Nhà đất công, dự án bất động sản thì giao đất không qua đấu giá, xây dựng sai quy hoạch, thu lợi bất hợp pháp, gây thất thoát tài sản nhà nước. Các khu công nghiệp thì tự ý thay đổi quy hoạch, sử dụng sai mục đích hoặc để không, gây lãng phí tài nguyên đất. Những sai phạm trong quản lý cũng như sử dụng đất đai ở TP.HCM đến mức Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM xử lý tập thể, cá nhân liên quan, kể cả xử lý hình sự nếu thấy có dấu hiệu.
Bài 2: Đất công đắc địa không qua đấu giá
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều dự án có nguồn gốc đất công ở TP.HCM không thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc chuyển mục đích, hợp tác kinh doanh.
Giao đất công bất chấp quy định
Tại Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ từng dự án liên quan đến đất công sai phạm. Cụ thể là Dự án chung cư thương mại số 38 - đường Kim Biên và 88 - đường Gò Công (quận 5 TP.HCM) do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 (đơn vị thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV) làm chủ đầu tư.
Theo cơ quan chức năng, nguồn gốc 2 khu nhà đất số 38 - đường Kim Biên (863 m2) và nhà đất số 88 - đường Gò Công (964 m2) thuộc sở hữu nhà nước, được giao cho Công ty Kho bãi thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV quản lý và kinh doanh. Từ ngày 23/9/2016, UBND TP.HCM có Quyết định số 4972/QĐ-UBND chấp thuận chuyển mục đích, hợp khối 2 lô đất trên làm một và giao Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn là chủ đầu tư xây dựng chung cư theo quy hoạch.
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế Thành phố... rà soát, tổng hợp những hạn chế, tồn tại, bất cập của cơ chế, chính sách, quy trình và quy định của UBND Thành phố trong việc xác định giá đất cho thuê đối với đất giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng, thực hiện Dự án…, để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, kịp thời tháo gỡ vướng mắc. |
Nhưng tới thời điểm thanh tra, “chủ cũ” là Công ty Kho bãi Thành phố vẫn đang hợp đồng cho Công ty TNHH Dịch vụ giữ xe ô tô Việt Nam thuê lại nhà đất số 38 đường Kim Biên để làm kho hàng và bãi giữ xe. Còn nhà đất số 88 - Gò Công thì công ty này vẫn đang quản lý kinh doanh.
Sai phạm lớn nhất ở 2 khu đất vàng trên, theo Thanh tra Chính phủ, là việc UBND TP.HCM ra Quyết định số 4972/QĐ-UBND ngày 23/9/2016 chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất và giao Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5, mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ 2 khu nhà đất công nêu trên, Dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp tại địa chỉ 458 - Nguyễn Tất Thành (quận 4) với diện tích 5.950 m2, do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV làm chủ đầu tư cũng có vấn đề. Đây là đất công được giao cho Sở Nhà đất TP.HCM quản lý, Công ty Kho bãi Thành phố thuê để kinh doanh từ năm 1998 với thời hạn 50 năm.
Vào tháng 7/2011, UBND TP.HCM có Công văn 3547/UBND-ĐTMT chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng chuyển giao một số mặt bằng kho bãi cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV để hoàn vốn giai đoạn I Rạch Ụ Cây. Tới ngày 12/12/2016, UBND TP.HCM có Quyết định số 6474/QĐ-UBND phê duyệt giá đất với mặt bằng trên rồi giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV xây dựng theo quy hoạch.
Như vậy, theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương rồi giao đất công cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH MTV mà không qua đấu giá là không đúng quy định của Luật Đất đai 2013. Mặt khác, việc phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của UBND Thành phố khi chưa ra quyết định giao đất cũng phạm luật.
Đến thời điểm thanh tra, Dự án chưa có quyết định giao đất, chưa xác định tiền sử dụng đất, chưa triển khai đầu tư xây dựng.
