Quy hoạch nào khiến người dân Hòa Bình mất 40 năm không thể an cư?

07/07/2021 19:35

Di rời phục vụ Nhà máy thủy điện sông Đà, rồi di rời cho Khu Công nghiệp. Trong 40 năm hai lần bị di cư, người dân xóm Đúng, Hòa Bình cứ mãi long đong...

131-1625643345.jpeg

Cổng chào Khu Công nghiệp bờ trái sông Đà

Ở không yên

Năm 1978, bà con Xóm Đúng đã phải nhường đất, di rời khỏi quê cha đất tổ để xây dựng bãi 500 xe phục vụ dự án thủy điện sông Đà.

Cứ ngỡ sau khi, dự án Thủy điện Hòa Bình được hoàn thành, cư dân Xóm Đúng được trở lại sản xuất kinh doanh bình thường, an cư, lạc nghiệp nhưng thời gian tái thiết tạo dựng lại cuộc đời, chưa được bao lâu thì năm 2009, người dân Xóm Đúng lại đứng ngồi không yên vì lại bị quy hoạch vào dự án Khu Công nghiệp Bờ Trái Sông Đà của TP. Hòa Bình với quy mô 86,37 ha tại Phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình do Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long làm chủ đầu tư.

132-1625643345.jpeg

Một góc khu công nghiệp bờ trái Sông Đà

Là một trong những gia đình thuộc diện phải di dân, gia đình ông Lê Văn Xuân cùng vợ là bà Đinh Thị Vân và bà con Xóm Đúng đã tự nguyện giao đất từ năm 1978 trước khi dự án được khởi công xây dựng. Gia đình ông Xuân cùng bà con xóm Đúng đã phải di dời về xóm Thăng xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để sinh sống.

Bác Hà Văn Vị, cư dân xóm Đúng, khi đó là đội phó sản xuất, hồi tưởng lại, khi thực hiện xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, việc chuyển cư của người dân thuộc khu vực xây dựng nhà máy có thể nói như một cuộc cách mạng. Người dân có sự hi sinh rất lớn, không ai đòi hỏi gì. Với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc", nên việc chuyển dân, Nhà nước hầu như không phải bồi thường giải phóng mặt bằng mà chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ nhưng ai nấy đều vui vẻ chấp hành. Trong đó có cả 22 hộ dân Xóm Đúng, đều là dân tộc Mường. 

Gia đình ông Xuân khi đó có 10 nhân khẩu được nhà nước hỗ trợ 30 kg gạo và 50 đồng. Khi dự án gần hoàn thiện, bãi 500 xe không còn cần thiết nữa. Người dân xóm Đúng cùng chính quyền xã Hòa Bình đã xin UBND Thị xã Hòa Bình cho hồi hương và đã được chấp thuận. 

Đến năm 1992, ông Xuân đã mua lại đất từ ông Hồ Ngọc Liên  thuộc Tổ 8, phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình, có nguồn gốc từ năm 1954 để  phục vụ sản xuất.

133-1625643345.jpeg

Gia đình không còn tâm trạng đầu tư, chăm sóc đến nơi ăn chốn ở nên lối vào nhà ông Xuân lụp xụp

144-1625643345.jpeg

Cửa nhà ông Xuân lúc nào cũng túc trực bình Oxy do bà Vân vợ ông Xuân mắc Ung thư phổi giai đoạn cuối.

Năm 2004, để phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Đúng, Ông Xuân đã phải đồng ý với UBND phường Hữu Nghị, xây tuyến kênh nhánh hồ Dè thuộc Hợp tác xã Xóm Đúng đi qua khu đất của mình. Vì lý do này, gia đình ông  đã phải chuyển đổi cách thức sản xuất, đào ao nuôi cá, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, câu cá giải trí để đảm bảo thu nhập cho gia đình.

134-1625643346.jpeg

Căn nhà xiêu vẹo của gia đình nhà ông Xuân. 

Thế nhưng năm 2009, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 2470/QĐ – UBND Về việc thành lập Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và tiến hành thu hồi đất cánh đồng Đúng, trong quá trình thi công, san lấp mặt bằng, đơn vị thi công đã lấp tuyến kênh nhánh Hồ Dè, cắt nguồn nước vào ao cá nhà ông Xuân. Gia đình ông Xuân lại tiếp tục phải chuyển đổi phương thức kinh doanh sang canh tác sản xuất trồng cây cảnh và cây ăn quả để duy trì thu nhập của gia đình.

Đến năm 2018, UBND TP. Hòa Bình, đã thông báo thu hồi đất thổ cư của gia đình ông Xuân cùng các hộ tại Xóm Đúng để làm dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (lúc này do Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp làm chủ đầu tư) và tiến hành đo đạc, kiểm đếm tài sản của gia đình nhà ông Xuân. Khiến các hộ dân nơi đây lại có nguy cơ phải di dời đi nơi ở khác.

Đền bù “rẻ mạt”.

Có thể nói trong suốt quãng thời gian từ năm 2009 cho đến nay, bà con xóm Đúng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh thì không biết khi nào bị di rời nên không dám mở rộng sản xuất. Công sức khai hoang, suốt từ giai đoạn những năm 1992 gần như đổ bể.

