Siêu dự án Cocobay ‘vỡ trận’, condotel lộ bài loạt đại gia giật mình

28/11/2019 09:01

Luật sư chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong đề xuất giải quyết cho khách hàng đã mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng khi chủ đầu tư thông báo chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng.

Luật sư chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong đề xuất giải quyết cho khách hàng đã mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng khi chủ đầu tư thông báo chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng.

Chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư

Như VietNamNet thông tin, mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) đã phát đi thông báo khẳng định: Từ ngày 1/1/2020, doanh nghiệp buộc phải chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết theo phụ lục 06 của Hợp đồng mua bán (HĐMB). Cùng với đó, công ty Thành Đô cũng đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại Cocobay Đà Nẵng.

Trong đó, chủ đầu tư đưa ra giải pháp, khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm;

Hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.

Siêu dự án Cocobay ‘vỡ trận’, condotel lộ bài loạt đại gia giật mình
Theo chủ đầu tư dự án Cocobay, khách hàng có thể chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường.

Đánh giá về giải pháp này, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hiện nay loại hình condotel chưa được pháp luật ghi nhận, bản chất nó chính là khách sạn, một sản phẩm nghỉ dưỡng du lịch, lưu trú. Cho nên, nếu chọn giải pháp này thì còn tiếp tục bế tắc.

Còn với giải pháp chuyển đổi các căn condotel thành căn hộ chung cư, liên quan đến vấn đề này, đầu năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (tên thương mai là Tổ hợp Du lịch & Giải trí Cocobay) tại phân khu quy hoạch số 1, phía Tây đường Trường Sa, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Theo đó, cho phép chuyển đổi 50% công trình căn hộ khách sạn (condotel- không hình thành đơn vị ở) đang xây dựng tại cụm HH2, HH3, HH5 thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở). Với các công trình căn hộ khách sạn cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 được chuyển đổi thành căn hộ chung cư, biệt thự, biệt thự song lập, nhà chia lô liền kề. Riêng công trình cao tầng tại cụm HH1 giảm chiều cao từ 50 tầng xuống 40 tầng, chuyển đổi 50% căn hộ chung cư…

Theo luật sư Trương Anh Tú, quy hoạch sử dụng đất là việc tất cả các tỉnh, thành phố phải có quy hoạch tổng thể, báo cáo Trung ương và đã được phê duyệt. Theo đó khu vực này làm nhà ở, khu vực kia làm nhà máy, công xưởng, khu vực khác làm đất công nghiệp, khu vực làm đất du lịch, dịch vụ…

“Đây là một dự án về du lịch lưu trú được chính quyền địa phương cấp phép nhiều năm trước. Như vậy, tại thời điểm thực hiện dự án thì đất sử dụng trong trường hợp này chắc chắn là phải đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ và đã được nhà nước quy hoạch (trước đó) phù hợp với kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho phát triển du lịch tại địa phương, nhưng nay lại được chuyển đổi thành đất ở. Dù quyết định này là giải pháp tháo gỡ vướng mắc hiện nay, nhưng có thể phá vỡ quy hoạch ở địa phương, như vậy sẽ rất bất hợp lý. Mặc dù năm ngoái tôi là người đầu tiên nêu ra giải pháp này, nhưng cũng cần hết sức cân nhắc” – luật sư Tú phân tích.

Cũng theo luật sư, một chi tiết hết sức vô lý là nếu khi chuyển sang đất ở nhà ở thì người mua nhà lại phải chịu thêm phí tổn 15% giá trị mua bán, đây chính là một sự đánh đố của chủ đầu tư. Như vậy, người “mua” bất động sản một lần nữa lại phải bỏ tiền ra để mua bất động sản của chính mình.

Đầu tư condotel kiểu “chỉ có ở Việt Nam”

Câu chuyện về cam kết lợi nhuận condotel “chót vót” 10-12% đã gây tranh cãi trong suốt nhiều năm qua. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rủi ro trước những bản hợp đồng cam kết thiếu tính pháp lý.

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, ngay từ năm 2016, hiệp hội đã đưa ra rất nhiều cảnh báo và đến bây giờ việc dự án Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận không nằm ngoài những cảnh báo đó.

“Nhà đầu tư thiếu thông tin nhưng lại đầu tư theo phong trào cứ thấy lợi nhuận 8-12% là họ xuống tiền mua condotel khi quy chuẩn xây dựng chưa có, rủi ro về pháp lý sở hữu, rủi ro về kinh doanh… Đến bây giờ khi lượng khách không được như kỳ vọng thì chính nhà đầu tư là người gánh thiệt hại” – ông Châu nói.

