Phú Thọ: Dự án Wyndham Thanh Thủy tiếp tục “tai tiếng” khi làm hư hỏng nặng nhà dân

25/12/2020 19:00

Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy (xã Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ) trong quá trình thi công đã khiến nhiều nhà dân bị sập mái, rạn nứt tường, lún nền, thậm chí hư hỏng nặng. Người dân cảm thấy bất an khi ở trong chính ngôi nhà của mình vì có thể sập bất cứ lúc nào.

 Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy (xã Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ) trong quá trình thi công đã khiến nhiều nhà dân bị sập mái, rạn nứt tường, lún nền, thậm chí hư hỏng nặng. Người dân cảm thấy bất an khi ở trong chính ngôi nhà của mình vì có thể sập bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Hồng Hương - Chủ tịch UBND xã Bảo Yên chia sẻ về hiện trạng dự án và vướng mắc dân gặp phải.)

Được biết, ngày 20/10/2020, Sở Xây dựng Phú Thọ cấp Giấy phép xây dựng số 51 cho Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy (Wyndham Lynn Times Thanh Thủy) do Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch ONSEN FUJI (Công ty FUJI) làm chủ đầu tư; đơn vị thẩm định thiết kế là Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng); Nhà thầu thiết kế và thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng RICONS. Công trình được xây dựng với diện tích 8.837,6m2 tại địa xã Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ.

Công ty FUJI được phép xây dựng diện tích tầng hầm là 4.780m2; tầng 1 (tầng trệt) là 3.490m2; tổng diện tích sàn là 115.583,5m2; chiều cao công trình là 126,7m; số tầng là 34 (có 1 tầng tum và 1 tầng hầm); mật độ xây dựng là 45%; hệ số sử dụng đất là 13,07 lần. Giấy phép này có hiệu lực khởi công trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày cấp.

Dự án Wyndham Thanh Thủy có thể coi là dự án “tai tiếng” với hàng loạt sai phạm được báo chí phản ánh như không có giấy phép xây dựng đã bán dự án, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), khai thác nước ngầm trái phép...

Mới đây nhất, dự án này lại bị người dân “tố” trong quá trình thi công đã khiến nhiều nhà dân bị sập mái, rạn nứt tường, lún nền, thậm chí hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Ngọc Lập (Khu 1, xã Bảo Yên) bức xúc cho biết: Nhà tôi nằm sát công trình, gần 1 năm nay, dự án đã triển khai xây dựng cũng là ngần ấy thời gian gia đình tôi và rất nhiều hộ dân khu 1 phải chịu sự đảo lộn cuộc sống. Việc thi công dự án tràn lan cả ngày, đêm, gây tiếng ồn; bụi bẩn từ những thiết bị, máy móc, vật liệu ngổn ngang. Thậm chí, chúng tôi phải chịu ảnh hưởng nặng nề đến từ dự án, nhà ở thì hư hỏng khiến sập ngói, phải dùng cây chống trần, toàn bộ tường nhà nứt nẻ. Tôi ở trong chính nhà của mình nhưng luôn nơm nớp nỗi lo, tai họa không biết đến lúc nào. Nhiều hộ gia đình khác cũng rất bức xúc về dự án này, bởi chưa biết dự án đem lại lợi ích thế nào cho dân, nhưng trước tiên đã ảnh hưởng xấu đến các hộ dân quanh.

Khi hỏi về dự án có nắm bắt và hỗ trợ kịp thời cho bà con hay không? Các hộ dân “ngao ngán” nói: Người đại diện của dự án đến, nói sẽ hỗ trợ cho bà con, nhưng dự án mới chỉ hỗ trợ phần công trình phụ, có những hộ dân chưa có 1 khoản hỗ trợ nào.

Công trình thi công dự làm nhiều nhà dân xã Bảo Yên bị nứt tường, lún nền, thậm chí hư hại nặng mái nhà, phải chống cọc nếu không sẽ bị đổ sập.)

Họ cho người đến đây, sử dụng cây sắt “chắp vá” nối nhau chống nhà dân rất tạm bợ. Người già và trẻ nhỏ phải đi ở nhờ nhà bà con nên cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn rất nhiều.

