"Vì khi biết quê ta nghèo, rủ nhau bước đi muôn nẻo. Tìm đất khách mong làm giàu, mai sau ngẩng đầu. Mà đâu biết trong đêm dài, người không muốn ta ở lại. Chạy trong giá băng mệt nhoài, tâm tư hoang mang", Phan Mạnh Quỳnh viết, Hà Anh Tuấn hát.
Giữa những xôn xao về câu chuyện 39 người bỏ mình trên đường đến nước Anh, tiếng hát Phan Mạnh Quỳnh và Hà Anh Tuấn trong ca khúc 'Nước ngoài' cất lên để nhắc chúng ta đừng dửng dưng với cuộc mưu sinh còn nhiều khốc liệt của con người.
Trong hơn một tuần qua, công chúng Việt đã nghe lại không biết bao nhiêu lần bản thu Nước ngoài của chính Phan Mạnh Quỳnh. Và tối 26-10 vừa qua, Hà Anh Tuấn thể hiện ca khúc này trên sân khấu đêm nhạc cuối của chuyến lưu diễn Truyện ngắn.
"Tôi chắc rằng trong những giây phút khó khăn nhất ở xứ người, những người con xa xứ chỉ ước rằng mình đang ở nhà", ca sĩ - nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh nói với Tuổi Trẻ Online.
Trong giới giải trí, Phan Mạnh Quỳnh là nghệ sĩ hiếm hoi lên mạng xã hội bộc lộ cảm nghĩ về thân phận người Việt xa xứ trong những ngày này.
Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh viết nên Nước ngoài từ những thân phận xa xứ ở chính quê hương anh, Nghệ An - Ảnh: FB NHÂN VẬT
Khoảng 4.000 khán giả trong đêm nhạc của Hà Anh Tuấn như muốn vỡ oà khi anh hát Nước ngoài và tâm sự về phận người xa xứ: "Những cánh chim ấy bay đi không phải về hướng có nắng vàng, những cánh chim non nớt ấy không biết rằng ở rất xa đó là những cơn bão rất lớn đang chờ mình".
"Trong những hoàn cảnh gây tranh cãi nhất, ta hãy dùng những ngôn từ ít gây tổn thương nhất" là chia sẻ của người hâm mộ khi đồng cảm với những gửi gắm của ca sĩ Hà Anh Tuấn trước khi trình diễn ca khúc Nước ngoài của Phan Mạnh Quỳnh.
Phan Mạnh Quỳnh viết nên Nước ngoài đầy suy tư vì anh là người con xứ Nghệ, vùng đất có nhiều người xuất khẩu lao động bậc nhất trong cả nước.
Thân phận người Việt xa xứ không hề xa lạ với anh, là anh em họ hàng, là bạn bè thân thiết. Còn Hà Anh Tuấn hát Nước ngoài đầy xúc động dù anh là người con của Sài Gòn.
Chẳng có gì khác biệt, vì âm nhạc đúng là không biên giới, không vùng miền. Nghệ An hay Sài Gòn, Hà Tĩnh hay Hà Nội, ở bất cứ địa phương nào, hay từ một đất nước xa xôi nào khác, người Việt đều có thể đồng cảm với Nước ngoài.
Chỉ cần chúng ta đừng dửng dưng với sinh mệnh của nhau.
Hà Anh Tuấn nói anh đã nhắm mắt khi hát Nước ngoài trong đêm nhạc Truyện ngắn và mong khán giả "cùng đau, cùng cầu nguyện và tin vào sự che chở" - Ảnh: FB NHÂN VẬT
"Bài hát này đẫm nước mắt" - một nam khán giả trung niên viết khi chia sẻ đường link ca khúc Nước ngoài. Anh vốn là người đàn ông lý trí, làm lãnh đạo và chẳng mấy khi bộc lộ cảm xúc cá nhân trên mạng. Trong những ngày qua, thử hỏi ai không buồn, ai không khóc khi nghe những ca từ mà Phan Mạnh Quỳnh mất hai năm viết ra từ gan ruột.
Những ca từ này khiến Nước ngoài được coi là "thánh ca" của cộng đồng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động. Và rộng hơn, của người Việt xa xứ.
Vì đơn giản, bài hát thấm đẫm tình yêu với đất nước, gia đình và ngổn ngang nỗi niềm xa quê. Cô độc, nhớ nhung, sầu thảm nhưng vẫn lấp lánh hy vọng với câu hát cuối: "Một mai nắng xanh trời, rời nơi nương náu một thời, về trong đôi mắt rạng ngời".
Tên bài hát là Nước ngoài, nhưng tinh thần của bài hát hướng về quê mẹ. "Mẹ chớ nghĩ ngợi, bên này chúng con mến thương nhau". Mến thương nhau vì tất cả đều là những cái cây nảy mầm từ chung một miền đất mẹ. Và có một điều chắc chắn, ở nơi đất khách, không ai là không xao lòng nhớ thương quê nhà....
"Mình chỉ nên cầu chúc họ được an toàn, dù đến nơi hay trở về" - Phan Mạnh Quỳnh nói. Có lẽ, chúc nhau may mắn là điều duy nhất chúng ta có thể làm trước nghịch cảnh của người khác. Vì thế giới này quá rộng lớn, thân phận con người quá khác biệt, chúng ta rất khó hiểu hết cho nhau bằng lý trí.
Thật may, chúng ta vẫn còn trái tim.