Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã: MSN) sẽ phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu để mở rộng dự án, góp vốn vào công ty con, trang trải nợ vay rất lớn… Liệu rằng Masan có thể xoay sở vốn “khủng” từ đâu cũng như đảm bảo khả năng trả nợ khi đáo hạn?
Huy động vốn “khủng” cho M&A?
Từ lâu, trái phiếu đã trở thành công cụ huy động vốn “khủng” cho Masan và nhiều công ty thành viên. Đợt phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu là con số lớn kỉ lục của Masan trong vòng 5 năm trở lại đây. Lúc này giới đầu tư cũng chưa hết ngờ ngàng về quyết định nhận sáp nhập hai công ty Vincomerce và VinEco bởi mảng hoạt động bán lẻ của Vingroup đang báo lỗ hơn 3.641 tỉ đồng.
Theo Nghị quyết ngày 20/12/2019 do ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan kí ban hành, tổng giá trị trái phiếu phát hành là 10.000 tỉ đồng, là loại trái phiếu không chuyển đổi mệnh giá 100.000 đồng, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của Masan.
Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 36 tháng với lãi suất cố định 12 tháng đầu tiên là 9,3% và 10%/năm, sau đó lãi suất được thả nổi… Ở đợt huy động vốn này, Công ty chứng khoán Kỹ thương của Ngân hàng Techcombank đóng vai trò là tổ chức đại lý phát hành và tư vấn niêm yết trái phiếu của Masan.
Theo đó, kế hoạch phát hành 100 triệu trái phiếu Masan dự kiến chia làm 4 đợt, thực hiện vào đầu năm 2020. Hai đợt đầu, tập đoàn sẽ phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu mỗi đợt, sau đó sẽ bán 2.000 tỉ trái phiếu mỗi đợt còn lại.
Về nguồn vốn thu từ bán trái phiếu, Masan cho biết, sẽ dùng 5.000 tỉ đồng để góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan; cho vay 4.000 tỉ đồng đối với hai công ty con là Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (MCH, 3.000 tỉ đồng) và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam (1.000 tỉ đồng).
Số tiền 1.000 tỉ đồng còn lại được dùng để thanh toán nợ vay nội bộ của Masan cho công ty con là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo. Thời gian sử dụng số tiền thu được dự kiến là vào quý I và quý II/2020.
Có thể thấy, Masan sẽ dành ưu tiên 3.000 tỉ đồng, chiếm 30% tổng tiền thu về từ bán trái phiếu để cho Công ty TNHH Masan Consumer Holdings vay. Đây là công ty mẹ đang sở hữu tới 94,5% vốn Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MSC). Masan sở hữu 84,7% Công ty TNHH Masan Consumer Holdings, qua đó gián tiếp sở hữu chi phối MCH.
Theo thông tin công bố hôm 3/12, Vingroup sẽ sáp nhập 2 công ty gồm Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Tổng hợp VinCommerce sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ có vốn 6.437 tỉ đồng và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất nông nghiệp VinEco (VinEco) có vốn đầu tư ban đầu 4.000 tỉ đồng (năm 2015) vào MSC. Tại pháp nhân này, Masan sẽ nắm chi phối quyền điều hành (sở hữu tối thiểu 51% công ty) thay cho Vingroup. Do đó, Masan Consumer Holdings cần tăng thêm vốn góp vào MSC, ước tính tối thiểu hơn 6.000 tỉ đồng để đảm bảo sở hữu chi phối MSC sau sáp nhập. Cùng với đó, việc tăng vốn sẽ làm “đẹp” hơn sức khoẻ tài chính của MSC, nhất là sớm khắc phục khoản lỗ hơn 3.461 tỉ đồng từ mảng kinh doanh bán lẻ, đảm bảo vốn duy trì hoạt động…
MẶC DÙ QUYẾT ĐỊNH BÁN CÔNG TY ĐƯỢC VINGROUP GIẢI THÍCH LÀ NHẰM CƠ CẤU MẠNH MẼ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VỚI ĐỊNH HƯỚNG TẬP TRUNG CHO CÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHỆ, NHƯNG TỪ LÂU GIỚI ĐẦU TƯ CŨNG NGHI NGẠI VỀ RỦI RO ĐẦU TƯ DÀN TRẢI, KÉM HIỆU QUẢ, DẪN TỚI VIỆC PHẢI RÚT LUI KHỎI SÂN CHƠI BÁN LẺ. ĐẶC BIỆT, CON SỐ THUA LỖ KỶ LỤC 3.460 TỈ ĐỒNG TỪ MẢNG BÁN LẺ CỦA VINGROUP LÀ MỘT CANH BẠC “ĐỎ ĐEN” CHO CÁC ĐẠI GIA VIỆT KHI LẤN SÂN BÁN LẺ. |
Vũ điệu “đảo nợ” trái phiếu
Tập đoàn Masan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với 4 trụ cột chính là khai thác khoáng sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm và tài chính (Masan sở hữu lớn 20% vốn Techcombank – là ngân hàng hậu thuẫn cho tập đoàn).