Hàng loạt dự án dân cư “vàng” có vấn đề
Không chỉ 2 dự án nêu trên, Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, có nhiều dự án dân cư “vàng” có nguồn gốc đất công khác cũng không thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc chuyển mục đích, hợp tác kinh doanh.
Cụ thể, Dự án Khu dân cư số 168 - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) có diện tích đất hơn 121.000 m2 nguồn gốc là đất công, được giao cơ quan liên quan Bộ Quốc phòng quản lý. Thanh tra phát hiện, việc UBND TP.HCM có Quyết định số 5797/QĐ-UBND ngày 1/12/2011 giao đất cho Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành phố là chưa phù hợp với Luật Đất đai 2003. Việc này xuất phát từ trước đó Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị.
Tới ngày 11/3/2014, UBND TP.HCM có Văn bản số 1044/UBND-ĐTMT chấp thuận chủ trương không dành 20% diện tích đất đã đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất bao gồm cả giá trị tiền sử dụng của 20% đất xây dựng nhà ở xã hội nêu trên.
Đến thời điểm thanh tra, Dự án đã hoàn thành và được bán hết cho người sử dụng. Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục rà soát, xử lý theo thẩm quyền đối với những phát hiện của thanh tra.
Tiếp nữa, tại Dự án Khu cao ốc văn phòng và khách sạn số 3C - đường Tôn Đức Thắng (quận 1) do Công ty TNHH Tiến Phước và Công ty 990 làm chủ đầu tư (Công ty 990 là doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm 30% vốn điều lệ), Thanh tra xác định, Dự án có nguồn gốc đất Nhà nước quản lý. Ngày 12/8/2009, UBND TP.HCM ra Quyết định số 3807/QĐ-UBND giao đất cho Công ty Tiến Phước làm dự án mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái quy định pháp luật về đất đai.
UBND TP.HCM còn ban hành Quyết định số 2412/QĐ-UBND ngày 15/5/2009 phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất khi chưa có quyết định giao đất cũng không đúng quy định của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến Bộ Công an, UBND TP.HCM rà soát về việc góp vốn, việc chuyển nhượng cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước (Công ty 990) sang doanh nghiệp khác, việc giao đất và xác định quyền sử dụng đất để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
Tương tự, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều dự án dân cư có nguồn gốc đất công khác không thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc chuyển mục đích, hợp tác kinh doanh như: Dự án Khu dân cư phường Tân Phú (quận 7) do Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC làm chủ đầu tư; Dự án Trung tâm dịch vụ - văn phòng - khách sạn cao cấp - căn hộ cho thuê tại số 3A-3B, Tôn Đức Thắng do Công ty TNHH MTV Đầu tư du lịch và vận tải biển Phương Nam làm chủ đầu tư.
Trong các dự án sai phạm bị Thanh tra Chính phủ nêu tên, còn có 3 dự án tại quận 1 liên quan tới các “đại án” đang được xét xử gồm: Dự án cao ốc văn phòng cho thuê tại số 7-9, Tôn Đức Thắng, Dự án cao ốc văn phòng tại số 9-11, Tôn Đức Thắng, Dự án cao ốc Madison số 15 - Thi Sách.
Theo nguồn tin của chúng tôi, UBND TP.HCM đã có công văn chỉ đạo giao Thanh tra Thành phố chủ trì phối hợp các sở, ngành tham mưu đề xuất cho UBND Thành phố về việc thực hiện các nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
(Còn tiếp)
Liên quan đến nhà đất công, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát tài sản nhà nước đối với Dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 - Trần Hưng Đạo (quận 1) và Dự án số 39 A-39B - Bến Vân Đồn (quận 4), trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý sắp xếp nhà đất trước đó. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước, thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp UBND TP.HCM rà soát, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm tại dự án có sử dụng đất quốc phòng, an ninh theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và Nghị quyết số 132/QH14 ngày 17/1/2020 của Quốc hội. |