Chủ tịch UBND phường Ninh Hiệp khẳng định khu đất tại tổ dân phố 2 (lấy đất của dân) đang cho thuê bán bông, nhưng cho thuê đất công này không hề đấu giá và tiền thu về vào túi “ông” nào thì không biết, cần kiểm tra lại.
Thời gian vừa qua, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà xảy ra nhiều vụ liên quan đến việc khiếu kiện, khiếu nại về đất đai. Trước đó, Tài chính Doanh nghiệp cũng đăng tải 2 bài viết “Ninh Hoà, Khánh Hoà: Ai làm giả hồ sơ, “bùa phép” giấy tờ của dân?”; “Phòng TNMT thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà thừa nhận giả mạo hồ sơ, chữ ký của dân” liên quan đến những vụ việc có liên quan đất đai. Hiện vụ việc này đang được Thanh tra thị xã Ninh Hoà và Công an tỉnh Khánh Hoà vào cuộc điều tra, xử lý sai phạm.
Công tác thu hồi đất, bồi thường đất tại thị xã Ninh Hoà đang có nhiều bất cập. Điển hình là vụ việc tại khu đất tổ dân phố 2, phường Ninh Hiệp của bà Nguyễn Thị Hiệp đứng tên. Bà Hiệp đã nhiều năm khiếu nại về công tác thu hồi, bồi thường không đúng… nhưng thị xã Ninh Hoà vẫn không giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, năm 2002, bà Nguyễn Thị Hiệp nhờ chị gái tên Nguyễn Thị Trị đứng tên để mua 3 lô đất tại bao gồm: lô 1 thửa 438 tờ bản đồ số 41 có diện tích 257 m2; lô 2 thửa 195 tờ bản đồ số 3 có diện tích 360 m2; lô 3 thửa 196 tờ bản đồ số 32 có diện tích 1058 m2. Thời điểm này, hai bên mua bán bằng giấy tay. Cả ba lô đất này do ông Trần Chan và Trương Thị Nhì bán. Trong đó, lô đất 360 m2 và 1058 m2 nằm chung một sổ đỏ, đứng tên Trương Thị Nhì và Trần Chan.
Năm 2006, bà Nguyễn Thị Trị chuyển lại hai lô đất có diện tích 360 m2 và 1058 m2 sang cho bà Nguyễn Thị Hiệp. Sau đó, bà Hiệp ra sổ lô 1058 m2 đứng tên bà Nguyễn Thị Hiệp. Còn lô 2 thửa 195 tờ bản đồ số 3 có diện tích 360 m2 có một phần nằm trong quy hoạch để xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình đường Bắc Nam qua thị xã Ninh Hoà nên không chuyển sổ đỏ. Sau đó, bà Hiệp uỷ quyền cho bà Trị (uỷ quyền bằng giấy tay) giải quyết vấn đề liên quan đến khiếu kiện, khiếu nại tại lô đất này. Bởi bà Hiệp học vấn thấp (lớp 5) nên ít hiểu luật.
Năm 2008, lô 1 thửa 438 tờ bản đồ số 41 có diện tích 257 m2 được làm ra sổ đỏ và sau đó sang tên cho Nguyễn Thị Thạch Trúc. Năm 2009, UBND huyện Ninh Hoà ra quyết định 1151 thu hồi đất để xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình đường Bắc Nam qua huyện Ninh Hoà. Lô đất 360 m2 của bà Nguyễn Thị Hiệp bị thu hồi mất 26,4 m2. Phần đất còn lại là 333,6 m2 có hơn hai mươi mét mặt đường quốc lộ 1A.
Đến ngày 26/6/2011, tự nhiên UBND thị xã Ninh Hoà lại ra thông báo thu hồi phần đất 333,6 m2. Lý do để thu hồi là giao cho phường Ninh Hiệp quản lý. Lúc này bà Trị không đồng ý, nên đã khiếu nại lên các cấp. Tuy nhiên, UBND thị xã Ninh Hoà không giải quyết. Ngoài ra, tiền đền bù, thu hồi khu đất này hiện do ai nắm giữ, về túi ai… ngay cả chủ đất là bà Nguyễn Thị Hiệp cũng không biết!?.
|
Sau đó, mặc cho người dân khiếu nại, năm 2015 phường Ninh Hiệp cho xây dựng trụ sở tổ dân phố 2 trên phần đất đang tranh chấp này. Ngoài ra, phần đất còn lại (khoảng 200 m2) đã được đem cho người dân khác thuê bán hoa, cây cảnh. Bà Hiệp cho biết: “Họ thấy đất mặt tiền đường (vị trí đắc địa) nhiều người hỏi mua, tôi không bán nên tự ý thu hồi đất trái luật rồi để đó. Khi chúng tôi phản ứng việc thu hồi sai trái này, phường Ninh Hiệp đã “hợp thức hoá” cho xây dựng trụ sở tổ dân phố 2. Đất của dân, muốn thu hồi phải đúng pháp luật chứ không phải thu hồi rồi để đó, cho thuê. Tôi nhiều lần yêu cầu trả lại đất, nhưng đến nay thị xã Ninh Hoà vẫn né tránh và cố làm sai thêm”.
Điều lạ lùng, việc thu hồi không phải dùng để xây dựng công trình công cộng, không vì lợi ích quốc gia, không vì lợi ích cộng đồng mà vì lợi ích của một vài cá nhân (bằng chứng là cho thuê bán hoa nhưng tiền cho thuê không nộp về ngân sách). Như vậy, đó là quyết định thu hồi trái pháp luật.
Một lãnh đạo Văn phòng thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, Nhà nước thu hồi đất phải có dự án chứ không phải “thích là thu hồi”. Để giải quyết vụ việc, theo cán bộ này phải hủy quyết định thu hồi đó và trả đất lại cho dân. Nếu đã đền bù thì dân trả lại tiền đền bù cho nhà nước |
Liên quan đến việc này, PV Tài chính Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lanh, Chủ tịch UBND phường Ninh Hiệp liên quan đến khu đất của dân bị cho rằng thu hồi đất không hợp lý, gây bức xúc dư luận. Ông Lanh cho biết: “Việc thu hồi này do UBND thị xã Ninh Hoà làm. Bản thân ông mới nhận chức Chủ tịch UBND phường Ninh Hiệp nên chưa nắm rõ mọi việc”.
Liên quan đến việc cho thuê bán hoa, cây cảnh tại vị trí lô đất đang tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Hiệp và UBND thị xã Ninh Hoà trên, Chủ tịch UBND phường Ninh Hiệp khẳng định có biết việc cho người dân thuê tại vị trí đó. “Khu đất này được cho thuê (không thông qua đấu giá), không biết bao nhiều tiền một tháng, năm; hợp đồng cho thuê ra sao tôi cũng không biết. Việc khoản tiền cho thuê khu đất trên dùng vào đâu, vào túi “ông” nào tôi cũng không rõ. Để tôi cho người kiểm tra lại và trả lời sau”, ông Nguyễn Văn Lanh khẳng định.
Như vậy nhiều năm nay, khu đất đang tranh chấp giữa người dân và UBND thị xã Ninh Hoà trên cho thuê trái quy định pháp luật. Tiền thuê đất cũng không hề nộp vào ngân sách nhà nước. Trách nhiệm của UBND phường Ninh Hiệp ở đâu khi để thất thu tiền thuế, ngân sách nhà nước?
Liên quan đến khuất tất trong việc thu hồi 333,6 m2 đất của bà Nguyễn Thị Hiệp, PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ ông Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc trung tâm Trung tâm phát triển Quỹ đất thị xã Ninh Hoà để tìm hiểu vụ việc. Ông Liêm tiếp nhận thông tin và cho biết những vấn đề PV tìm hiểu bản thân ông có thể trả lời ngay nhưng lại từ chối trả lời và đề nghị PV chờ ông xin chỉ đạo của lãnh đạo UBND thị xã.
Sau cuộc điện thoại với một lãnh đạo UBND thị xã, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất cho biết: “Lãnh đạo không cho trả lời”. Khi PV hỏi lãnh đạo là ai thì ông Liêm cho biết là “chị Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban”. Theo thông tin, UBND thị xã Ninh Hòa có bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND thị xã.
Tại buổi làm việc, PV đã liên hệ qua điện thoại với Chủ tịch UBND thị xã để phản ánh về vấn đề. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại (mở loa ngoài để ông Liêm cùng nghe), Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho phép Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất nên cung cấp thông tin theo đúng quy định của pháp luật. Mặc dù được người phát ngôn – Chủ tịch UBND thị xã đồng ý cho cung cấp thông tin, thế nhưng, ông Liêm vẫn “không thể” cung cấp thông tin.
