Không chỉ đề nghị giảm lệ phí trước bạ, các nhà nhập khẩu xe hơi còn mong muốn nhiều ưu đãi hơn nữa để cạnh tranh với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong Sách trắng 2020 về các vấn đề kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho tất cả DN nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ôtô mới để bảo đảm công bằng, tránh bị phân biệt đối xử với xe nội.
Doanh nghiệp trong nước lo lắng
Đại diện các DN nhập khẩu ôtô cho rằng giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp sức tiêu thụ xe hơi nhập khẩu tăng lên đáng kể khi các dòng xe sang sẽ giảm từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng mỗi chiếc. Ông Đoàn Hiếu Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Regal, tính toán với mẫu xe sang trị giá 50 tỉ đồng, giảm 50% phí trước bạ sẽ giúp giá xe giảm ít nhất 2,5 tỉ đồng. Việc này có ý nghĩa lớn với khách hàng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, "bớt được đồng nào hay đồng đó".
Nếu giảm lệ phí trước bạ cho xe nhập khẩu, khách hàng có thể quay lưng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA), nhiều thành viên VIVA cũng là thành viên của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam nên đa phần đồng tình với kiến nghị xem xét hưởng mức ưu đãi lệ phí trước bạ đối với xe nhập khẩu như xe lắp ráp trong nước. Các DN này cho rằng dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động lớn đến nhiều quốc gia nên việc ưu đãi cho xe lắp ráp của Việt Nam sẽ gây khó khăn đáng kể với xe nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), việc giảm lệ phí trước bạ là để khuyến khích sản xuất trong nước, kích cầu tiêu dùng trong tình hình khó khăn. Nếu áp dụng cho cả ôtô nhập khẩu, chính sách ưu đãi sẽ không còn ý nghĩa. Chưa kể, xe nhập khẩu sẽ tràn về cạnh tranh quyết liệt với xe trong nước. Khi đó, khó tránh khỏi tình trạng người tiêu dùng lựa chọn mua xe nhập khẩu thay cho xe nội địa. Trong đó, đáng ngại nhất không phải là xe sang từ châu Âu mà chính là các dòng xe từ một số nước khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… với giá cả hợp lý, chất lượng ở mức khá.
Giảm lệ phí trước bạ vẫn chưa đủ
Trong khi DN nội lo thị trường bị áp đảo bởi xe nhập khẩu nếu dòng sản phẩm này được ưu đãi phí trước bạ, các nhà nhập khẩu lại cho rằng hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ chưa chắc giúp thị trường xe sang khởi sắc bởi nguồn cung đã bị cắt giảm khá mạnh.
Theo ông Phan Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CT-Wearnes Việt Nam, các nhà máy ôtô ở châu Âu đã cắt giảm mạnh nhân sự đến 50%, khiến năng suất sụt giảm sâu, nguồn cung còn rất ít và tất yếu giá xe cũng tăng. Do vậy, giảm lệ phí trước bạ với phân khúc xe nhập khẩu châu Âu không có nhiều ý nghĩa về mặt kích cầu, cải thiện thị trường.
Ông Đoàn Hiếu Trung cho rằng để thị trường xe châu Âu sôi động, nhà nước nên điều chỉnh lại chính sách thuế hiện hành dành cho xe nhập khẩu. Chẳng hạn, trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực vào ngày 1-8 tới, xe hơi châu Âu chịu thuế suất thuế nhập khẩu 55%, thuế tiêu thụ đặc biệt 150% cùng thuế GTGT và một số phí, lệ phí khác. Theo tính toán, tổng thuế suất các loại thuế, phí với xe nhập từ châu Âu lên đến hơn 300%, khiến giá xe đội lên gấp 4,2 lần so với giá gốc. Như vậy, dù được giảm một vài loại thuế, phí thì giá xe vẫn chưa thể giảm đáng kể.
Nhiều nhà nhập khẩu ôtô bày tỏ không kỳ vọng nhiều về đề xuất giảm lệ phí trước bạ xe nhập khẩu trong năm 2020. Bởi lẽ, từ nay đến cuối năm 2020 chỉ còn vài tháng, trong khi để đề xuất được ghi nhận, chuyển thành dự thảo, lấy ý kiến bộ, ngành và thẩm định, phê duyệt sẽ mất rất nhiều thời gian. Trường hợp đề xuất được thông qua và phê duyệt nhanh chóng thì nhà nhập khẩu cũng khó hưởng kịp ưu đãi bởi thủ tục đặt hàng, đưa xe về khá phức tạp, tốn thời gian.
Nhà nhập khẩu mong muốn nhiều hơn ở các ưu đãi và tháo gỡ vướng mắc khác. Chẳng hạn, cho phép thông quan một phần bằng cách ủy quyền cho các kho ngoại quan đối với xe mới nhập khẩu nguyên chiếc cho đến tháng 12-2020; chỉ kiểm tra với lần thông quan đầu tiên cho các bộ phận, thiết bị nhập khẩu và tiếp tục công nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho những lần sau…