Hòn Thơm (phường An Thới, TP Phú Quốc), là một trong những đảo lớn nhất của quần đảo An Thới, với cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, bao quanh là vùng biển sạch, có thảm san hô, cùng các loài thủy sinh giá trị lớn.
Tuy nhiên, tại mặt Tây Nam của đảo xuất hiện một đại công trường quy mô rộng hàng hecta. Vào giữa tháng 8/2022, phóng viên có mặt tại Hòn Thơm, ghi nhận toàn cảnh công trường khổng lồ này. Theo đó, ngọn núi tự nhiên trên đảo bị các máy đào cưa, xẻ để lấy đất san lấp, nhiều khối đất đá bị lấy đi. Phía tiếp giáp với biển, vô số khối đá, đất khổng lồ được đổ xâm lấn ra biển. Đứng cách hàng trăm mét vẫn dễ dàng nhận thấy, vệt nước xanh khổng lồ bị xâm lấn bởi các khối đá, đất đào từ núi, vết tích còn mới tinh.
Theo người dân sống tại địa phương, hoạt động đào núi, san lấp ra biển tại đây diễn ra khoảng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và đến nay tiếp diễn quy mô hơn. Khi phóng viên hỏi, ai là chủ đầu tư dự án thì người dân đều lắc đầu không biết. Người dân còn cho biết, bảo vệ tại công trường rất hung dữ, nếu ai đó tiến lại gần thì sẽ bị họ cảnh báo hoặc dùng cano đẩy đuổi ra ngoài.
Đây là một trong những đảo tự nhiên bị tác động bởi các đại dự án ở vùng biển xinh đẹp Tây Nam của Tổ quốc khiến du khách mỗi lần đi ngang chứng kiến đều đều lắc đầu xót xa. Thực trạng xâm lấn đảo tự nhiên một cách bừa bãi ở các đảo Nam An Thới vốn dĩ đã trở thành điểm nóng dư luận thời gian gần đây.
Các hành vi san lấp mặt biển, đào núi, xây công trình không phép, đưa khách du lịch bừa bãi đang ngày đêm giết chết những hòn đảo thơ mộng mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Đặc biệt, nguy cơ “giết chết” môi trường dưới nước là những rặn san hô và môi sinh của các loài sinh vật quý hiếm tại Phú Quốc.
Để bảo vệ các rạn san hô và môi trường biển tại Phú Quốc nói chung và quần đảo Nam An Thới nói riêng, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND UBND tỉnh Kiên Giang về việc ban hành Quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc.
Tại Điều 2, Quy chế nêu rõ, Phạm vi Khu Bảo tồn biển có diện tích mặt nước là 40.909,47 ha với 03 phân khu chức năng: Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu Phục hồi sinh thái; Phân khu Dịch vụ - Hành chính và Vùng đệm.
Theo Quy chế, đảo Hòn Thơm thuộc phân khu phục hồi sinh thái có tọa độ B16 (X: 447504.41; Y; 1096830.73) nằm trong vùng bảo tồn rạn san hô. Quy chế quy định, các hoạt động liên quan đến xây dựng, du lịch, neo đậu tàu thuyền… vào khu vực bảo tồn đều phải đăng ký và được các ngành chức năng cho phép mới được tiến hành.
Công trường xây dựng phía Tây Nam đảo Hòn Thơm có tuân thủ các quy định trên hay không? Việc lấn biển, thi công ồ ạt có được sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền hay không? Môi trường biển và rạn san hô, thủy sinh bị ảnh hưởng ra sao? Câu trả lời xin dành cho chính quyền và cơ quan chức năng TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Một số hình ảnh ghi lại toàn cảnh công trường đào núi, xâm lấn biển tại v: