Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất

15/03/2020 12:17

Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt bỏ 1 tầng, giữ lại 1 tầng trên mặt đất cùng 5 tầng giật cấp xuống triền dốc, cải tạo kiến trúc cho hài hòa hơn, biến thành điểm dừng chân, không ngủ nghỉ.

Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt bỏ 1 tầng, giữ lại 1 tầng trên mặt đất cùng 5 tầng giật cấp xuống triền dốc, cải tạo kiến trúc cho hài hòa hơn, biến thành điểm dừng chân, không ngủ nghỉ.

Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất - Ảnh 1.

Du khách làm dấu “dislike” bên công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Cuối cùng, sau nhiều tháng "im ắng", Hà Giang vừa "chốt" số phận của công trình nhà nghỉ - nhà hàng Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng ở huyện Mèo Vạc, sau hội nghị xin ý kiến tư vấn phương án giải quyết công trình này với các chuyên gia di sản, bảo tồn, kiến trúc và nhà quản lý, vừa được tổ chức tại Hà Giang.

Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Đình Thành - cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch), đại diện của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, một số kiến trúc sư...

Hội nghị được tổ chức hôm 12-3, sau khi Cục Di sản văn hóa có văn bản vào cuối tháng 2 vừa qua, thúc giục Hà Giang sớm có phương án giải quyết với các công trình vi phạm Luật di sản văn hóa trên địa bàn gồm khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú, công trình thang máy ngắm cảnh ở phố cổ Đồng Văn và công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.

Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất - Ảnh 2.

Với dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, Hà Giang nói quan điểm là sẽ "không vì thu hút đầu tư mà phá vỡ cảnh quan" - Ảnh: MAI THƯƠNG

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đình Thành cho biết tại hội nghị, chủ đầu tư đã trình bày các phương án cải tạo công trình Panorama tại hẻm Tu Sản Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chủ đầu tư đề nghị được giữ lại toàn bộ kết cấu gồm 2 tầng trên mặt đất và 5 tầng giật cấp xuống phí dưới sườn núi.

Rất nhiều chuyên gia từ Viện Bảo tồn di tích, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư dự hội nghị lấy ý kiến này của Hà Giang đều thống nhất quan điểm cần có một điểm dừng chân ở vị trí công trình Panorama, và "công trình xây dựng ở vị trí đó là đúng quan điểm".

Ông Thành cho biết Cục Di sản văn hóa và các chuyên gia dự hội nghị đã đề xuất phương án đối với công trình này là cắt bớt một tầng trong tổng số 2 tầng và một tầng mái trên mặt đất.

Phần kiến trúc còn lại bao gồm một tầng và một tầng mái trên mặt đất, cộng với 5 tầng giật cấp xuống triền dốc sẽ được cải tạo cho hài hòa tỉ lệ và hài hòa với cảnh quan.

Và thay đổi quan trọng nhất theo ông Thành là đề xuất biến công trình này trở thành điểm dừng chân, "không tổ chức ngủ nghỉ".

Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất - Ảnh 3.

Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng vẫn mở cửa đón khách ngày 5-10 - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Cục phó Cục Di sản văn hóa cho biết những đề xuất, góp ý này của các chuyên gia đã được Hà Giang tiếp thu và đồng ý.

Việc còn lại của Hà Giang là tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư chỉnh sửa phương án cải tạo kiến trúc của công trình này, sau đó sẽ mời một số chuyên gia kiến trúc đã dự hội nghị lấy ý kiến vừa qua góp ý cụ thể cho Hà Giang trước khi tiến hành cải tạo công trình.

Về phương án với công trình trên Mã Pì Lèng mà Hà Giang vừa thống nhất cùng với các chuyên gia và đại diện Cục Di sản văn hóa, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà - người theo đuổi quan điểm "kiến trúc vị dân sinh", đã nhận nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế - có góp ý về chuyên môn kiến trúc.

Theo anh, nếu bắt buộc phải giữ lại và cải tạo công trình này thành điểm dừng chân thì nên coi không gian được giữ lại là một phần của cảnh quan, việc cải tạo nó phải tiếp cận từ góc độ cảnh quan trước.

Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất - Ảnh 4.

Công trình Panorama Mã Pì Lèng - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Theo đó gần như chắc chắn sẽ cần phải đổi thay cấu trúc do tính chất công trình đã thay đổi, và như vậy cần xem xét không gian này từ những cấu kiện cốt lõi nhất như cột-dầm-sàn (không có tường bao che) với bối cảnh quanh nó.

"Điểm dừng chân nên theo hướng nương vào tự nhiên, có cấu trúc theo cách tự nhiên. Trong bối cảnh này thì dỡ bỏ được càng nhiều càng tốt. Công trình khi ấy có thể là đoạn đường nối dài, hoặc một cái cầu, hay một cái cây theo các tấm sàn đa hướng nhiều tầng bậc", kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà gợi ý.

Anh cũng cho rằng Hà Giang nên tổ chức một cuộc thi nghiêm túc về việc cải tạo công trình này, sẽ nhận được rất nhiều giải pháp khả thi thú vị.

Đây cũng là gợi ý của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương (Hà Nội).

Anh Hoàng Phương cho rằng nếu Hà Giang tổ chức thi thiết kế cải tạo công trình này một cách công khai thì không chỉ nhận được những giải pháp tốt mà còn tạo tiếng vang, từ đó quảng cáo tốt hơn cho du lịch Hà Giang.

Diễn biến vụ Mã Pì Lèng

Công trình nhà hàng - nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng vấp phải làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội vào đầu tháng 10-2019.

Khi đó, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẳng định việc xây dựng công trình Panorama vi phạm điều 36 của Luật Di sản văn hóa, không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

Xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, Hà Giang cho biết công trình này chưa được cấp phép xây dựng bởi đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh ngày 8-10-2019, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phương án xử lý đối với công trình sai phạm này là phá dỡ 6 tầng, cải tạo phần còn lại làm điểm dừng chân ngắm cảnh. Phương án này được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đồng ý. Tuy nhiên phương án này lại vấp phải sự phản đối của các kiến trúc sư.

Sau nhiều tháng chậm chễ giải quyết và công trình Panorama vẫn mở cửa đón khách gây bức xúc trong dư luận, ngày 28-2-2020, Cục Di sản văn hóa gửi công văn thúc giục Hà Giang sớm giải quyết.

Ngày 12-3, UBND tỉnh Hà Giang mở hội nghị xin ý kiến của các chuyên gia và đưa ra quyết định cải tạo công trình thành điểm dừng chân nhưng hầu như giữ nguyên kết cấu của công trình nhiều tầng này, chỉ đập bỏ một tầng nổi trên mặt đất.

Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất - Ảnh 6.

Công trình "đột ngột" mọc lên ở Mã Pì Lèng đã tốn không ít giấy mực của báo chí - Ảnh: Booking

THIÊN ĐIỂU - Theo Tuổi Trẻ

Bạn đang đọc bài viết "Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.