Cụ thể, ngày 13/9/2022, bà Dương Thị Thu Thuỷ đã có văn bản vừa thông báo đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán về việc đăng ký bán130.000 cổ phiếu NVL đang nắm giữ theo phương thức giao dịch khớp lệnh.
Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 20/9-19/10/2022. Mục đích thực hiện giao dịch: Cơ cấu lại danh mục.
Bà Thuỷ hiện đang nắm giữ 151.631 cổ phiếu NVL, tương ứng với tỷ lệ 0,008%. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ cổ phiếu bà Thuỷ nắm giữ sẽ hạ xuống còn 0.001%, tương ứng với 21.631 cổ phiếu.
Được biết, bà Dương Thị Thu Thuỷ được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland hồi đầu năm sau khi Cựu chủ tich HĐQT kiêm nhà sáng lập – Ông Bùi Thành Nhơn “trao quyền”, lùi lại phía sau để tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ Novaland Group.
Bà Thủy gia nhập Novaland Group từ năm 2009. Đến năm 2016, bà được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc kinh doanh. Từ năm 2017 đến nay, bà giữ chức danh Giám đốc Khối thương mại.
Cổ phiếu NVL sau khi rơi về vùng đáy giá 72.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 6 vừa qua, mã này đang hồi mạnh lên vùng giá 85.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên kết quả kinh doanh của NovaLand Group trong 6 tháng lại không mấy khả quan khi doanh thu giảm mạnh, hàng tồn kho tăng mạnh. Trong khi đó, nợ vay của doanh nghiệp này đặc biệt là nợ trái phiếu tăng mạnh khiến tài chính của NovaLand Group hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của NovaLand Group ghi nhận hơn 4.628 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ giá vốn, Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 1.847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2021. Kết thúc 6 tháng đầu năm, NovaLand Group thu về gần 1.818 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 9,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tính đến 30/6/2022, nợ phải trả của NovaLand Group tăng hơn 34.152,8 tỷ đồng, tương đương tăng 21,3% so với hồi đầu năm lên gần 195.000 tỷ đồng, chiếm tới 81,4% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Trong khi đó, vốn chủ sỡ hữu của NovaLand Group chỉ tăng khiêm tốn gần 3.300 tỷ đồng lên mức 44.464 tỷ đồng, chiếm chỉ 18,6% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang ở mức rất cao 4,38 lần.
Nợ vay tài chính của NovaLand Group cuối quý 2/2022 là 68.567,2 tỷ đồng, tăng 13,3% so với hồi đầu năm, chiếm 35,2% nợ phải trả và cao gấp 1,54 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Điều này khiến chi phí tài chính của NovaLand Group vẫn ở mức khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành, chi phí tài chính cuối quý 2/2022 ghi nhận ở mức 2.063,5. Trong đó chi phí lãi vay tăng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước từ mức 148,5 tỷ đồng lên 432,3 tỷ đồng, tương đương tăng gấp hơn 2,9 lần.
Đặc biệt, nợ trái phiếu của NovaLand hiện đã “vượt mặt” vốn chủ sỡ hữu với mức 49.663 tỷ đồng (cao gấp 1,12 lần vốn), bao gồm 14.368,7 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn và 35.294,2 tỷ đồng dài hạn.
Theo phần thuyết minh của BCTC soát xét đầu năm, tính đến ngày 30/6/2022, “chủ nợ” trái phiếu NovaLand Group phần lớn là các ngân hàng TMCP dẫn đầu là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 9.100 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) mua 7.877,4 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) mua hơn 3.175 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mua hơn 1.600 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) 137,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều Công ty chứng khoán của các ngân hàng cũng đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của NovaLand Group như Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) 3.413 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) 2.590 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu của NovaLand Group; Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) 2.000 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agrisenco) 200 tỷ đồng...