Tai biến phẫu thuật thẩm mỹ đã và sẽ không dừng lại, trừ khi thiên hạ…. không còn ý định làm đẹp!
Hai sự cố làm đẹp gần đây nhất- căng da mặt và nâng ngực- đã dẫn đến tử vong, khiến nhiều chị em đang tăm tia việc tân trang nhan sắc dịp cuối năm này khá hoang mang…
Tay nghề, phá hoại và phòng mổ
Một cách phổ quát, tạm xếp tai biến phẫu thuật thẩm mỹ thành ba nhóm:
-Nhóm tay nghề, với các kiểu hư bột hư đường do “trình dao kéo” của phẫu thuật viên.
-Nhóm phá hoại, chỉ những biến chứng do sản phẩm, kỹ thuật làm đẹp gây ra.
-Nhóm phẫu thuật, chỉ những tai biến phòng mổ nói chung.
Nhóm đầu với các sự cố “giao trứng cho ác”. Nhóm kế đứng sau cùng những sự cố kinh điển như nổ/vỡ silicone ngực, filler biến dạng mũi, botox mù mắt... Nhóm “đèn không hắt bóng” đáng sợ và ký giấy tử cho nạn nhân nhiều hơn cả, hầu hết dưới “biến” đáng sợ nhất- sốc phản vệ!
Bất đắc kỳ tử!
Không chỉ sốc phản vệ, bất kỳ tai biến sét đánh nào trên bàn mổ như chảy máu khó cầm, huyết khối tĩnh mạch, nghẽn mạch phổi... đều có thể khiến nạn nhân không kịp nhìn thấy dung mạo được sửa sang của mình. Đó là chưa nói đến những biến chứng, di chứng “chết mòn” làm khổ chủ chết dở sống dở...
Đã lên bàn mổ, với dàn điện tim, máy thở, gây mê rần rộ vây quanh, thì tai biến của phẫu thuật thẩm mỹ -nếu có- có thể nói là “không biết mèo nào cắn mỉu nào” so với các biến chứng chuyên khoa cỡ bự như sọ não, tim mạch... Cửa tử chẳng nệ hà mở dưới vẻ mỹ miều! Chính suy nghĩ “phẫu thuật thẩm mỹ hiền… khô, không hơn một thủ thuật”, khiến nhiều người không tin vào mắt mình vì sao hút mỡ “chút xíu” lại gây sốc phản vệ, căng da mặt lại chết người...
Sự thật là trừ khi những trường hợp “ra đi” tức tưởi, hay mấy cái mặt méo lệch “má nhìn không ra” mới lùm xùm đánh động dư luận; chứ đa số mấy vụ móp méo lẻ tẻ, đã được xử lý khủng hoảng êm thắm, ít có cơ đến tai chúng ta!
“Bóng ma” trước cửa phòng mổ
Trong phẫu thuật thẩm mỹ, cả với một bác sĩ “chém sắt như chém bùn” cũng không dám tuyên bố như đinh đóng cột rằng: mọi cuộc mổ, kể cả thủ thuật “đau không hơn kiến cắn”, đều an toàn “không trượt phát nào”!
Sốc phản vệ được xem là “bóng ma” đáng sợ lởn vởn trước mọi phòng mổ, thậm chí mọi mũi tiêm! Tên này vừa nguy hiểm chết người, vừa đáng sợ ở sự khó đoán, chớp nhoáng và đa trá của nó.
Khó đoán bởi những thứ gây họa lại là lọ thuốc mê, ống thuốc tiêm.. cứ “lối cũ ta về” với cả ngàn người không sứt miếng da nào, nhưng đến người 1000+1 lại toa rập với thần chết!
Sốc phản vệ là “biến” thần tốc có hạng trong làng biến chứng y khoa. Chỉ số sinh tồn của người bệnh mới đó còn yên ả, mũi tiêm vừa rút ra, ngay lập tức mọi thứ xấu đi, chạm cửa tử! Sự chóng vánh là lời giải thích cho tỉ lệ tử vong cao của sốc phản vệ, là cái hậu hối tiếc trở tay không kịp kể cả với nhân viên y tế thạo nghề.
