Qua kiểm tra, rà soát tại hơn 25 địa phương phát hiện 21 mô hình farmstay có sai phạm về đất đai trên diện tích 132 ha, đặc biệt 21 mô hình này chỉ nằm trong 4 tỉnh.
Phát hiện nhiều sai phạm
Trao đổi với báo chí, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi tất cả các địa phương trên cả nước đề nghị kiểm tra, rà soát khu vực tồn tại mô hình farmstay (mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng).
Cụ thể, hiện đã có 25 địa phương gửi báo cáo, rà soát sơ bộ về thực trạng mô hình farmstay. Trong đó, 7 tỉnh có 68 mô hình farmstay, 42 mô hình có xây dựng dự án đầu tư, 26 mô hình hộ gia đình tự sản xuất kinh doanh, với tổng diện tích trên 412 ha.
Đặc biệt, có 4 tỉnh với 21 mô hình farmstay có sai phạm về đất đai trên diện tích hơn 132 ha. Các sai phạm chủ yếu là chuyển mục đích sai phép; thực hiện dự án khi chưa được giao; xây dựng trái trên đất nông, lâm nghiệp được giao quản lý, sản xuất.
Đáng chú ý, tại các tỉnh, thành phố “nở rộ” hình thức farmstay trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng vẫn chưa có kết quả kiểm tra, rà soát như: Lâm Đồng, Tp HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Nội, Hòa Bình...
Cẩn trọng khi đầu tư farmstay
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết farmstay là loại hình bắt nguồn từ các nước phát triển với mục đích cho du khách trải nghiệm, học tập kinh nghiệm, không phải kinh doanh lưu trú hay phân lô, bán nền.
"Mô hình này du nhập vào nước ta trong vài năm gần đây nhưng pháp luật hiện hành chưa đề cập đến mô hình này. Theo tôi, đây là một loại hình mới cần có những quy định cụ thể để phát triển theo xu hướng thị trường. Khách hàng khi tham gia farmstay cũng cần tìm hiểu kỹ hơn trước khi đầu tư" - ông Đính cho biết.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ nhận định việc các chủ đầu tư kêu gọi đầu tư theo kiểu phân lô, bán nền trong các dự án farmstay là hành vi trái pháp luật vì bản thân farmstay là đất trang trại nông nghiệp.
"Chúng ta phải hiểu rõ việc họ kinh doanh đón khách đến tham quan, trải nghiệm nông nghiệp thì được phép, còn kinh doanh theo kiểu bán nhà thì không được vì Nhà nước không cho tách thửa đất nông nghiệp".
Theo ông Đặng Hùng Võ, chủ đầu tư kêu gọi đầu tư vào farmstay với "lợi nhuận khủng" không trái pháp luật dân sự, nhưng người góp vốn phải tỉnh táo để đi đến quyết định. "Chưa biết gì về farmstay mà lại ký hợp tác đầu tư, sau này lỗ mình phải chịu vì đây là giao dịch dân sự" - ông Đặng Hùng Võ cảnh báo.
Trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành gần đây về hoàn thiện khung pháp lý về các loại hình căn hộ du lịch, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - kiến nghị cần phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và bán, huy động vốn trái phép các lô farmstay cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên, theo ông Châu, loại hình dự án farmstay là nhu cầu mới của thị trường du lịch và thị trường bất động sản du lịch, nên rất cần xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh, đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững.