Người nghèo ngậm trái đắng
Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đã phản ánh về tình trạng lợi dụng về nhu cầu cần mua đất rẻ xây nhà, một số đối tượng ở xã Hưng Long (huyện Bình Chánh, TP HCM) đã tiện tay phân lô đất nông nghiệp đang thuộc quyền sử dụng của một người ở xa, sau đó lừa bán giấy tay cho nhiều người.
Theo Đơn cầu cứu do năm cá nhân mua đất nông nghiệp phân lô gửi Báo PLVN, chúng tôi càng thấy rõ dấu hiệu lừa đảo trong “dự án” phân 12 lô tự phát đất nông nghiệp tại xã Hưng Long, Bình Chánh.
Là một trong hai người mua nền đất “mặt tiền” với giá 400 triệu đồng, bà Võ Thị Hà (tạm trú tại ấp 3, xã Hưng Long, Bình Chánh) kể lại, gần cuối năm 2019, hay tin có đất phân lô bán tại ấp 4, bà tìm gặp ông Phan Chiếm Hùng hỏi mua. Mười mấy năm vợ chồng con cái ở trọ, thu mua ve chai, dành dụm được ít tiền, nên khi thấy giá lô đất vừa túi tiền, vợ chồng bà Hà vay mượn thêm để mong tìm được chỗ che mưa che nắng. Đặt cọc cho ông Chiếm Hùng 100 triệu, sau đó bà Hà được ông Hùng hẹn ngày lên ký vi bằng mua bán đất tại văn phòng Công ty TNHH MTV Tuấn Phát (của ông Trần Quốc Tuấn, địa chỉ tại ấp 2, xã Hưng Long, Bình Chánh).
Tại buổi ký vi bằng, bà Hà cho biết, ông Phan Văn Tuân (người đứng tên sổ đỏ) có mặt và ký bán đất với bà. Đồng thời bà Hà đã giao thêm 300 triệu đồng (lô đất được bán với giá 400 triệu đồng).
Tương tự, bà Trần Thị Liên (ở trọ tại ấp 5, xã Hưng Long, Bình Chánh) cũng đặt cọc cho ông Phan Chiếm Hùng 150 triệu đồng, sau đó cũng được ông Hùng hẹn ngày đến Công ty TNHH MTV Tuấn Phát ký vi bằng. Ông Tuân là người ký bán.
Hơi khác một chút là trường hợp của các ông Nguyễn Phú Xuân, Nguyễn Thành Liêm, Huỳnh Phương Quang (ngụ tại ấp 4 và 5 xã Hưng Long, Bình Chánh), những người này kể lại, họ mua 3 lô đất ở phía trong nên giá chỉ từ 140 – 170 triệu đồng/nền. Tất cả đều đặt cọc 20 triệu đồng tại văn phòng Công ty TNHH MTV Tuấn Phát và được hẹn thời gian ký vi bằng mua bán (cũng tại văn phòng này). Khi ký vi bằng, người mua đã gửi đủ tiền.
Tất cả cùng chịu chung hậu quả khi đến cắm ranh phần đất đã mua nhưng bị cản trở. Nói cách khác, người mua trở thành nạn nhân của trò lừa đảo khi “tiền mất, tật mang”.
Sự thật ai đã chiếm đoạt tiền?
Được biết, sổ đỏ hiện đang đứng tên ông Phan Văn Tuân nên tất cả vi bằng ông Tuân là người ký. Trong khi sự việc hiện đang được cơ quan chức năng làm rõ, ông Tuân khẳng định ông không hề cầm tiền của người mua. Công an huyện Bình Chánh có mời ông lên lấy lời khai nhiều lần. Tại Cơ quan điều tra, ông Tuân đã trình bày hết sự thật và khẳng định không có chuyện ông bán một mảnh đất cho nhiều người. Đồng thời, theo ông Tuân, ông không hề nhận tiền cọc tiền mua bán 12 lô đất.
“Mỗi bộ vi bằng tôi ký xong, họ cho tôi 5 triệu đồng. Tiền bán đất thì ông Phan Chiếm Hùng lấy”, ông Tuân tố cáo.
Vì “tham” chút tiền, ông Tuân đã bị nhiều người mua đất tố cáo và khởi kiện đòi tiền và tố cáo ông lên cơ quan điều tra Công an Bình Chánh và TAND Bình Chánh.
Theo như những gì phóng viên thu thập được, ông Phan Chiếm Hùng và một vài cá nhân khác tham gia vào việc phân 12 lô, bán nền trái phép đất nông nghiệp tại ấp 4, xã Hưng Long, Bình Chánh đã chứ không phải ông Phan Văn Tuân. Điều thấy được, dù chưa giao đủ tiền cho ông Hùng Thanh (người bán) nhưng ông Hùng và một vài cá nhân khác đã tự ý phân lô, bán 12 nền đất cho những hộ dân khác (đã lấy tiền đầy đủ).
