PVOil nói gì khi cổ phiếu bị cảnh báo vì kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ?

26/03/2024 07:12

Nguyên nhân cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo là vì "Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên".

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ban hành quyết định về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) từ ngày 14/3.

Nguyên nhân cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo là vì "Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên".

Liên quan đến vấn đề này, PVOil cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp đã khắc phục và xử lý được 2/3 ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trên báo cáo tài chính năm 2022.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của PVOil chỉ còn một ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán liên quan đến khoản đầu tư của PVOil vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB).

Cụ thể, “Giá trị khoản đầu tư của PVOil vào PVB là 271 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2023 dựa theo số liệu báo cáo tài chính chưa được kiểm toán của PVB cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 được lập trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

pvoil-noi-gi-khi-co-phieu-bi-canh-bao-vi-kiem-toan-dua-ra-y-kien-ngoai-tru-hinh-2-1711411937.jpg

OIL bị đưa vào diện cảnh báo. 

Tại ngày báo cáo này, tổng công ty vẫn đang chờ phê duyệt của các cơ quan về việc triển khai phương án phá sản cho PVB. Dựa trên các thông tin hiện tại, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến khoản đầu tư vào PVB theo phương pháp vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính hợp nhất của tổng công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2023. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không”, kiểm toán đưa ra ý kiến.

Phía PVOil cho biết, đây là khoản đầu tư góp vốn của PVOIL vào PVB - công ty liên kết do PVOIL sở hữu 39,76% vốn điều lệ để xây dựng nhà máy Nhiên liệu sinh học (NLSH) Phú Thọ (phát sinh từ trước khi cổ phần hóa PVOIL). Dự án đã dừng thi công từ năm 2012, đến nay vẫn trong tình trạng dở dang, chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công trình xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán.

Hiện nay, các quy định của Nhà nước chưa có hướng dẫn về trích lập và xử lý các khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các dự án dừng thi công, đang trong tình trạng xây dựng dở dang như Dự án NLSH Phú Thọ nêu trên.

Trên cơ sở cân nhắc cẩn trọng các phương án xử lý với hiện trạng của dự án, PVOil và PVB đã và đang tích cực làm việc với các cổ đông của PVB và các bên có liên quan để xem xét, quyết định phương án phá sản PVB theo quy định của pháp luật.

PVOil cho rằng, nếu PVB hoàn tất thủ tục phá sản hoặc cơ quan Nhà nước có văn bản hướng dẫn xử lý tài chính đối với trường hợp như dự án NLSH Phú Thọ thì PVOil sẽ khắc phục được ý kiến ngoại trừ này và cổ phiếu OIL sẽ thoát khỏi tình trạng cảnh báo.

Ngoài ra, vấn đề liên quan đến khoản đầu tư tại PVB nói trên đã tồn tại từ trước khi PVOil chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay cũng như của định hướng, kế hoạch phát triển trong tương lai của PVOil.

Bạn đang đọc bài viết "PVOil nói gì khi cổ phiếu bị cảnh báo vì kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.