Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu ngành thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 50-70% do nông dân giảm sử dụng, lượng nhập khẩu cũng giảm đến 66%
Đại gia thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) – Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt 2.200 tỉ đồng, giảm 50%; lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, ngành thuốc BVTV của công ty có doanh thu thuần giảm đến 53% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, đây là mức giảm thấp nhất so với mức giảm chung của các công ty cùng ngành, từ 50%-70%.
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời lý giải 3 nguyên nhân khiến thị trường thuốc BVTV sụt giảm toàn ngành là do: giá nông sản giảm (10%-15%) nên nông dân giảm đầu tư. Tiếp theo, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn, diện tích canh tác vụ hè thu giảm và cuối cùng là năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, ít dịch bệnh sâu hại nên lượng tiêu thụ thuốc BVTV giảm.
Từ đầu năm đến nay, nông dân đã giảm mạnh lượng thuốc BVTV sử dụng
Trong khi đó, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 30.000 tấn thuốc BVTV, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019. Các loại thuốc BVTV gồm: thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ tuyến trùng, thuốc bảo quản, khử trùng, thuốc trừ cỏ…, riêng thuốc trừ cỏ chiếm khoảng 30%; các thuốc bảo quản nông sản, khử trùng, tức là không sử dụng ra đồng ruộng chiếm khoảng 20%.
Ngành nông nghiệp Việt Nam không sử dụng toàn bộ thuốc BVTV nhập khẩu trên mà còn gia công, chế biến và xuất khẩu thuốc BVTV đến 50 nước, lượng thuốc BVTV xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 6.000 tấn.
Nông dân giảm xài thuốc BVTV khiến doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trong ngành giảm sút nhưng là tin tốt cho nông sản Việt Nam vì giảm bớt mối nguy tồn dư thuốc BVTV, an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Bán hàng không công nợ
Theo Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, trong quý I, công ty dành toàn bộ thời gian để thu hồi công nợ của ngành BVTV, tái cấu trúc hệ thống phân phối bằng các tiêu chí xếp hạng tín dụng của ngân hàng và theo khu vực với mục đích tối ưu hóa nguồn lực và tiết giảm chi phí logistics, cũng như bắt đầu áp dụng mô hình bán hàng không công nợ. Từ quý II, mô hình bán hàng không công nợ đã bắt đầu được hệ thống phân phối chấp nhận. Chính sách này đã khiến chi phí lãi vay giảm đáng kể, không phát sinh thêm nợ xấu và các chỉ số tài chính an toàn hơn.