“Phú Quốc United Center đang làm nên một vòng tròn khép kín, thể hiện tầm nhìn xa, khi không chỉ kéo những người trẻ không ngủ mà cả nhiều đối tượng du khách khác, bao gồm cả trung niên và lớn tuổi sẵn sàng thức để trải nghiệm”.
Đây là nhận định của Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh về quần thể nghỉ dưỡng - giải trí Phú Quốc United Center do Tập đoàn Vingroup vừa công bố.
Giữ chân du khách bằng định nghĩa "không ngủ" hoàn chỉnh
- Siêu quần thể du lịch, giải trí Phú Quốc United Center của tập đoàn Vingroup vừa công bố sắp đi vào hoạt động có tổng vốn đầu tư 66 ngàn tỉ đồng trên quy mô tới hơn 1.000ha. Với thành tố "không ngủ", đây sẽ là nơi đầu tiên tại Việt Nam chính thức áp dụng mô hình "kinh tế đêm". Là chuyên gia đã nghiên cứu về mô hình kinh tế này hàng chục năm qua, ông nhìn nhận thế nào về sự kiện này?
Với tôi, đó là sự bắt đầu có ý nghĩa lớn. Không có kinh tế đêm, Việt Nam đã bỏ lỡ “mỏ vàng” bởi trong nhiều năm, chúng ta chỉ nghĩ làm sao để du khách "ngủ lại" Việt Nam mà không phải là "thức đêm" ở Việt Nam. Mà giá trị kinh tế lại chủ yếu là ở khi khách “thức”. Tới bây giờ, khi chúng ta đã có cái nhìn tổng thể, đầy đủ hơn thì Việt Nam mới thực sự cất bước và Phú Quốc United Center sẽ là nơi tiên phong cho mô hình này.
Việt Nam có thể đi sau nhưng phát triển kinh tế không lúc nào là muộn. Vấn đề là cách làm của chúng ta ra sao, có đáp ứng được nhu cầu của du khách hay không, ta đặt kinh tế đêm riêng rẽ hay kết hợp với những hoạt động ban ngày để tạo nên một nền công nghiệp giải trí 24/7. Đó phải là những mảnh ghép ăn khớp, có bản sắc thì mới "bắt" được du khách trả tiền.
- Quan niệm kinh tế đêm của nhiều nơi là karaoke, vũ trường hay mô hình chợ đêm được nhân rộng. Điều ấy có đúng không và tham chiếu sang Phú Quốc United Center thì sao, thưa ông?
Cách làm trên không sai nhưng chưa hoàn chỉnh. Kinh tế đêm nằm trong chuỗi tuần hoà và phải tuân theo nguyên tắc tổng hòa được nhu cầu con người, bao gồm cả vật thể và phi vật thể, tức là từ mua sắm, vui chơi giải trí tới tìm hiểu, khám phá văn hóa. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Anh Quốc đang làm theo cách này rất tốt.
Nhìn sang Phú Quốc United Center, tôi cho rằng, hướng đi của quần thể này đang đúng hướng với sự cân bằng, từ những khu phố mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí, những trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc cho tới hoạt động casino…
Phú Quốc United Center rõ ràng đang làm nên một vòng tròn khép kín, thể hiện tầm nhìn xa, khi không chỉ kéo những người trẻ không ngủ mà cả nhiều đối tượng du khách khác, bao gồm cả trung niên và lớn tuổi sẵn sàng thức để trải nghiệm. Đó sẽ là một điểm đến mang tầm quốc tế thực sự hấp dẫn.
Hi vọng về "mạng lưới hội tụ" để thúc đẩy kinh tế
- Bàn rộng hơn, nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dù tăng trưởng ở mức hai con số nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp, chỉ từ 10-40%. Nguyên nhân có vẻ không chỉ bởi du lịch Việt thiếu những hoạt động về đêm, thưa ông?
