Nửa đêm vẫn có người đập cửa hỏi mua, sốt đất ‘tàn phá’ nhiều khu vực

30/03/2021 11:37

Sốt đất "tàn phá" nhiều khu vực, lợi nhanh nhưng rủi ro vô cùng lớn; Giá đất Đông Anh "nhảy múa", nửa đêm vẫn có người đập cửa hỏi mua... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Sốt đất "tàn phá" nhiều khu vực, lợi nhanh nhưng rủi ro vô cùng lớn; Giá đất Đông Anh "nhảy múa", nửa đêm vẫn có người đập cửa hỏi mua... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Giá đất Đông Anh "nhảy múa", nửa đêm vẫn có người đập cửa hỏi mua

Trước thông tin Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được công bố vào tháng 6 tới, giá đất một số khu vực như Xuân Canh, Hải Bối… (huyện Đông Anh, Hà Nội) trong làng có nơi chỉ 21-29 triệu đồng/m2 nhưng có nơi 45-70 triệu đồng/m2.

Anh N - một môi giới khu vực Xuân Canh cho hay: "Ngày nào cũng có khách chốt vài ba mảnh. Đợt này quá nhiều khách đi tìm đất để đầu tư, toàn khách mới, có một khách vào 'chốt' luôn vài mảnh liền, tôi không tin vào mắt mình luôn. Có hôm 12h đêm vẫn có người vào hỏi mua đất".

Sốt đất xình xịch khu vực ven sông Hồng.)

Nằm sâu trong ngõ ngách, một mảnh đất rộng 170m2, mặt tiền 10m đang trồng chuối, được môi giới nói đã có sổ đỏ, chủ đất phát giá thu về 45 triệu đồng/m2, nhưng phải mua hết cả mảnh mới có mức giá đó.

Bóc chiêu thức gây "sốt" ảo của mạng lưới cò mồi, sau tăng mạnh là giảm sâu

Theo UBND TP Hạ Long, thời gian gần đây trên địa bàn đã có một số người môi giới đầu tư bất động sản đến TP để mua đi, bán lại các ô đất trong Quy hoạch dân cư thuộc các dự án.

Cụ thể, những người môi giới này không thực hiện giao dịch đối với các thửa đất đã được cấp sổ đỏ mà chủ yếu thực hiện giao dịch với các ô đất quy hoạch thuộc một số dự án. Lãnh đạo TP nhận định đây là hoạt động "làm thị trường" của các nhóm đầu cơ có tổ chức, có kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Các đối tượng đầu cơ này đã âm thầm chuẩn bị mua đất tại các dự án trên từ thời gian trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch phát triển đô thị, đã bằng mọi cách tung ra thị trường các tin gây "sốt", qua đó đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn nhằm tạo "sóng ảo" về nhu cầu, khiến cho giới đầu tư và người dân thấy bất động sản khu vực này đang giao dịch rất sôi động.

Sốt đất "tàn phá" nhiều khu vực, lợi nhanh nhưng rủi ro vô cùng lớn

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, những cơn sốt đất được nói đến nhiều thời gian qua không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng mà ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp...

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.)

"Những cơn sóng đó xuất hiện chủ yếu bởi các thông tin quy hoạch như sân bay, các dự án của doanh nghiệp lớn đầu tư vào…", ông Hà nói.

Ông Hà nhận định, chỉ trong thời gian ngắn nhưng sốt đất đã "tàn phá" các khu vực nó đi qua. Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường đã từng trải qua những cơn sốt đất chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó "đâu lại vào đấy". Đơn cử như vụ sốt đất Ba Vì hay như mới đây ở Bình Phước...

Hà Nội công khai danh sách hàng loạt dự án chậm triển khai sẽ bị thu hồi

Kết quả cụ thể của UBND TP. Hà Nội mới đây cho thấy, 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha được kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.

Trong số này,  Thạch Thất là khu vực có nhiều dự án bị thu hồi nhất, bao gồm: Dự án Xây dựng khu đô thị Tiến Xuân tại xã Tiến Xuân và Đông Xuân của Công ty TNHH Một thành viên SUDICO Tiến Xuân; Dự án xây dựng trường đại học Hòa Bình tại Thạch Thất của trường Đại học Hòa Bình và dự án Khu nhà ở cho cán bộ giáo dục trường đại học Hòa Bình tại huyện Thạch Thất; Dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn tại xã Tiến Xuân của Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc.

Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn tại xã Tiến Xuân của Công ty Xây dựng Trường Giang; Dự án nhà máy sản xuất cọc bê tông tại xã Tiến Xuân của Công ty Cổ phần Licogi 13 - Nền móng xây dựng; Dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ tại xã Tiến Xuân của Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ…

Hà Nội tồn tại nhiều dự án ôm đất rồi bỏ hoang. Ảnh: Đỗ Quân.)

Giá thuê 400 triệu đồng/tháng, mặt bằng đất vàng đường Đồng Khởi bị trả hàng loạt

Qua Tết hơn 1 tháng nay, Covid-19 dần được kiểm soát nhưng hàng loạt mặt bằng đang đóng cửa trên "đất vàng" đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) vẫn chưa có người thuê. Thậm chí, số lượng mặt bằng rơi vào cảnh cửa đóng then cài, bên ngoài chi chít số điện thoại liên hệ cho thuê, lại càng nhiều hơn.

Ghi nhận của PV cho thấy ngoại trừ khách sạn, nhà hàng có thương hiệu lớn vẫn còn duy trì hoạt động, 80-90% mặt bằng nhỏ cho thuê đều đã đóng cửa.

Trái với cảnh nhộn nhịp, luôn được giới kinh doanh săn đón trước đây, con đường được mệnh danh là đường "5 sao" này hiện trong tình trạng rất ảm đạm. Ngay góc đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng, 3 - 4 mặt bằng, mỗi mặt bằng khoảng 30 - 40m2 nằm liền kề đã ngừng hoạt động.

Theo Nguyễn Khánh/Dân Trí

https://dantri.com.vn/bat-dong-san/nua-dem-van-co-nguoi-dap-cua-hoi-mua-sot-dat-tan-pha-nhieu-khu-vuc-20210329065615154.htm

Bạn đang đọc bài viết "Nửa đêm vẫn có người đập cửa hỏi mua, sốt đất ‘tàn phá’ nhiều khu vực" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.