Siêu dự án Cocobay ‘vỡ trận’, condotel lộ bài loạt đại gia giật mình
“Trong cuộc chơi trên thị trường condotel, đã không có sự fairplay, không win-win cho các bên mà rủi ro rơi chủ yếu là vào khách hàng, nhà đầu tư”.

Theo ông Châu, dự án condotel đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện vào năm 2009 ở Nha Trang lúc đó nhà đầu tư là đầu tư tài chính không có nhà đầu tư là chủ sở hữu căn hộ.

“Cái gốc của condotel là đầu tư tài chính. Trên thế giới không có chuyện nhà đầu tư thành chủ sở hữu từng căn hộ condotel, chỉ đến một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam mới biến tướng ra việc này. Về kinh doanh thì bất cứ khoản đầu tư nào cũng có những rủi ro nên chuyện lời ăn lỗ chịu là chuyện nhà đầu tư phải chấp nhận” – vị Chủ tịch HoREA đánh giá.

Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, ở đây cần nhìn nhận nhiều người dân khách hàng đã cũng dốc hết tiền của thậm chí là đi vay để đầu tư vào condotel nên khi cam kết bị “vỡ” sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Chỉ có ở Việt Nam mới có tình trạng kinh doanh phiêu lưu như thế. Đầu tư condotel theo đám đông, theo cò mồi. Thậm chí có một số tổ chức hiệp hội, thông tin truyền thông cổ suý quá nên làm cho nhà đầu tư với trình độ hạn chế thì không đánh giá được tính khả thi của dự án. Khi chủ đầu tư không thực hiện đúng nghĩa vụ trả lợi nhuận hàng năm nguy cơ nhà đầu tư sẽ không hoàn vốn được theo như kỳ vọng. Rõ ràng nhà đầu tư thêm rủi ro và gánh nặng phải đương đầu. Gánh nặng này chủ đầu tư không gánh cho khách hàng mà nhiều khách hàng hiện phải chịu gánh nặng về cả trả nợ gốc lẫn trả lãi vay…” – ông Châu phân tích.

Đặt ra vấn đề về việc hiệu ứng “vỡ trận” từ dự án Cocobay có thể lan rộng, ông Châu cho rằng đây là điều phải nhìn nhận và tính đến.

Luât sư Trương Anh Tú cũng đồng quan điểm khi nhận định sau đây sẽ có hàng loạt những khu nghỉ dưỡng du lịch condotel liên tiếp ra những thông tin thông báo tương tự cho những người mua khi họ không thể thanh toán được những khoản lợi nhuận lớn đến thế. Khi giai đoạn tuần trăng mật kết thúc mọi thứ trở về nguyên trạng đúng giá trị, đúng bản chất của giao dịch vốn có của nó.

Theo ông Châu, vấn đề bây giờ đối với dự án Cocobay là làm sao nhà đầu tư giảm thiệt hại thấp nhất trong đó quan trọng là việc kinh doanh đạt hiệu quả từ việc lựa chọn phương thức kinh doanh phù hợp, thay đồi phương thức phục vụ, tiện ích; liên doanh liên kết các các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…Chủ đầu tư và khách hàng cần thống nhất phương án tìm tiếng nói chung bởi thực tế hiện nay việc nhà đầu tư yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trả lợi nhuận theo đúng cam kết ở thời điểm này là bất khả thi.

Nhìn nhận từ thực tế tại dự án Cocobay, ông Lê Hoàng Châu cũng thẳng thắn cho biết, trước đây tôi đã chỉ ra một sự thật rằng, condotel đang được đẩy giá lên rất cao ngang ngửa với giá cư cao cấp, trung cấp tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Condotel đã bị đánh bóng giá trị lên rất nhiều lần. Trong khi đó, đất trong các dự án này chỉ là đất thuê, tiền sử dụng đất thấp, chính kiểu đánh bóng, thổi giá này cho thấy dấu hiệu các chủ đầu tư đã cơ bản thu hồi vốn ngay trong thời kỳ huy động vốn, bán sản phẩm cho khách hàng. Quá trình khai thác gần giống như quá trình gia tăng thêm của chủ đầu tư. Quá trình này không được như kỳ vọng thì chủ đầu tư cũng không quá thua thiệt bởi họ đã cơ bản thu hồi được vốn rồi. Trong cuộc chơi này đã không có sự fair play, không win-win cho các bên mà rủi ro rơi chủ yếu rơi vào khách hàng, nhà đầu tư” - ông Châu nêu ý kiến.

 

Hồng Khanh - Theo vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/sieu-du-an-cocobay-vo-tran-condotel-lo-bai-loat-dai-gia-giat-minh-592164.html

Bạn đang đọc bài viết "Siêu dự án Cocobay ‘vỡ trận’, condotel lộ bài loạt đại gia giật mình" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.