ĐBQH Thái Trường Giang cho rằng để giá thịt heo tăng trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã không làm tròn nhiệm vụ tham mưu điều tiết thị trường
Giải trình trước Quốc hội (QH) về việc giá thịt heo ở mức cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường nói: "Ngành nông nghiệp đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác, như: gà, thủy sản, trứng. Chúng tôi đề nghị lựa chọn thực phẩm đa dạng. Không có lý gì bây giờ toàn dân cứ tập trung ăn thịt heo. Thịt gà rất tốt, do bà con nông dân sản xuất ra. Cá, tôm, trứng cũng vậy".
* Phóng viên: Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi quyết định giơ bảng xin tranh luận với Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về phát biểu nêu trên?
ĐBQH THÁI TRƯỜNG GIANG:
- Đại biểu (ĐB) QH THÁI TRƯỜNG GIANG (Cà Mau): Tôi cho rằng mệnh lệnh hành chính là không hiệu quả. Giải pháp đưa ra không thể nói là thịt heo đắt quá thì chuyển sang ăn thịt gà, trứng gà hay là các thịt khác.
Tôi tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không chỉ ở chuyện bộ trưởng nói người dân cần phải chuyển sang sử dụng thực phẩm khác thay thế thịt heo, mà còn muốn nhấn mạnh đến vai trò của "tư lệnh" ngành nông nghiệp khi giá thịt heo đang quá cao. Thực tế, bộ trưởng không sai khi đưa ra một trong những giải pháp giúp cung - cầu sớm cân bằng, đó là giảm bớt cầu trong thời gian chờ đợi nguồn cung tăng lên, cũng tức là thông qua việc chuyển sang tiêu thụ sản phẩm có giá trị tương đương. Nhưng giải pháp này không phải là tất cả.
Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp khi phải đối mặt với dịch tả heo châu Phi từ cuối năm 2018. Nhưng đáng nói là, khi dịch bệnh xảy ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại kỳ họp QH trước đã hứa chuẩn bị các bước tái đàn heo nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm. Song, kết quả là tái đàn không được. Rõ ràng Bộ NN-PTNT đã không làm tròn vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu và đưa ra quyết sách điều tiết thị trường, giá cả, bảo đảm lợi ích người dân cũng như góp phần kiềm chế lạm phát.
Người tiêu dùng phải mua thịt heo với giá cao trong nhiều tháng quaẢnh: NGỌC ÁNH
* Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá thịt heo như hiện nay cũng như giá cả nhiều mặt hàng rất bất ổn?
- Qua theo dõi, tôi thấy các hộ chăn nuôi chủ yếu nuôi "gia công" cho các doanh nghiệp (DN) và chỉ thu được tiền công 4.000 đồng/kg thịt heo. Trong bối cảnh giá cả nhảy múa, người nuôi không được lợi nhiều, còn người tiêu dùng thì phải mua thịt giá cao. Trong khi đó, tư thương, các DN kinh doanh thì lãi lớn, giá thịt heo không giảm. Việc nhập lậu heo qua đường biên giới các tỉnh tiếp giáp với Lào cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước.
Công tác điều hành giá chưa ổn khiến không chỉ thịt heo mà nhiều mặt hàng khác cũng có vấn đề. Chẳng hạn, giữa tháng 3-2020, giá xăng giảm 50% nhưng các mặt hàng, dịch vụ khác không hề giảm theo giá xăng. Ngược lại, nhiều thời điểm giá xăng tăng thì tất cả các loại mặt hàng khác đều tăng theo xăng. Tóm lại, nguyên nhân khiến giá cả chưa được kiểm soát tốt là do điều hành giá chưa hiệu quả. Chuyện dịch tả heo châu Phi chỉ là cái cớ để chống chế, đổ lỗi cho giá cả không ổn định. Các cơ quan quản lý ngành như Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương… phải chủ động ứng phó. Tôi đề nghị Chính phủ xem lại các giải pháp và điều hành rốt ráo để giá cả đi theo quy luật cung - cầu một cách hợp lý.
* Về giải pháp, đã có những thời điểm do vấn đề giá thịt heo quá nóng, cơ quan quản lý đã đưa ra mệnh lệnh hành chính để kiểm soát? Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi cho rằng khi đã định hướng nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì phải làm đúng theo cơ chế thị trường. Mệnh lệnh hành chính không thể phát huy hiệu quả được bởi không thể yêu cầu giảm giá thịt heo, cũng không thể yêu cầu người dân ăn thực phẩm khác. Tôi góp ý ngoài việc chủ động hơn trong tái đàn thì nhập khẩu heo sống để phục vụ chăn nuôi, heo thịt để phục vụ tiêu dùng cũng là một trong các giải pháp để từng bước đưa cung - cầu gặp nhau.
Tôi cũng xin góp ý thêm về chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Chính phủ. Với chính sách này, trong lĩnh vực chăn nuôi, có khả năng DN được hưởng lợi rất nhiều, còn nông dân và người tiêu dùng bị thiệt. Cần hỗ trợ ra sao để vừa bảo đảm tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường vừa hài hòa được lợi ích - đó là việc mà Chính phủ phải chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cần tham mưu Chính phủ chiến lược nuôi trồng, phát triển sản phẩm nội địa và xuất khẩu hợp lý, trong đó, chú trọng hơn nữa ở khâu dự báo cung - cầu, cân đối các ngành hàng. Không thể để tình trạng chạy theo sự vụ, khi thì phải giải cứu nông sản với giá bèo bọt, khi thì khan hiếm thực phẩm khiến giá tăng phi mã.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH:
Không nên để người dân ăn "thịt heo giá rẻ trên tivi"
Điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng bàn tay vô hình của nhà nước. Theo đó, những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách, chứ không nên để suốt thời gian qua, dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ... trên tivi. Nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu. Nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp, cần thiết thì cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường.
ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ):
Cần một giải pháp căn cơ, lâu dài
Giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là "thịt heo đắt quá thì chuyển sang ăn thứ khác" chỉ là giải pháp tình thế. Ví dụ giá heo hơi hiện nay như vậy thì cung không đủ cầu, có thể chuyển sang ăn những loại gia súc, gia cầm khác. Nhưng sắp tới đây, nếu cung - cầu lại ngược lại, giá heo hơi sẽ có vấn đề nữa thì chúng ta giải quyết việc này như thế nào? Như vậy thì quay lại ăn thịt heo là chính, khi đó lại ảnh hưởng đến giá cả của các gia súc, gia cầm khác.
Vấn đề là phải đầu tư để làm sao có những giải pháp lâu dài, bền vững, để làm sao không còn tình trạng "được mùa rớt giá".
Văn Duẩn ghi