Để làm rõ thêm sự việc, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Phan Chiếm Hùng (còn có tên khác là Phan Nhím Hùng hoặc Quốc Hùng). Trước những thông tin cho rằng bản thân ông tránh né mọi người, bỏ trốn khỏi nơi cư trú, ông Hùng cho rằng, mình vẫn đi làm vẫn sinh hoạt bình thường, không có chuyện bỏ trốn khỏi địa phương.
Trước những thông tin ông bị nhiều người mua tố cáo có liên quan đến mảnh đất bán cho nhiều người cùng với ông Tuân, ông Hùng cho biết, biết là mua bán không đúng pháp luật. Khi biết là sai nên dừng lại, có đứng tên nhận cọc tiền đất của 02 người mua là bà Hà và bà Liên, tổng số tiền là 250 triệu, trong đó bà Liên đưa 2 đợt tổng 150 triệu, bà Hà đưa 100 triệu. Ông Hùng đã thừa nhận có liên quan một phần trong việc phân lô bán nền mảnh đất của ông Tuân.
“Tôi có tội thì cơ quan pháp luật làm việc với tôi, nhưng tôi không lừa đảo, không bỏ khỏi nơi cư trú, cái này là chỉ mua bán với nhau. Pháp luật đã vô làm việc thì tôi chấp nhận sự xét xử theo pháp luật”, ông Hùng nói. Số tiền bán 10/12 lô, ông Hùng khẳng định không biết và không liên quan đến mình.
Nhiều bộ vi bằng mua bán đất được ký tại văn phòng Công ty Tuấn Phát, phóng viên đã có trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, chủ doanh nghiệp, để làm rõ. Theo ông Tuấn, ông Phan Chiếm Hùng “không có dính líu gì tới mình”. Về mảnh đất phân lô, ông Hùng nhờ ông Tuấn san lấp. Đồng thời khẳng định ông Tuân và ông Hùng bán nhiều lô đất cho nhiều người, ký vi bằng và nhận tiền văn phòng công ty Tuấn Phát. Sau đó cho rằng vì phía ông Tuân và ông Hùng không chịu trả tiền nên người mua đất đến “ăn vạ” tại văn phòng mình.
Đem những vấn đề thuộc về quản lý Nhà nước về đất đai đang xảy ra tại địa phương với UBND xã Hưng Long, chúng tôi đã được hẹn lãnh đạo xã sẽ sắp xếp trả lời phỏng vấn sau. Một câu hỏi nữa cần đặt ra cho cơ quản quản lý địa phương, dù tại trung tâm xã Hưng Long nhưng tình trạng phân lô tự phát đất nông nghiệp và mua bán đất trái phép vẫn diễn ra tràn lan, vụ ông Phan Chiếm Hùng bán 12 lô đất trái phép mới chỉ là một. Lạ là không thấy những động thái xử lý, ngăn chặn từ chính quyền địa phương?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thời gian gần đây, lợi dụng vào nhu cầu về chỗ ở và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân mà một số đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua dự án phân lô bán nền. Người dân cứ nghĩ rằng việc mua bán thông qua tổ chức Thừa phát lại lập vi bằng thì an toàn về mặt pháp lý là không đúng.
Việc một tài sản (cụ thể ở đây là quyền sử dụng đất) đang thuộc quyền quản lý và sử dụng của người khác nhưng lại nói với bên thứ ba là tài sản của mình rồi đem bán cho họ nhằm chiếm đoạt số tiền là vi phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm rồi giao tài sản của mình cho người phạm tội để người phạm tội chiếm đoạt tài sản đó.
Căn cứ thông tin Báo nêu thì ông Phan Chiếm Hùng chỉ mới đặt cọc với ông Hùng Thanh nhưng sau đó hai bên thống nhất không tiếp tục giao dịch chuyển nhượng phần đất đó nữa. Tuy không phải đất của mình nhưng ông Phan Chiếm Hùng vẫn nói với những người mua khác là đất của mình rồi bán cho họ thì đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ông Phan Chiếm Hùng không phải là người trực tiếp ký bán cho những người này mà lại là ông Tuân thì cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ mối quan hệ giữa ông Tuân và ông Phan Chiếm Hùng và số tiền của những người mua đất do ai chiếm đoạt. Vì hiện nay người dân mua đất “dự án” đang tố cáo cả ông Phan Văn Tuân lẫn ông Phan Chiếm Hùng.
Ông Tuân cho rằng, ông ký bán đất cho những người khác là vì trước đây, ông bán đất cho ông Hùng Thanh bằng giấy tay và ông vẫn đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi ông Phan Chiếm Hùng cùng với một người quen đưa giấy đặt cọc giữa ông Hùng Thanh và ông Phan Chiếm Hùng ra để nhờ ông Tuân ký bán đất thì ông tạo điều kiện cho họ là hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, chi tiết này, cần được cơ quan chức năng làm rõ lời trình bày của ông Tuân có đúng sự thật hay không để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. - Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.