Trước tết Nguyên Đán đến nay trên địa bàn xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa (Phú Yên) nổi lên tình trạng mua bán thu gom đất lúa.
Bao nhiêu đất lúa cũng mua
Những ngày tháng 3 này, chúng tôi về xã Hòa Trị đi đến đâu cũng nghe người dân xì xào về việc mua bán đất lúa. Những hình ảnh thông báo giao dịch sang nhượng đất đai nông nghiệp kèm theo số điện thoại cũng dễ dàng bắt gặp trên địa bàn xã này.
Theo người dân ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, việc mua gom đất lúa trên địa bàn xảy ra từ trước tết Nguyên Đán đến nay, lúc đầu người mua thu gom với giá chỉ từ 120-130 triệu/sào (500m2), sau đó được đẩy lên 130-140 triệu/sào.
Bà Dương Thị Thâm ở thôn Phước Khánh cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, một số người bà biết đã bán đất lúa và nhận tiền rồi. Đối với đất lúa gần đường QL 25 hiện được đẩy lên 150 triệu đồng/sào nhưng nhiều người vẫn chưa bán.
Trong số người bán đất lúa có bà Huỳnh Thị Lân, người cùng thôn bà Thâm. Bà nói:" Người ta cứ đồn nhau đã bán ruộng rồi nên ai cũng lật đật bán theo, nhưng cũng không rõ họ đã bán chưa. Nhưng giờ nghe nói ai cũng bán hết rồi. Và tôi cũng bán hơn 1 sào ruộng với giá 125 triệu đồng”.
Cũng theo người dân ở xã Hòa Trị, việc giao dịch đất lúa diễn ra dễ dàng, thủ tục mua bán đều viết giấy tay và nhận tiền tươi. Người mua còn cho rằng “bao nhiêu đất lúa cũng mua hết”. Đặc biệt đối với những ruộng cần mua mà người dân lưỡng lự không muốn bán, thì người mua sẵn sàng để lại số điện thoại để người dân cần bán sẽ liên hệ.
Theo số điện thoại mà người mua để lại cho người dân, trong vai người bán đất lúa ở xã Hòa Trị, chúng tôi liên lạc với người tên Trung. Ông này cho biết, ông sẽ mua gom đất lúa với giá 130 - 140 triệu/sào tùy vị trí và mọi thủ tục giấy tờ đều lo hết. Người bán đất lúa chỉ cần đưa chứng minh thư và ký sau đó sẽ nhận tiền ngay.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát đến từng thửa đất trồng lúa, để thực hiện đăng ký đất đai theo quy định; tổ chức quản lý, cho thuê quỹ đất công ích đảm bảo công khai, minh bạch, dùng đối tượng; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hán chế bỏ hoang hóa, bị lấn chiếm.
Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, đơn vị và hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất lúa đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Cũng như thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai nói chung và chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.
UBND huyện Phú Hòa còn lưu ý các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng, kịp thời vẫn chặn không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trái pháp luật. Cũng như tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và các chính sách liên quan đến việc sử dụng đất trồng lúa. Hướng dẫn, rà soát, tổng hợp các công trình, dự án có sử dụng đất lúa tại địa phương mình quản lý để đăng ký danh mục trình phê duyệt chuyển mục đích đảm bảo đúng quy định.
UBND huyện Phú Hòa đề nghị UBND các xã, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình, tổng hợp và báo cáo UBND huyện biết để có hướng chỉ đạo xử lý việc nhận chuyển nhượng, thu gom đất lúa trong nhân dân nhằm đón đầu các dự án và quy hoạch sử dụng đất của huyện, tỉnh. Đồng thời có kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các quyền của người sử dụng đất (chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho...) đúng theo trình tự thủ tục được pháp luật quy định nhằm tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất.
Theo KS/Nông Nghiệp
https://nongnghiep.vn/no-ro-dau-co-thu-gom-dat-lua-d287234.html