Đặc biệt, ông Xuân cũng bức xúc cho biết:” sau khi chuyển đổi sang trồng một số loại cây cảnh, cây ăn quả. Quá trình kiểm đếm tiếp theo với Quyết định số 47/2019/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 với yêu cầu đo mét vuông tán cây cối để áp dụng tính tiền điều này khiến toàn bộ cây cối bị đánh đồng và khiến giá đền bù đã rẻ (theo quyết định cũ Quyết định số 25/2014) nay càng rẻ hơn”.

Theo ông Xuân, trong giai đoạn trước khi có quyết định thu hồi đất, gia đình vẫn sản xuất và canh tác bình thường tuy nhiên, từ khi có quyết định thu hồi, khiến cho gia đình không thể canh tác, sản xuất như trước được vì biết sắp bị di rời nên phải dừng canh tác sản xuất để tránh thiệt hại. "Bản thân khi có quyết định thu hồi đất nó đã là một cái hạn chế quyền sử dụng đất", ông Xuân nói. Vì khiến người dân không dám đầu tư gì trên đất cả, “bỏ tiền của ra để đầu tư xong nhà nước lại thu hồi hết đất thì người dân không ai dám bỏ tiền ra đầu tư cả”.

Ông Lê Hùng Dũng, thuộc tổ 8 phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình cũng thuộc trường hợp giải tỏa “trắng” đối với đất ở. Ông Dũng cho biết, hiện nay còn hơn 30 chục hộ chưa đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng.

Ông Dũng bức xúc: “Tôi được biết Dự án được Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp làm chủ đầu tư, nếu nhà nước thu hồi đất của chúng tôi để làm công trình phúc lợi thì nó ở câu chuyện khác, nhưng ở đây là thu hồi đất để làm khu công nghiệp và thương mại mà đền bù cho chúng tôi với giá rẻ mạt như vậy và không nhất quán về quan điểm bồi thường giải phóng mặt bằng nên khiến chúng tôi rất bức xúc.”

Mặt khác, đơn giá theo Quyết định 47, ông Xuân cũng cho rằng có rất nhiều bất cập, không đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, theo ông Xuân phía chính quyền TP. Hòa Bình trong buổi làm việc gần đây với người dân, đã không tiến hành kiểm đếm lại và áp giá chung cho gần như tất cả các loại cây là 15.000 đồng. Ông Xuân bức xúc: “Cây Thiết Mộc Lan mà nhà tôi đang canh tác, theo Quyết định 25 có giá khoảng 196.000 đồng, còn cây theo Quyết định 47 cao nhất là 50.000 đồng còn thấp nhất chỉ là 15.000 đồng trong khi giá trị ngoài thị trường những cây có kích thước như thế này có giá khoảng 3-5 triệu đồng. Tôi không hiểu Chính quyền TP. Hòa Bình lấy cơ sở ở đâu để áp tính giá để khiến giá trị “rẻ mạt” như vậy. Ít ra thấp hơn giá thị trường chúng tôi vẫn có thể chấp nhận nhưng với 15.000 đồng thì chúng tôi không thể chấp nhận nổi, bao nhiêu tiền của đầu tư, công sức chăm sóc mới ra được một cây như thế, mà chỉ với một tờ giấy A4 là bao công sức, mồ hôi nước mắt của chúng tôi đều đổ xuống sông Đà hết”.

Ngoài ra, ông Xuân cũng cho rằng trong Quyết định 47 có phần hỗ trợ di chuyển, điều này là không phù hợp. Ông Xuân nói: “nếu sau khi bàn giao đất nếu gia đình còn đất canh tác ở chỗ khác thì mới gọi là hỗ trợ di chuyển. Đồng thời đơn giá hỗ trợ di chuyển đối với cây ươm trong vườn ươm cây cảnh với giá thấp nhất là 200 đồng và cao nhất là 600 đồng. Giá này còn mạt hơn chưa bằng nổi giá trị của một vỏ bầu đất chứ chưa nói đến chi phí di chuyển”.

Mặt khác, ông Xuân cũng cho biết thêm, gia đình thuộc diện thu hồi toàn bộ hơn 4000 m2 đất thổ cư (theo sổ mục kê) và được đền bù tái định cư được 3 suất tái định cư và mỗi suất có diện tích 60m2 và phải nộp vào 5.500.000 đồng/m2. Trong khi đất thu hồi lại chỉ đền bù 2.000.000 đồng/m2 đối với đất ở. Đây là điều vô cùng bất hợp lý, không thể chấp nhận nổi.

Thành ngữ Việt Nam có câu: “An cư, lạc nghiệp”, điều này có nghĩa chỉ khi con người ta lo được những vấn đề thiết yếu nhất của cuộc sống như nơi ăn, chốn ở mới có thể nghĩ được đến việc tạo dựng sự nghiệp. Vậy mà, trong suốt thời gian hơn 40 qua, gia đình ông Xuân nói riêng và bà con xóm Đúng nói chung vẫn chưa thể an cư được, lúc nào cũng ở trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị di chuyển, khiến các hộ dân nơi đây nói chung và gia đình ông Xuân nói riêng chẳng dám đầu tư, sản xuất.

Theo Nông Huy/Nông nghiệp
Bạn đang đọc bài viết "Quy hoạch nào khiến người dân Hòa Bình mất 40 năm không thể an cư?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.