Nhu cầu mua smartphone giảm, trong khi việc kiểm tra máy cũ gặp khó khăn vì Covid-19, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại cũ điêu đứng.
Gần một tháng nay, cửa hàng điện thoại của anh Nguyễn Thái (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vắng khách. Vốn là cửa hàng nhỏ chuyên mua bán, trao đổi điện thoại đã qua sử dụng, khách hàng của cửa anh thường phải đến "test máy" trực tiếp trước khi mua. Tuy nhiên, do chủ trương "giãn cách xã hội" của Chính phủ gần đây, việc kiểm tra máy gần như không thể thực hiện được. Lượng khách tìm mua điện thoại cũ cũng giảm rõ rệt.
"Có những người mình phải nhắn tin tư vấn cả ngày trời. Thậm chí quay video, chụp ảnh sản phẩm chi tiết để họ đánh giá, nhưng cuối cùng họ vẫn hẹn đến khi hết dịch đến xem trực tiếp rồi mới xuống tiền", anh nói.
Anh Nguyễn Lâm, chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone "có tiếng" tại Thanh Hoá cho biết, lượng khách đến cửa hàng đã giảm 70 - 80% trong tháng qua, dù anh hỗ trợ phí giao máy và cài đặt phần mềm tận nơi.
Không chỉ những cửa hàng nhỏ lẻ, nhiều hệ thống lớn cũng gặp khó khăn, thậm chí có đơn vị quyết định ngừng kinh doanh điện thoại cũ để tránh rủi ro. Theo nhân viên bán hàng của một hệ thống điện máy lớn, đơn vị này từng có lượng khách tìm mua máy cũ, máy trưng bày khá đông. Tuy nhiên, đặc thù của loại sản phẩm này yêu cầu khách hàng phải đến xem hàng và thanh toán trực tiếp chứ không thể mua online, vì vậy họ quyết định ngừng kinh doanh đến khi hết dịch.
Việc "test máy" trực tiếp là cái khó của các cửa hàng bán máy cũ. "Nếu máy mới 100%, khách hàng có thể yên tâm đặt hàng online và nhận máy tại nhà, thì với máy cũ, khách hàng khá thận trọng, cho dù cửa hàng có cam kết bảo hành", anh Thái nói. Ngoài ra, có nhiều trường hợp khách đồng ý mua nhưng đến khi nhận máy lại không ưng và đòi trả lại, gây khó xử cho cả người mua lẫn người bán.
Ngoài ra, kinh tế ảnh hưởng, khiến nhu cầu mua điện thoại cũng giảm theo. Theo thống kê của một hệ thống bán lẻ điện thoại lớn tại TP HCM, lượng khách hàng trong tháng 3 đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cửa hàng phải áp dụng nhiều biện pháp giảm giá, kích cầu, nhưng kết quả cũng không cao. "Tâm lý người dùng thắt chặt chi tiêu khiến sức mua iPhone nhìn chung bị giảm", ông nói.
Theo thống kê của Strategy Analytics, lượng tiêu thụ smartphone toàn cầu trong tháng 2 đạt 61,8 triệu chiếc, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân đến từ việc sản xuất smartphone tại Trung Quốc bị đình trệ, trong khi dịch bệnh khiến kinh tế bị ảnh hưởng, nhu cầu mua sắm của người dùng cũng thấp hơn.