Trước nhu cầu vốn rất lớn, ngoài hàng chục nghìn tỉ đồng vay mượn từ các ngân hàng, Masan đã sử dụng rất tích cực công cụ phát hành trái phiếu để đảm bảo nguồn vốn lớn cho các dự án đầu tư, kinh doanh trong nhiều năm qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến hết quý 3/2019, tổng nợ vay và trái phiếu đã lên tới gần 24.4780 tỉ đồng. Trong số này, có gần 12.300 tỉ đồng là nợ trái phiếu dài hạn.
Đây mới chỉ là một phần trong khối nợ vay “khủng” gần 40.000 tỉ đồng ở thời điểm cuối năm 2016 mà hơn 75% là nợ vay dài hạn, khiến cho tập đoàn luôn phải căng sức cân đối tìm nguồn trả nợ.
Chỉ trong nửa đầu năm nay, Masan đã huy động hơn 12.643 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn, thế nhưng số tiền chi ra để hoàn trả nợ gần 10.997 tỉ đồng nợ ngắn hạn.
TỔNG NỢ VAY DÀI HẠN CỦA MASAN ĐẾN CUỐI NĂM 2018 LÀ HƠN 32.472 TỈ ĐỒNG, TĂNG GẤP 2,55 LẦN CHỈ TRONG VÒNG 3 NĂM. ĐẾN HẾT QUÝ 3/2019, TỔNG NỢ VAY VÀ TRÁI PHIẾU CỦA MASAN GIẢM XUỐNG CÒN GẦN 24.4780 TỈ ĐỒNG. |
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của Masan ghi nhận có gần 14.670 tỉ đồng trái phiếu thường (gồm cả chi phí phát hành) là nợ vay dài hạn tại thời điểm 30/6/2019. Số trái phiếu này có thời gian đáo hạn trong giai đoạn năm 2020-2024.
Điểm chung của những trái phiếu này là đều được đảm bảo chủ yếu bằng cổ phiếu của các công ty con (ANCO, MSR), một phần chi phí xây dựng dở dang, tài sản cố định, hoặc không có tài sản đảm bảo.
Hiện MSR có gần 989,23 triệu cổ phiếu đang lưu hành và giao dịch trên sàn Upcom. Nhưng Masan đã dùng 528,3 triệu cổ phiếu MSR – Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (tổng sở hữu 96% công ty này) để đảm bảo cho các khoản nợ trái phiếu của tập đoàn, từ 200 tỉ đồng tới hơn 1.500 tỉ đồng. Tổng giá trị trái phiếu này lên tới 5.500 tỉ đồng.
Có thể thấy, Masan đã đem thế chấp hơn 53,4% công ty Tài nguyên Masan để có thể vay bằng con đường bán trái phiếu với trị giá hàng nghìn tỉ đồng. Với giá cổ phiếu MSR trên sàn Upcom đóng cửa phiên 28/6/2019 là 16.618 đồng/CP, thì tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu MSR cao hơn 60% giá trị nợ trái phiếu được phát hành.
Một khoản vay nợ trái phiếu hơn 3.000 tỉ đồng của Masan còn không có tài sản đảm bảo, trong đó lô 2.100 tỉ đồng trái phiếu khác được đảm bảo bằng 59,3 triệu cổ phiếu MSC.
Do việc vay nợ thông qua phát hành trái phiếu rất lớn, kỳ hạn trả nợ từ 2-5 năm, nên Masan sẽ luôn phải quay cuồng trong vòng xoay đáo hạn trả nợ trái phiếu hàng nghìn tỉ đồng. Ngay trong kế hoạch phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu tới đây, Masan cũng dự kiến dùng 1.000 tỉ đồng huy động được để trả nợ cho công ty con Núi Pháo.
Trong khi đó, dù sở hữu 20% Techcombank với nguồn cấp tín dụng dồi dào nhưng Masan và các công ty thành viên sẽ gặp khó khăn về giới hạn cho vay, huy động trái phiếu theo quy định của Luật các TCTD nhằm ngăn chặn tình trạng rủi ro cho vay “sân sau”.
Các chuyên gia tài chính gần đây cũng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro ngân hàng và công ty chứng khoán tham gia mua lượng lớn trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành, như một cách “lách” giới hạn cho vay vượt trần. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro cho vay dưới chuẩn khi những quy định về cấp tín dụng, phát hành trái phiếu dễ dàng hơn, là nguyên nhân gây ra nợ xấu mất vốn.
Cho nên, điều cần được làm rõ là việc Masan đã huy động hơn 27.800 tỉ đồng nợ vay và trái phiếu từ những TCTD nào, nhất là nhà đầu tư nào đã “gật đầu” nhận cổ phiếu của các công ty con của Masan để giải ngân cho vay, có tuân theo đúng quy định pháp luật hay không?