Ông Đinh Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Địa ốc Đà Lạt ứng cử vào HĐQT CIC Group

02/06/2024 14:23

Hiện nay, cổ phiếu DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt bị hạn chế giao dịch trên thị trường UPCoM do có vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính năm 2022, công ty không họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2 năm tài chính gần nhất.

ckg-du-an-lan-bien-0807-230806-1717312901.jpg

Dự án lấn biển tại Rạch Giá của CIC Group.

Địa ốc Đà Lạt có vốn điều lệ 45 tỷ đồng nhưng đang âm vốn chủ sở hữu gần 18 tỷ đồng. Công ty này có 7 năm liên tục 2016-2022 chịu cảnh thua lỗ và quý 1/2024 cũng báo lỗ.

Ông Đinh Thanh Tâm đang sở hữu 1.102.500 cổ phiếu DLR, tương đương 24,5% vốn điều lệ Địa ốc Đà Lạt. Ông Đinh Thanh Tâm bắt đầu giữ chức Tổng Giám đốc công ty từ 9/2/2021 đến nay.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, HOSE: CKG) công bố thông tin 4 ứng viên thành viên HĐQT (ông Đinh Thanh Tâm, ông Nguyễn Xuân Dũng, ông Đinh Thanh Thảo, ông Trần Văn Vinh) và 1 ứng viên thành viên BKS (ông Võ Văn Ý) của CIC Group nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM) 2024 của CIC Group tổ chức vào 1/6/2024 sẽ bầu bổ sung các cá nhân này vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Đinh Thanh Tâm (sinh 1978, quê quán Quảng Trị) có bằng Cử nhân Luật. Ông được 6 cổ đông sở hữu 4.880.600 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 5,12% vốn điều lệ của CIC Group đề cử làm ứng viên thành viên HĐQT CIC Group.

Ông Nguyễn Xuân Dũng (1980, Nghệ An) có bằng Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông đang giữ chức Giám đốc CTCP Dược TIC Việt Nam và Tổng Giám đốc CTCP Công nghiệp Soundton. Ông tự ứng cử làm thành viên HĐQT CIC Group vì đang sở hữu 9.162.460 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 9,6%.

Ông Đinh Thanh Thảo (1964, Hưng Yên) có bằng Cử nhân Luật của Đại học Cảnh sát nhân dân và đang nghỉ hưu. Ông từng công tác tại trại giam Hoàng Tiến cục V26 Bộ Công an, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội. Ông được 3 cổ đông sở hữu 5.012.460 cổ phiếu, tỷ lệ 5,26% đề cử làm ứng viên thành viên HĐQT CIC Group.

Ông Trần Văn Vinh (TP.HCM) có bằng Cử nhân Kinh tế và đã nghỉ hưu. Ông từng công tác tại Nhà máy giấy Quốc doanh Thủ Đức (1980-1995), Công ty Cơ khí Quang Trung (1995-2003), CTCP Giấy Xuân Đức (2003-2014), Công ty Giấy Phúc Thịnh Phát (2014-2019). Ông được 5 cổ đông sở hữu 4.774.980 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 5,01% đề cử làm ứng viên thành viên HĐQT CIC Group.

Ông Võ Văn Ý (1994, Quảng Ngãi) có bằng Cử nhân Luật. Ông đã từng làm việc tại Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam và đang làm việc tại CTCP Đầu tư Bất động sản Dakao, Công ty TNHH Maslaw. Ông được 5 cổ đông sở hữu 4.964.120 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 5,21% đề cử làm ứng viên thành viên BKS CIC Group.

Như vậy, 5 nhóm cổ đông trên đang sở hữu 28.794.620 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 30,21% sẽ làm “đối trọng” trong HĐQT và BKS của CIC Group thời gian tới.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, ông Nguyễn Đức Hùng, ông Nguyễn Thanh Lâm và ông Hà Duy Nghiêm từ nhiệm thành viên HĐQT. Bà Nguyễn Bích Nghĩa từ nhiệm thành viên BKS. Các cá nhân trên từ nhiệm với cùng lý do là bận việc cá nhân nhưng thật ra để “nhường ghế” cho 5 nhóm cổ đông mới vào.

Hiện nay, HĐQT của CIC Group còn 5 thành viên, gồm ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch; ông Quảng Trọng Sang, Phó Chủ tịch - thành viên độc lập; bà Phạm Thị Như Phượng, Tổng Giám đốc; ông Lê Trọng Tú và ông Lê Trọng Ngọc.

Năm 2023, CIC Group tổ chức AGM đến 2 lần và đều không thành công. Cụ thể, AGM 2023 lần 1 vào 29/6/2023 có 210 cổ đông và đại điện cổ đông sở hữu 25.442.051 cổ phiếu, tỷ lệ 26,7082% nên AGM không đủ điều kiện tiến hành.

AGM 2023 lần 2 tổ chức vào 26/7/2023 có 346 cổ đông và đại diện cổ đông sở hữu 73.998.493 cổ phiếu, tỷ lệ 77,68% đủ điều kiện tiến hành.

Thế nhưng nội dung biểu quyết về Quy chế tổ chức và làm việc tại AGM chỉ có 23.907.603 cổ phiếu, tỷ lệ 31,18% là tán thành. Ở nội dung biểu quyết về Chương trình AGM chỉ có 23.864.266 cổ phiếu, tỷ lệ 31,12% là tán thành.

Nguyên nhân dẫn đến cổ đông “bất mãn” là trước ngày khai mạc AGM 2023 lần 2 có 5 nhóm cổ đông ứng cử, đề cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 và bãi nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 nhưng không được công ty đưa vào chương trình AGM 2023.

ckg-khkd-2024-2320-1717312901.jpg

Biểu đồ doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của CIC Group giai đoạn 2010-2023 và kế hoạch 2024 (đvt: tỷ đồng). Kế hoạch 2024 do CIC Group đưa ra trên báo cáo công ty mẹ, doanh thu gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính, doanh thu khác, doanh thu nội bộ.

Trong báo cáo gửi đến AGM 2024 của bà Phạm Thị Như Phượng, Tổng Giám đốc CIC Group cho rằng, AGM 2023 không thành công nên các vấn đề thuộc thẩm quyền đại hội không được thông qua. Trong đó, có kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân phối lợi nhuận, chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính làm khó khăn rất nhiều trong công tác quản trị và điều hành sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, công ty không phát hành được cổ phiếu tăng vốn theo kế hoạch. Do đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng gặp nhiều vướng mắc do chủ trương thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản dẫn đến việc thiếu hụt nguồn vốn tại một số dự án làm tăng chi phí tài chính và giảm doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch.

Hiện nay, cổ phiếu CKG đang nằm trong diện kiểm soát kể từ ngày 12/10/2023 do CIC Group chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Đóng cửa ngày 31/5/2024, cổ phiếu CKG đạt 21.250 đồng/cổ phiếu, giảm 2,7% kể từ đầu năm đến nay trong khi chỉ số VN-Index tăng 11,7%. Ở mức giá này, vốn hóa công ty đạt 2.024 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Ông Đinh Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Địa ốc Đà Lạt ứng cử vào HĐQT CIC Group" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.