Người dân cho rằng, đất thổ cư chính là đất ở, nhưng tỉnh Quảng Nam lại ban hành Công văn 5219/UBND-KTN năm 2016 yêu cầu xử lý theo hướng khác,… chính là vấn đề ‘’nóng’’ khiến UBND thị xã Điện Bàn liên tục bị người dân kiện ra tòa.
Hàng chục ngàn sổ đỏ ghi đất thổ cư, không ghi đất ở
Ngày 26/2/2021, UBND thị xã Điện Bàn có Báo cáo số 26/BC-UBND về những khó khăn, bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư các dự án trên địa bàn thị xã.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, thời gian qua tại địa phương đã và đang gặp phải một vướng mắc liên quan đến việc xác định diện tích đất ở đối với thửa đất được cấp GCNQSDĐ có ký hiệu là đất chữ “T”, đất '' thổ cư''.
Do bất cập này dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện ngày càng tăng và là trì trệ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB tái định cư. Điều này cũng dẫn đến việc UBND thị xã Điện Bàn không thể chấp hành và thi hành các bản án liên quan đến nội dung này vì trái với các quy định được UBND tỉnh Quảng Nam hướng dẫn tại Công văn số 5219/UBND-KTN ngày 21/10/2016.
Cụ thể, tại Báo cáo số 295/BC-UBND ngày 22/10/2020 và Tờ trình số 364/TTr-UBND của thị xã Điện Bàn, đã mổ xẻ rõ nét nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định diện tích đất ở đối với thửa đất được cấp GCNQSDĐ có ký hiệu là đất chữ “T’’, ghi là đất ‘’ thổ cư’’.
Theo Báo cáo 295/BC-UBND, thị xã Điện Bàn cho biết, hiện nay trên địa bàn thị xã có 20 xã, phường được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 đến nay. Trong đó, 13 xã, phường có thông tin ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất ‘’thổ cư’’ có ký hiệu chữ ‘’T’’. Trong đó, có 21.093 giấy CNQSDĐ có diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức đất ở theo quy định. 7 xã, phường còn lại, giấy CNQSDĐ ghi là ‘’đất ở+ đất vườn’’.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, khi hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng bởi các dự án có thu hồi đất hay thực hiện các thủ tục hành chính công nhận diện tích đất ở đối với trường hợp GCNQSDĐ đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân ghi là đất ‘’ thổ cư’’, thì địa phương áp dụng theo Công văn số 5219 của UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đất ‘’ thổ cư’’ là ‘’đất ở+ vườn’’ cho hàng nghìn trường hợp trên địa bàn.
Chính vấn đề này đã gây nên sự bức xúc rất lớn trong nhân dân, nhiều người đã kiện tụng ra tòa yêu cầu công nhận toàn bộ diện tích đất ‘’thổ cư’’ là đất ở. Tòa án nhân dân các cấp đã tuyên nhiều bản án chấp thuận yêu cầu của người dân công nhận đất ‘’thổ cư’’ là ‘’đất ở’’. Tuy nhiên, UBND thị xã Điện Bàn không thể thi hành án vì vướng nội dung chỉ đạo trong công văn số 5219/UBND-KTN năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Nam.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết thêm, để giải quyết thực tiễn này, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Bộ này cũng đã có văn bản trả lời số 1555/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 25/3/2020 theo quan điểm công nhận đất ‘’thổ cư’’ là đất ở.
Tuy nhiên, quan điểm giải quyết của tòa án cũng như quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là vậy, nhưng quan điểm của UBND tỉnh Quảng Nam tại Công văn số 5219/UBND-KTN năm 2016 lại khác và còn hiệu lực thi hành, khiến cho vướng mắc này theo đó mà kéo dài,…
Nguy cơ phát sinh ‘’điểm nóng’’ nếu hàng ngàn hộ dân đồng loạt khiếu kiện
Cũng tại Báo cáo số 295/BC-UBND, UBND thị xã Điện Bàn cho biết, liên quan đến câu chuyện ‘’đất thổ cư có phải là đất ở?’’, từ năm 2019 đến nay, UBND thị xã Điện Bàn đã giải quyết 52 trường hợp khiếu kiện và 235 đơn khiếu nại, tuy nhiên đây chỉ là một phần trong hàng ngàn trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án và bồi thường, hỗ trợ đất ở. Và nếu các hộ dân thắng kiện thì nguy cơ phát sinh ‘’điểm nóng’’ là rất cao.
Từ thực tiễn nêu trên, UBND thị xã Điện Bàn đã có Tờ trình số 364/TTr-UBND năm 2020 kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, tổ chức làm việc với các cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính các cấp để ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về việc xác định diện tích đất ở đối với thửa đất có giấy tờ quyền sử dụng đất ghi là ‘’ thổ cư’’ có ký hiệu chữ ‘’T’’ nhằm thống nhất trong việc xác định diện tích đất ở.
Đồng thời, trong trường hợp có sai sót thì công khai nhận khuyết điểm trước người dân và kịp thời điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân về đất đai; tránh khiếu kiện phức tạp, đông người, trở thành ‘’điểm nóng’’ trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần có phương án giải quyết đối với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất để mục đích từ đất vườn ao liền kề thành đất ở theo Công văn số 5219/UBND năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Nam.