Rủi ro khi sử dụng các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

06/07/2020 14:30

Hiện một số dịch vụ truyền hình xuyên biên giới (OTT TV) của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài cung cấp tại Việt Nam chưa được cấp phép có một số nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Hiện một số dịch vụ truyền hình xuyên biên giới (OTT TV) của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài cung cấp tại Việt Nam chưa được cấp phép có một số nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Truyền hình internet đang ngày càng thịnh hành tại các đô thị Việt Nam.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại Việt Nam xuất hiện nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu tiền thuê bao theo định kỳ như WoTV (Trung Quốc), Iflix (Malaysia), Netflix (Mỹ)… Nội dung trên các dịch vụ truyền hình này chủ yếu là các thể loại phim, gồm cả phim tài liệu lịch sử, các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế…

Bộ TTTT đã ghi nhận những rủi ro về nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nêu trên như: Xuất hiện các nội dung xuyên tạc lịch sử (tại loạt phim tài liệu Vietnam War), xuyên tạc lịch sử (tại bộ phim (Madam Secretary), mô tả hình ảnh bạo lực, ma túy, khiêu dâm (phim Bánh đa tầng, phim Polar: Sát thủ tái xuất, phim 365 Day…).

Điểm chung của nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới này là đều đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, trái quan điểm chính trị, chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, buộc các doanh nghiệp phải có giấy phép. Nội dung trên dịch vụ truyền hình phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh.

Do đó, Bộ TTTT đang triển khai các giải pháp đồng bộ hoàn thiện quy định quản lý đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình; vừa tăng cường công tác hậu hiểm đảm bảo ngăn chặn các nội dung trái pháp luật.

Tuy nhiên, qua theo dõi, Bộ TTTT nhận thấy thời gian qua, một số cơ quan báo chí có một số nội dung, bài viết quảng bá, giới thiệu các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới vào Việt Nam. Một số nội dung bài viết mô tả dịch vụ , giới thiệu nội dung sắp được cung cấp và hướng dẫn người dùng dịch vụ. Do đó, Bộ TTTT đề nghị cân nhăc về đăng tin bài, chương trình có nội dung phổ biến, quảng cáo cho các dịch vụ truyền hình của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam

Đồng thời, các cơ quan báo chí quan tâm thông tin, quảng bá cho dịch vụ phát thanh, truyền hình của các doanh nghiệp trong nước đã có giấy phép.

 

XC/Báo Tin tức

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Rủi ro khi sử dụng các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới" tại chuyên mục Xe và công nghệ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.