Còn sự trí trá? Cũng thuốc đó, từng dùng trên bệnh nhân đó hồi đó đó, nhưng lần này lại sinh chuyện! Sốc phản vệ còn đa trá ở chỗ bệnh nhân được tiếng ưu tú miễn dịch, chưa hề có tiền sử dị ứng, nhưng có khi sốc nặng còn hơn người “tiền án tiền sự”! Phần lớn sốc phản vệ ập đến ngay, như vừa khi rút kim ra, nhưng có khi đợi đến vài giờ, vài ngày. “Ba mươi chưa là tết” là một kiểu nham hiểm khác của sốc phản vệ!
“Người anh em máu lạnh”
Đại để, sốc phản vệ là người anh em máu lạnh của họ nhà dị ứng. Một sự cự tuyệt dữ dội của cơ thể với kẻ lạ, để rồi quay ra tự hại mình. Hình dung cảnh ai đó tự tát lệch mặt vì con muỗi trên má!
“Hồn cốt” của sốc phản vệ là dị ứng. Màn đánh nhau giữa kháng nguyên và kháng thể, tung ra loạt chất trung gian hóa học (serotonin, histamin...) làm giãn mạch, tăng thấm thành mạch, co thắt phế quản..., dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn (tụt huyết áp), nghẽn hô hấp (co thắt phế quản, phù nề thanh quản ...). Tất cả nhất tề, không can thiệp kịp, là dấu chấm hết của nạn nhân!
Sốc phản vệ có khi đến từ tác nhân phi miễn dịch, tức không dính dị ứng, như mất máu, dập nát cơ do chấn thương... Một kiểu sốc khá bứt gân có tên sốc “khoảng trống thể tích” do các bà, các cô hút mỡ lượng lớn…
Với tất cả khó lường, hầu như không thể biết trước khi nào sốc phản vệ gõ cửa! Do vậy, ngoài thẩm tra tiền sử, gia đình, thì bệnh nhân và thầy thuốc hầu như chỉ trông cậy “ba mặt một lời” vào bài test thử. Ít phút bỏ công đã cứu không ít mạng người!
Vắt chân lên cổ!
Dễ hiểu, xử trí sốc phản vệ là cuộc chạy đua vắt giò lên cổ của nhân viên y tế, với quãng thời gian vàng sinh tử chừng 30 phút. Bệnh nhân được cứu sống chủ yếu với Adrenalin, Histamin, kèm liệu pháp phục hồi hô hấp, tuần hoàn...
Tất nhiên, nói như trên không có ý “dìm hàng” phẫu thuật thẩm mỹ. Không thiếu ca “vịt hóa thiên nga”, công cuộc đổi đời mỹ mãn và an toàn nhờ vào bàn tay vàng của các bác sĩ. Chung quy vẫn lại là bí kíp “chọn mặt gửi vàng”, và cả khi đã đặt mình vào những bàn tay vàng, cũng đừng quên lưu ý về tai biến có thể xảy ra, cho mình và cho người cầm cân nẩy mực với sinh mạng của mình.
Việc có thể làm- từ phía các cô các bà đi làm đẹp, đơn giản nhất là cung cấp càng chi tiết càng tốt về bệnh sử, tiền sử bản thân và gia đình liên quan đến dị ứng, sốc phản vệ, kể cả những triệu chứng nghi ngờ như nổi mẩn, ngứa ngáy...
Theo Tuổi trẻ
https://cuoi.tuoitre.vn/doi-cuoi/phau-thuat-tham-my-va-nhung-tai-bien-bat-thinh-linh-2248.html?fbclid=IwAR1ijh2p-wbIJbD6Zi7NMh3K4VLWTN4Xyj1IIMjyVAQfFhUbWL4EGK-Awc0