Tại TP.HCM, chỉ tính trong năm 2020, có đến 61 hồ sơ chờ thực hiện “quyết định chủ trương đầu tư dự án” vẫn đang bị “ngâm” tại Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Thông tin trên vừa được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) phản ánh trong văn bản kiến nghị gửi đến UBND TP.HCM, nhằm tháo gỡ một số vướng mắc trong công tác thực thi pháp luật để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển theo hướng minh bạch, ổn định, lành mạnh và bền vững.
Theo HoREA, năm 2020 là một năm đầy sóng gió, gian nan và thách thức đối với nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, cũng như đối với nền kinh tế nước ta. Trong đó, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những khó khăn vốn có của thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM vốn đã gặp phải trong 5 năm gần đây.
Không những vậy, công tác thực thi, phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án vẫn còn chậm trễ, cũng tác động không nhỏ đến nguồn cung và sự phát triển chung của lĩnh vực này. Điển hình, tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, hiện nhiều dự án đang chờ được thực hiện “quyết định chủ trương đầu tư dự án” vẫn bị ách tắc kéo dài.
HoREA cho biết, chỉ riêng năm 2020, Sở Xây dựng đã chuyển tổng cộng 61 dự án sang Sở Kế hoạch - Đầu tư để thực hiện thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư dự án”. Thế nhưng, không có dự án nào được Sở này trình lên UBND TP.HCM để ban hành “quyết định chủ trương đầu tư dự án”. Nguyên nhân là do vướng mắc về dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẽ các thửa đất do Nhà nước quản lý trong dự án).
Tuy nhiên, cũng có dự án dù không vướng “đất công”, nhưng nhà đầu tư “được” Sở Kế hoạch - Đầu tư yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần. Đến nay, Sở Kế hoạch - Đầu tư vẫn chưa trình lên UBND TP.HCM để ban hành “quyết định chủ trương đầu tư dự án”. Điều này đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch.
Hiện tại, các vướng mắc này đã được Luật Đầu tư 2020, Nghị định 148/2020/NĐ-CP xử lý. Do vậy, HoREA đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm giải quyết các hồ sơ dự án đã được Sở Xây dựng chuyển đến để thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, với nhiều quy định mới tháo gỡ được nhiều vướng mắc của các dự án đầu tư, dự án nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, Nghị định này sẽ tháo gỡ được nút thắt về đất công xen kẹt bấy lâu nay. Quy định mới của Chính phủ cũng sẽ giúp giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các phần đất do Nhà nước quản lý, nằm xen kẽ trong 126 dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Các dự án này hầu hết đang bị ngừng triển khai, có thể tái khởi động, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo Chủ tịch HoREA, để thị trường bất động sản đi vào ổn định thì vẫn cần sự quyết liệt hơn từ các cơ quan chính quyền nhằm tạo điều kiện cho các điều Luật sửa đổi sớm được áp dụng.
Chủ tịch TP.HCM bức xúc vì Sở Kế hoạch - Đầu tư ngâm hồ sơ
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bức xúc về một trường hợp ngâm hồ sơ quá lâu tại Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Theo ông Phong, khi họp Thường trực UBND TP.HCM, ông đã lưu ý một trường hợp ngâm hồ sơ quá lâu, bây giờ trên bàn lại có một trường hợp nữa. Tức là thời gian quy định điều chỉnh giấy phép đầu tư trong vòng 10 ngày thôi, nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư kéo dài 30 ngày.
Trong khi đó, quy định của Luật Đầu tư thì không phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, song Sở Kế hoạch - Đầu tư lại lấy ý kiến khiến thủ tục kéo dài. Thậm chí, có những vấn đề vướng mắc không giải quyết một lần mà giải quyết từng đoạn, kéo dài thời gian. Nhiều trường hợp như vậy đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.HCM. Do vậy, ông yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải chấm dứt tình trạng này.
Ông Phong cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.HCM. “Khâu này còn nhiều vấn đề cần phải tập trung xử lý, đặc biệt là hồ sơ từ sở này qua sở kia kéo dài rất lâu”, ông nói thêm.