Để biết rõ hơn sự việc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Hương - Chủ tịch UBND xã Bảo Yên. Ông Hương cho biết: Ngoài việc thi công gây ảnh hưởng tiếng ồn, bụi bẩn, trong suốt thời gian qua, người dân khu 1 có nhiều ý kiến, đơn thư phản ánh về việc công trình thi công làm nhiều nhà dân bị nứt tường, lún nền, thậm chí hư hại nặng, phải chống cọc nếu không sẽ bị đổ sập.

Trong đơn thư tập thể người dân khu 1 gửi cấp chính quyền địa phương cho biết, từ khi công trình đào móng, đóng cọc, làm tầng hầm, các nhà liền kề bắt đầu xuất hiện tình trạng nứt ở nhiều vị trí, nguy hiểm rình rập. Do đó, đề nghị chính quyền, các đơn vị liên quan đến dự án có phương án bồi thường, đền bù thiệt hại và phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản của người dân trong suốt quá trình thi công. Công trình xây lên càng cao, hư hại càng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng con người càng cao, các hộ quá gần, đề nghị được di dời (trong thời gian xây dựng) để đảm bảo an toàn tính mạng.

Ngày 11/12/2020, UBND huyện Thanh Thủy có Văn bản số 1754 gửi UBND xã Bảo Yên về việc xử lý đơn thư của hộ dân khu 1. Trong đơn nêu rõ: Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự; Trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình, có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy giao Chủ tịch UBND xã Bảo Yên chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư thỏa thuận với các hộ theo quy định, nếu một bên không thống nhất mức bồi thường thiệt hại thì Chủ tịch UBND xã hướng dẫn các hộ khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết theo thẩm quyền quy định của pháp luật.

Ông Lê Anh Trình - Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, ngay sau khi được cấp phép, chủ đầu tư đã tổng lực tiến hành thi công xây dựng công trình. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 300 công nhân đang trực tiếp tham gia hoạt động xây dựng công trình. Giữa tháng 9/2020, nhận được phản ánh của các hộ dân, Công ty FUJI đã thuê đơn vị bảo hiểm - Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội – MIC, đơn vị thẩm định - Công ty TNHH giám định, định giá và dịch vụ kỹ thuật Bảo Tín kiểm tra, khảo sát hiện trạng, đánh giá ảnh hưởng của dự án đến 11 hộ dân có phản ánh về việc nhà bị hư hại. Theo đó, cả 11 hộ dân đều được xác nhận hư hại; căn cứ thông báo kết quả tính toán của đơn vị MIC, tổng mức bồi thường thấp nhất là 3.799.767 đồng (nhà ông Vũ Đình Khoa, khu 1), cao nhất là 108.869.862 đồng (nhà ông Nguyễn Ngọc Lập, khu 1).

Tuy nhiên, căn cứ vào các biên bản thỏa thuận giữa nhà thầu RICONS với 11 hộ dân về bồi thường, đền bù ảnh hưởng, trên thực tế, Công ty FUJI báo cáo cơ quan chức năng đã bồi thường, đền bù mức kinh phí cao hơn so với kết quả tính toán của Công ty MIC cho các hộ dân. Đến nay, đã có 8/11 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường (còn hộ ông Điền, ông Lập, ông Thủy chưa đồng ý) và sau này trong quá trình xây dựng nếu có phát sinh mới, chủ đầu tư cam kết quay lại thẩm định, đánh giá tiếp để xử lý bồi thường.

Những cây sắt “chắp vá” nối nhau được sử dụng để chèo chống nhà dân.)

Khi phóng viên yêu cầu ông Trình cung cấp tài liệu liên quan đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án và thông tin, văn bản hướng dẫn, thẩm định cụ thể đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản thông tin về dự án thể hiện dự án đảm bảo yêu cầu về an toàn thì ông Trình không cung cấp được.

Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc để các hộ dân nơi đây được an tâm sinh sống.

Theo Phùng Hằng/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết "Phú Thọ: Dự án Wyndham Thanh Thủy tiếp tục “tai tiếng” khi làm hư hỏng nặng nhà dân" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.