Ngày 30/6/2016, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư số 19, hướng dẫn việc huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại và một số nội dung liên quan. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Bình Dương có dấu hiệu làm trái hướng dẫn này.
Theo thông tin được công bố trên website của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, số liệu cập nhật đến hết tháng 1/2020, trên địa bàn tỉnh có 38 dự án được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, có nhiều dự án của chủ đầu tư trong và ngoài nước như: Chung cư Sora Garden 2, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do Công ty TNHH BTMJR Investment làm chủ đầu tư; Chung cư Vạn Xuân Bình Dương (Happy One), do Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Vạn Xuân làm chủ đầu tư; Khu căn hộ cao tầng Tín Điền (Stown Phúc An 1), do Công ty TNHH STC Bình Dương làm chủ đầu tư…
Dù phần lớn các dự án này được xác nhận được bán nhà ở hình thành trong tương lai từ năm 2019 trở về trước, nhưng, theo khảo sát thực tế tại một dự án trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, dự án vẫn chưa hoàn thành việc thi công phần đài, giằng móng.
Được biết, nhà thầu thi công cùng đơn vị giám sát và chủ đầu tư đã ký biên bản nghiệm thu “Hạng mục cọc nhồi, móng đến sàn tầng 1”, trước khi Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương xác nhận dự án được bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM – người từng có kinh nghiệm đầu tư chung cư ở Bình Dương cho biết, trước đây, doanh nghiệp khi làm hồ sơ để được xác nhận được bán nhà ở hình thành trong tương lai, ngoài biên bản nghiệm thu 3 bên (nhà thầu thi công cùng đơn vị giám sát và chủ đầu tư), Sở Xây dựng cũng cử đại diện xuống hiện trường kiểm tra xem thực tế có đúng với biên bản không. Quy trình rất chặt chẽ, nên khó có thể xảy ra sai sót.
Thạc sỹ Hoàng Ngọc Phong, giảng viên chuyên ngành xây dựng, cho rằng, theo tiêu chuẩn thiết kế TCVN:10304-2014, móng cọc được định nghĩa là hệ thống cọc được nối lại với nhau trong một cấu trúc thống nhất, truyền tải trọng lên nền. Như vậy, ngoài các cọc thì còn có đài cọc và giằng móng tạo nên kết cấu phần móng.
Mặt khác, Thông tư số 19, ngày 30/6/2016, của Bộ Xây dựng có hướng dẫn: “Việc huy động vốn thông qua hình thức thu tiền trả trước của người mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai quy định tại khoản 3, Điều 69, của Luật Nhà ở phải tuân thủ quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 19, của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP .
Điều kiện nhà ở hình thành trong tương lai được bán, cho thuê mua thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng xong phần móng của công trình nhà ở (kể cả công trình nhà ở có Mục đích sử dụng hỗn hợp) được xác định là giai đoạn đã thi công xong phần đài và giằng móng hoặc tới độ cao mặt bằng sàn của tầng thấp nhất của công trình nhà ở đó.
Trường hợp chủ đầu tư áp dụng biện pháp thi công top-down (thi công sàn các tầng trên của công trình nhà ở trước khi thi công phần đài và giằng móng hoặc trước khi thi công mặt bằng sàn của tầng thấp nhất của công trình) theo thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt thì việc thi công xong mặt bằng sàn đầu tiên của công trình được xác định là tương đương với việc đã xây dựng xong phần móng của trường hợp thi công theo phương pháp thông thường”.
Dù Bộ Xây dựng đã hướng dẫn rất rõ, nhưng không hiểu vì lý do gì mà Sở Xây dựng Bình Dương lại làm trái? Mặt khác, Giám đốc đương nhiệm của Sở Xây dựng Bình Dương từng học Khoa Xây dựng, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, và đã có thâm niên công tác tại Sở này, lẽ nào không nắm rõ về kết cấu để biết đúng sai trong trường hợp này?
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do có thể dẫn đến sai sót. Tuy nhiên, dù lý do gì thì doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, vì khi được xác nhận được bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì doanh nghiệp được ký hợp đồng mua bán với khách hàng và thu tiếp số tiền theo tiến độ đủ 30%.