lỗ" không kịp nên lâm cảnh nợ nần.
Nói với , chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sốt đất đang có dấu hiệu quay trở lại và rất đáng lo ngại. Những người có đất thì "hô" giá trên trời, nhà đầu cơ thì tha hồ "thổi giá", người mua ái ngại, cuối cùng không có mấy giao dịch.
"Giá tăng cao quá, bị "thổi" nhiều, không đi kèm với giá trị, do vậy đường cung - đường đầu khó gặp nhau; có dấu hiệu của một nguy cơ bong bóng bất động sản trong tương lai", ông Nghĩa lo ngại.
"Khi giá đất tăng, người sở hữu lại càng tiếp tục kỳ vọng còn cao giá hơn nữa. Cung - cầu đi song song nhau. Chỉ cần cú sốc thì thị trường sẽ gánh hệ lụy lớn", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho biết, giới đầu cơ dùng mọi chiêu trò, tối đa hóa lợi ích, ôm hàng, găm hàng và dẫn đến những hậu quả tai hại cho thị trường, quy hoạch. "Người mua có nhu cầu thật cũng không mua được, vì giá quá cao. Người bán thì không bán được nhưng vẫn đưa ra giá trên trời, lúc đó là bong bóng. Nguy cơ thị trường bất động sản bong bóng ngày càng tăng", ông Nghĩa cảnh báo.
Cũng theo vị chuyên gia, giá bất động sản ngay sau đợt sốt hạ nhiệt cũng không chịu giảm; cần có các biện pháp căn cơ cho vấn đề này chứ không chỉ đơn thuần cứ mỗi lần "sốt" thì lao vào "dập".
Theo thông tin trên báo Hà Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Hoạch, Trưởng phòng Đất đai 1 - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho rằng, các địa phương cần phối hợp với ngành liên quan siết chặt quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng "sức nóng" của các dự án để đẩy giá đất lên cao hơn so với giá trị thực. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cần giao trách nhiệm trực tiếp cho các xã, phường, nếu để xảy ra tình trạng lách luật hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất ở, đất thương mại… thì người đứng đầu chính quyền sở tại phải bị xử lý kỷ luật.
Theo Nguyễn Mạnh/Dân Trí