Trên hàng loạt website, mỹ phẩm Magic Skin được quảng cáo trái với các quy định pháp luật, không đúng công dụng được cơ quan chức năng cấp phép, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Ngập tràn quảng cáo sai sự thật về Magic Skin
Sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Magic Skin do Công ty TNHH TM & DV Mỹ phẩm Ruby’s World (nay là Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World) sản xuất, phân phối, chịu trách nhiệm công bố và đưa ra thị trường. Hiện nay, trên nhiều website và mạng xã hội, đặc biệt là các website như: https://www.magicskinvietnam.net; https://magicskin.asia; http://congtymagicskin.com) các sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World sản xuất, phân phối đang được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh, có công dụng “đặc trị”, “điều trị” các bệnh ngoài da, các loại mụn.
Cụ thể, trên website https://magicskin.asia, sản phẩm “Bộ trị mụn Đông y Magic Skin” (bộ sản phẩm này gồm: Tinh chất trị mụn đông y, Cao nghệ đông y, Bột hà diệp lục) được quảng cáo “có tác dụng điều trị tất cả các loại mụn, từ mụn trứng cá, mụn bọc, mụn ẩn trên da”, “đặc trị mụn, vết thâm”, “tác dụng diệt khuẩn, ngăn mụn tái phát”.
Ngoài bộ sản phẩm này, trên trang https://magicskin.asia cũng quảng cáo hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm khác với công dụng giống thuốc chữa bệnh, sai bản chất so với công dụng được cơ quan y tế cấp phép như: Kem đặc trị nám Magic Skin, Kem đặc trị viêm nang long Magic Skin, Cao nghệ trị thâm Magic Skin đặc trị thâm nám 100%...
Trang website https://magicskin.asia cũng đăng tải hàng loạt thông tin giới thiệu về thương hiệu mỹ phẩm Magic Skin của Công ty TNHH TM & DV Mỹ phẩm Ruby’s World (nay là Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World). Cuối trang hiển thị địa chỉ mua hàng tại 110 Hoa Bằng, Cầu Giấy (Hà Nội).
Còn trên trang website https://www.magicskinvietnam.net hiện cũng đang quảng cáo sản phẩm “Kem đặc trị viêm nang long Magic Skin” với công dụng “kháng viêm, diệt vi trùng nấm trú ngụ trong nang lông; Giúp tiêu viêm, giảm ngứa, chống nhiễm trùng; Ngăn chặn vi khuẩn lây lan sang các vùng nang lông khác, triệt tiêu các ổ vi khuẩn dưới da; Tái tạo da và liền sẹo”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nội dung quảng cáo về công dụng sản phẩm này trái với nội dung công dụng/mục đích sử dụng đã được Sở Y tế cấp phép.
Có thể thấy, trên những website đã đề cập, việc quảng cáo hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Magic Skin đã sai với quy định về quảng cáo mỹ phẩm, không đúng bản chất sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở việc quảng cáo mỹ phẩm Magic Skin giống với thuốc chữa bệnh, các website còn quảng cáo công dụng của mỹ phẩm Magic Skin sai so với nội dung đã được cấp phép.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo Luật sư Lâm Quang Ngọc, Văn phòng luật sư Hùng Phúc, Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm quy định: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Như vậy, có thể thấy, việc quảng cáo mỹ phẩm thương hiệu Magic Skin hiện nay đã và đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm.
Câu hỏi đặt ra là, cá nhân hay tổ chức nào đang đứng sau các website quảng cáo sai sự thật về mỹ phẩm Magic Skin? Công ty TNHH Tập đoàn Ruby’s World (đơn vị sản xuất, phân phối, công bố mỹ phẩm Magic Skin) có chịu trách nhiệm về những quảng cáo sai sự thật này hay không? Trường hợp người tiêu dùng mua phải sản phẩm mỹ phẩm Magic Skin kém chất lượng trên các website kể trên, họ sẽ tìm đến ai để đòi quyền lợi?
Đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xử lý dấu hiệu vi phạm nói trên để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!