PV tiếp tục đến phòng làm việc của Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa để cung cấp thông tin vụ việc nhưng một nhân viên văn phòng chặn lại không cho vào. Ngay sau đó, ông Trần Thiện Phú Cường – Chánh Văn phòng UBND đề nghị PV đến phòng làm việc của ông. Tại đây, ông Cường cho biết: “Chủ tịch đang bận tiếp khách nên không thể tiếp PV”.
Đối với thông tin PV cần Trung tâm phát triển quỹ đất trả lời, ông Cường đề nghị chờ ông liên hệ với lãnh đạo UBND thị xã và sẽ thông tin sau. Sau đó, PV tiếp tục liên hệ UBND thị xã Ninh Hòa để đề nghị cung cấp thông tin thì ông Trần Thiện Phú Cường yêu cầu PV “gửi công văn và Ủy ban sẽ trả lời”. PV hỏi “vậy thẻ nhà báo, giấy giới thiệu để làm gì?” thì ông Cường im lặng, bỏ đi.
Trước đó, như Tài chính Doanh nghiệp đã phản ánh, tại thị xã Ninh Hòa tồn tại quá nhiều bất cập liên quan đến vấn đề đất đai. Để có thông tin hai chiều, khách quan, PV đã liên hệ người phát ngôn là Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa để đề nghị cung cấp thông tin liên quan. Tuy nhiên, vì có quá nhiều phản ánh của dân nên trong 1 tháng (theo quy định của Luật Báo chí), UBND thị xã khó lòng xử lý rốt ráo thông tin phản hồi. Bên cạnh đó, để làm rõ vấn đề cần phải có sự trao đổi trực tiếp giữa chính quyền địa phương và báo chí.
Để thông tin được chính xác, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã đề nghị PV liên hệ các cơ quan đơn vị có liên quan để xác minh thông tin. Và để thể hiện trách nhiệm đối với thông tin, UBND thị xã Ninh Hòa đã phát hành văn bản số 3584/UBND gửi các cơ quan đơn vị trực thuộc đề nghị cung cấp thông tin theo đúng quy định pháp luật.
Như vậy, vì sao lãnh đạo cấp dưới ở UBND thị xã Ninh Hòa lại cản trở báo chí tác nghiệp? Vì sao các vấn đề khác thì Chánh Văn phòng UBND thị xã Ninh Hòa ông Trần Thiện Phú Cường luôn tạo điều kiện hỗ trợ thông tin nhưng tới các vấn đề liên quan đến đền bù thì ông này và cả lãnh đạo cấp trên lại cản trở? Phải chăng việc có người nhận thay tiền đền bù của dân là đúng? Phải chăng phản ánh “ngang nhiên dùng quyết định hành chính trái luật để thu hồi đất mặt tiền đường của dân” là đúng?
Và việc cản trở cung cấp thông tin của những người là lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa khiến công luận không khỏi nghi ngờ có hay không nhóm lợi ích trong những vấn đề này? Phải chăng có hiện tượng trên bảo dưới không nghe ngay tại UBND thị xã Ninh Hoà?
Như vậy, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa sẽ xử lý như thế nào để bảo đảm hài hòa quyền lợi của dân và Nhà nước? Có truy thu những khoản tiền cho thuê mặt bằng đang bị chiếm dụng cho đến hiện tại? Và tiền đó nộp về ngân sách hay trả lại cho dân? Và có thể khẳng định, quyết định thu hồi 333,6m2 của nguyên lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa “không thuộc bất cứ trường hợp nào để nhà nước thu hồi đất” theo Luật Đất đai.
Điều 38, Luật Đất đai 2003 quy định. Các trường hợp thu hồi đất
Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: 1. Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; 2. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; 3. Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả; 4. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; 5. Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; 6. Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp sau đây: a) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; b) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm; 7. Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; 8. Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; 9. Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước; 10. Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn; 11. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn tháng liền; 12. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép. Điều 39. Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng 1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. 2. Trước khi thu hồi đất, chậm nhất là chín mươi ngày đối với đất nông nghiệp và một trăm tám mươi ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. 3. Sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, được công bố công khai, có hiệu lực thi hành, người bị thu hồi đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất. Trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại. Điều 40. Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế 1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này. 2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất. |
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.