Về tổng thể, khách một đi không trở lại rõ ràng vì các sản phẩm du lịch của ta dù được xây dựng nhiều song tản mát, mạnh ai nấy làm. Ví dụ như nhìn vào Phú Quốc, vốn là một kiệt tác của thiên nhiên, nhưng suốt thời gian dài chỉ có chợ đêm Dương Đông, một số địa điểm như vườn tiêu, nơi sản xuất nước mắm... phân tán ở nhiều nơi. Khách du lịch vừa phải di chuyển tốn kém, mệt mỏi vừa thấy thiếu hấp dẫn, rời rạc.
Ta phải làm du lịch theo định hướng có chiều sâu và bản sắc. Thay vì tản mát, ta tạo ra những điểm hội tụ, nơi giải quyết tất cả nhu cầu. Đó là nơi không chỉ đậm nét văn hóa của riêng địa phương mà có thể cho du khách trải nghiệm văn hóa nhiều vùng miền.
Tất nhiên, ta cần nhớ, đã làm, mỗi mảnh ghép trong điểm hội tụ không được tầm thường. Ví dụ tại tổ hợp Phú Quốc United Center, ta có Vinpearl Safari - một trong những công viên bảo tồn động vật bán hoang dã lớn nhất Châu Á, hay VinWonders - công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam, Sân gôn 18 hố Vinpearl Golf; Corona Casino 5 sao... Bây giờ có thêm “Thành phố không ngủ” Grand World đầu tiên cùng các chương trình trình diễn giải trí đẳng cấp thế giới. Khi mỗi trụ cột mạnh, ta mới tạo được mạng lưới đủ sức hấp dẫn, đủ lực để tạo cú hích cho kinh tế du lịch.
- Nhưng, Việt Nam vốn được lòng du khách bởi sự hoang sơ. Hiện tại, chúng ta xây dựng những siêu tổ hợp hiện đại liệu có phải lấy sở đoản thay vì sở trường để khai thác kinh tế không, thưa ông?
Du khách thích sự hoang sơ nhưng như chúng ta đã thấy, khi trải nghiệm xong sự hoang sơ ấy, người ta không quay lại vì nó cũ dần đi theo năm tháng. Vấn đề cần là kết hợp hoang sơ với hiện đại, đó là những tổ hợp hài hòa với thiên nhiên để du khách vẫn trải nghiệm được đúng cảnh quan họ muốn nhưng vẫn được nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khám phá văn hóa và trải nghiệm những điều mới lạ.
- Ở góc nhìn thời cuộc hơn, ông có nghĩ, làm nên một siêu quần thể nhiều tỉ đô trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát trên thế giới vẫn là chuyện phiêu lưu không? Là một chuyên gia kinh tế, ông đặt kì vọng gì ở siêu quần thể giải trí này?
Không hề phiêu lưu. Sớm hay muộn, dịch bệnh cũng sẽ được khống chế khi vắc xin được tiêm diện rộng. Và với sự phát triển hiện nay thì du lịch gần như là nhu cầu bắt buộc. Đó là xu hướng không thể đảo ngược và điểm đến đẹp, an toàn như Việt Nam, đặc biệt là Phú Quốc sẽ hứng trọn luồng khách lớn.
Về dài hạn, đây sẽ là điểm nhấn tạo ra khác biệt, giúp đảo Ngọc đột phá, vượt Singapore hay nhiều địa danh nổi tiếng khác.
Đặc biệt là từ hình mẫu Phú Quốc United Center, tôi hi vọng sẽ có thêm các điểm hội tụ như vậy ở các địa phương khác. Dĩ nhiên điều ấy cần sự tham gia của những doanh nghiệp thực sự đủ tiềm lực, dám đầu tư, có tầm nhìn, để làm nên những sản phẩm tầm cỡ quốc tế.
Nếu được vậy, xa hơn, khi các điểm hội tụ xuất hiện nhiều hơn, ta sẽ có mạng lưới hội tụ kinh tế, với xuất phát từ chính các điểm đến thú vị như Phú Quốc United Center. Lợi ích sẽ không chỉ cho doanh nghiệp mà cả người dân và nền kinh tế.