Trong 5 bộ phim dài tập tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39 (diễn ra từ ngày 11 đến 14-12 tại Nha Trang, Khánh Hòa), có đến 3 phim xoay quanh đề tài gia đình: Về nhà đi con, Tiếng sét trong mưa, Con gái yêu.
Mở rộng ra hơn, năm 2019 được xem là năm của dòng phim gia đình với nhiều phim kéo "cả nhà nhiều thế hệ" tới mỗi khung giờ cố định lại ngồi bên nhau xem.
Dù không tránh được những điểm còn hạn chế, cũng phải thừa nhận các phim này ít nhiều đã tạo được cảm tình từ nhiều thế hệ khán giả, "đánh bật" được những bộ phim Ấn Độ và Hàn Quốc từng nổi đình nổi đám. Và cứ sau mỗi tập phim phát sóng, mạng xã hội lại sôi động bàn tán, từ khóa tên phim luôn hiện diện hot nhất trên Google.
Có người thân trong suốt cuộc đời
Các phim gia đình Việt trên màn ảnh nhỏ năm qua cho thấy sự đa dạng trong khai thác câu chuyện, tình tiết. Đó là những mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đầy rối rắm từ xưa đến nay, rồi đến chuyện chồng ngoại tình, hôn nhân trục trặc...
Thật ra, phim gia đình luôn được các nhà làm phim quan tâm bởi đây là đề tài dễ lấy lòng khán giả nhất.
Biên kịch Quế Ngọc (tác giả Người đứng trong gió, Dòng sông thương nhớ, Đỗ quyên trong mưa...) cho rằng: "Yếu tố thu hút của phim gia đình là gần với đời thường mà bất cứ gia đình nào cũng phải trải qua như những biến cố, những nhọc nhằn, sự gắn kết của tình yêu. Và khán giả rất thích kịch tính, ghen tuông, đổ vỡ, ngoại tình, những mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Gia đình như một xã hội thu nhỏ mà, nên đề tài này khá phong phú".
Sự thành công của Gạo nếp gạo tẻ, Về nhà đi con, Tiếng sét trong mưa hay Bán chồng, Hoa hồng trên ngực trái có lẽ còn bởi một thông điệp không hề cũ: rất cần sự sẻ chia giữa các thành viên để gia đình trở thành tổ ấm. Cùng trải qua vui buồn, khó khăn lẫn hạnh phúc, các thành viên biết nhận ra một hạnh phúc cần gìn giữ: có người thân trong suốt cuộc đời.
Chiều khán giả
Gần đây, phim Việt, đặc biệt là phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC), thường được sản xuất theo kiểu cuốn chiếu, vừa quay vừa lấy ý kiến khán giả để biên kịch viết tiếp hoặc sửa đổi kịch bản theo ý người xem. Chính cách làm này đã lôi kéo được nhiều khán giả hơn khi họ thấy phim gần gũi, nói được tiếng lòng, mong muốn của mình.
Thêm nữa, việc phát hành phim ngày càng đa dạng hơn với nhiều ứng dụng khác nhau trên nền tảng Internet. Các phim truyền hình đã qua thời hữu xạ tự nhiên hương, việc quảng bá một cách bài bản thông minh đã khiến cho cả những người tưởng như "lười biếng" xem phim cũng không thể không quan tâm khi bằng nhiều cách, thông tin về phim cứ bủa vây họ.
Đạo diễn Hùng Phương kể: "Phim Bán chồng có cảnh Vui hát bolero mặt buồn rười rượi trong ngày cưới. Ban đầu cảnh đó nằm ở tập 6. Tuy nhiên, với một phim truyền hình, nếu 5 tập đầu không thu hút coi như không thành công. Thế là đạo diễn Đỗ Thanh Hải - giám đốc VFC - cùng tôi dựng lại để đưa chi tiết đắt giá ấy vào tập 5. Quả thật sau tập 5, Bán chồng được rất nhiều người biết đến".
Chỉ là "phong trào" nếu không tìm tòi cách làm mới
Năm 2020 hứa hẹn sẽ tiếp tục là năm của phim gia đình khi hiện tại có khá nhiều bộ phim theo đuổi đề tài này đang được ghi hình. Đó là Gạo nếp gạo tẻ phần 2 với dàn diễn viên hoàn toàn mới; Vua bánh mì kể về mưu toan tranh giành quyền lực trong gia đình kinh doanh bánh; Đàn bà đã cũ nói về nữ quyền, cho thấy phụ nữ xứng đáng có được hạnh phúc từ những bình yên dung dị nhất: gia đình; hay Mẹ ghẻ với sự trở lại của đạo diễn Trương Dũng...
Trước dòng phim gia đình ngày càng chiếm sóng, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng - phó giám đốc Hãng Phim truyền hình TP.HCM (TFS) - nhận định: "Để phim gia đình tiếp tục cuốn hút khán giả, người làm phim phải tìm tòi cách làm phim mới, giúp người xem chia sẻ được với câu chuyện mình kể. Chứ nếu không, cũng chỉ là phong trào, rộ lên rồi xẹp xuống giống như trước đây rộ lên phim hình sự, phim xã hội đen, phim doanh nhân mà thôi!".
Còn diễn viên Khôi Trần đang tham gia phim Tiệm ăn dì ghẻ cho rằng: "Những năm gần đây, nhiều bộ phim gia đình gây được tiếng vang, chiếm trọn tình cảm của khán giả khắp cả nước nhờ đầu tư chỉn chu từ kịch bản đến việc lựa chọn diễn viên. Tôi nghĩ đây là tín hiệu vui để nghệ sĩ cố gắng hơn nữa nhằm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả".
Năm qua, VTV3 có 6 phim phát sóng thì có tới 4 phim đề tài về gia đình: Nàng dâu order, Bán chồng, Hoa hồng trên ngực trái, Tiệm ăn dì ghẻ.
Kênh HTV7 hai năm nay tập trung phát sóng phim gia đình như Gia đình là số 1, Bố là tất cả, Muôn kiểu làm dâu.
HTV9 khung giờ phim 22h cũng đã tạo được dấu ấn, nhất là Mùa cúc Susi - bộ phim mang đậm dấu ấn gia đình.
Với kênh truyền hình Vĩnh Long, ngay sau Tình mẫu tử lấy không ít nước mắt khán giả, Tiếng sét trong mưa lập nên kỳ tích khi rating chạm đến con số 26.0.
Trong các phim gia đình được yêu thích lâu nay, nổi bật nhất là Về nhà đi con - phim truyền hình đầu tiên được bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tặng bằng khen.