Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố thông tin kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ đợt 2 năm 2024.
Theo đó, VIB đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu mã VIBL2427002 tại thị trường trong nước vào ngày 22/8/2024. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn ngày 22/8/2027. Lãi suất phát hành 5,2%/năm.
Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2024, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) mới chỉ phát hành 2 lô trái phiếu ra thị trường.
Trước đó, hồi tháng 7, VIB đã phát hành lô trái phiếu VIBL2427001 với khối lượng 20.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng. Lãi suất phát hành 5,8%/năm.
Như vậy, trong 2 tháng 7 và 8 năm nay, ngân hàng đã huy động được tổng cộng 3.000 tỷ đồng trái phiếu.
Ở chiều ngược lại, trong năm nay, VIB đã tiến hành mua lại 3 lô trái phiếu VIBL2128027, VIBL2225002 và VIBL2225003 với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng.
Trong đó, lô trái phiếu có mệnh giá lớn nhất là VIBL2225002 được ngân hàng mua lại vào ngày 28/2/2024, có giá trị 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, dự kiến tới năm 2025 mới đáo hạn.
Về tình hình thanh toán gốc lãi trái phiếu, mới đây, VIB đã công bố tình hình thanh toán lãi, gốc bán niên năm 2024. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã chi gần 297 tỷ đồng để thanh toán lãi và 6.600 tỷ đồng để trả gốc trái phiếu.
Về tình hình kinh doanh, tại báo cáo tài chính quý 2/2024, VIB ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 1.638 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng này báo lãi sau thuế 3.684 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023
Theo VIB, nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với mức trích lập dự phòng tương ứng là hơn 1.129 tỷ đồng trong quý II và 2.075 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lần lượt tăng 31% và 36% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, VIB cho biết kết quả kinh doanh sụt giảm do thu nhập lãi thuần trong quý II chỉ đạt 3.945 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 431.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 5%, cao hơn so với trung bình ngành ngân hàng chỉ 1,5%. Dư nợ tín dụng tính đến hết quý II đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.
Áp lực biên lãi ròng (NIM) suy giảm
Trong khi kết quả kinh doanh lũy kế 6 tháng đầu năm của VIB dù xuất hiện một số thách thức nhưng nhìn chung vẫn khá lạc quan thì theo SSI Research, thời gian tới, diễn biến lợi nhuận của VIB sẽ có thể chịu áp lực đi lùi do biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chất lượng tài sản suy giảm trong khi những thách thức từ việc xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng gia đều tăng. Theo đó, ROE thời gian tới của VIB sẽ có thể thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 30% trong năm 2022.
Cụ thể, theo SSI Research, do thanh khoản trên thị trường bất động sản vẫn còn thấp, đặc biệt là ở khu vực miền Nam cùng với áp lực cạnh tranh gay gắt có thể khiến VIB gặp phải một số thách thức trong việc xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, NIM dự kiến của VIB cũng sẽ tiếp tục chịu áp lực do lãi suất cho vay giảm trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng dần và chi phí tín dụng phải tiếp tục duy trì ở mức cao để đối phó với chất lượng tài sản giảm. Do đó, SSI Research đánh giá ROE dự kiến của VIB sẽ có thể dao động ở mức 18% - 19% trong các năm tới, giảm so với mức đỉnh 30% trong năm 2022.
Trong năm 2024, SSI Research điều chỉnh giảm 14,2% ước tính lợi nhuận trước thuế của VIB so với dự báo trước đó xuống còn 9,4 nghìn tỷ đồng ( giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2023) do NIM dự kiến giảm khoảng 100 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống mức 3,97% so với 4,11% như dự báo trước đó.
Tương tự, SSI Research đánh giá lợi nuận trước thuế trong nửa cuối năm 2024 của VIB dự kiến đạt khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng (giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2023) dù tăng trưởng tín dụng dự kiến tăng 14,8% so với nửa đầu năm 2024, cán mốc 306,7 nghìn tỷ đồng.
VIB đang có 4.205,5 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
Trong bối cảnh như trên, một yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của VIB là việc nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu có nguy cơ mất vốn (nợ nhóm 5) tăng cao.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý 2/2024 do VIB công bố, tại thời điểm 30/6/2024, VIB ghi nhận 4.205,5 tỷ đồng nợ nhóm 5, tăng 91,3% so với thời điểm kết thúc năm 2023 (tại ngày 31/12/2023, VIB ghi nhận 2.198,1 tỷ đồng nợ nhóm 5).
Kết thúc quý 2/2024, nợ nhóm 1 của VIB ghi nhận ở mức 397.179,5 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Điểm sáng của VIB là nợ cần chú ý (nhóm 2) tại ngày 30/6/2024 ở mức 12.433,6 tỷ đồng, giảm 16,1% so với đầu năm.
Trong khi nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh thì theo SSI Research, triển vọng thu hồi nợ xấu của VIB là không mấy khả quan khi đơn vị này cho rằng tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này sẽ vẫn ở mức cao là 3,3% trong năm 2024 (so với 2,8% như dự báo của chính SSI Research trước đó) và chỉ có thể được cải thiện xuống 3,1% trong năm 2025 (so với 2,5% tại dự báo trước đó).