Nhu cầu sử dụng hàng hiệu ngày càng lớn tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua về các sản phẩm chính hãng, do đó, hàng giả ngày càng có cơ hội phát triển. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự bánh trướng của ngành công nghiệp hàng giả chính là các thương hiệu nổi tiếng.
Thời gian qua, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, “sao chép” hình thức, kiểu dáng, mẫu mã…của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu gia tăng và phổ biến trên thị trường. Hàng hóa giả của thương hiệu uy tín, nổi tiếng vẫn tràn lan trên thị trường, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng.
Polo Ralph Lauren
Những chàng trai có gu ăn mặc trẻ trung, sành điệu chắc chắn sẽ có trong tủ đồ của một và chiếc áo của Ralph Lauren. Bởi sự nổi tiếng và phổ biến của thương hiệu này mà nó trở thành sản phẩm thời trang nam bị làm giả nhiều nhất trên thế giới.
Những chiếc áo Ralph Lauren có giá thành tương đối cao, thiết kế lại vô cùng tối giản nên dễ dàng bị sao chép. Công ty nay dường như trở nên bất lực bởi phạm vi hàng hóa của họ bị làm giả và buôn bán quá lớn, hầu hết có mặt tại tất cả quốc gia trên thế giới.
Ray-Ban
Hình ảnh kính mắt Ray-Ban nổi bật cùng các ngôi sao điện ảnh xuất hiện trong hàng trăm bộ phim bom tấn như “The Blues Brothers”, “Top Gun”, “Men in Black”… đã nâng tầm giá trị của hãng thời trang này.
Dù trên thị trường có hàng trăm nghìn những dòng sản phẩm khác nhau đến từ những thương hiệu thời trang đẳng cấp, thế nhưng Ray-Ban mới là chiếc kính mà bất cứ bạn trẻ nào cũng mong muốn sở hữu. Sức hấp dẫn của nó không những đến từ chất lượng mà còn mang lại cho người dùng một phong cách vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên giá thành lại cả là một vấn đề.
Những kẻ làm hàng nhái đã giải quyết vấn đề kinh tế cho khách hàng bằng việc tạo ra những chiếc kính Ray-Ban từ fake 1 lên tới giống thật 99%. Từ đó, Ray-Ban trở thành thương hiệu kính bị làm giả nhiều nhất thế giới.
Ugg
Những chiếc bốt lông cừu của thương hiệu Australia Ugg đặc biệt phổ biến ở phương Tây. Đồng thời nó cũng là chiếc cần câu cơm giá trị của nhưng kẻ chuyên làm hàng giả.
Từ năm 2007, đã có khoảng 2,5 triệu đôi bốt Ugg kém chất lượng bị tịch thu tại Mỹ. Giày dép là sản phẩm bị làm nhái nhiều nhất trên thế giới với 27.119 lô hàng bị phát hiện vào năm 2013.
MAC
MAC - một trong những thương hiệu mỹ phẩm rất nổi tiếng và đã tạo ra “huyền thoại” có một không hai trên thế giới. Son MAC vẫn luôn làm thổn thức trái tim biết bao nhiêu cô gái bởi sự đẳng cấp với kiểu dáng thiết kế cực kỳ ấn tượng, mang dáng dấp của hình viên đạn. Tuy nhiên, thị trường hiện nay, son MAC được bày bán nhiều với đủ loại sản phẩm thật giả lẫn lộn.
MAC Cosmetics là thương hiệu mỹ phẩm bị làm giả nhiều nhất thế giới. Năm 2015, một phụ nữ Mỹ đã bị buộc phải trả cho MAC 1 triệu USD vì bán số mỹ phẩm nhái thương hiệu này trị giá 1 triệu USD. Mỹ phẩm nhái có thể chứa bất cứ thứ gì từ xyanua, chì cho tới thuỷ ngân, vì vậy đây là những thứ vô cùng nguy hiểm.
Chanel
Chanel được xem là một trong những thương hiệu thời trang có tiếng toàn cầu. Chấp nhận bỏ ra một số tiền đắt đỏ nhưng nhiều người vẫn chưa biết được liệu rằng mình có đang xài đồ chính hãng hay không.
Sản phẩm Chanel thường xuyên bị các đối tượng làm nhái nhắm tới. Hãng này từng kiện 24 nhà cung cấp trên Amazon vì bán túi Chanel giả. Từ tháng 10/2017 tới tháng 1/2018, đã có hơn 457.056 chai nước hoa giả, trong đó có nhiều chai mang nhãn Chanel bị phát hiện và tịch thu tại Mỹ.
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), giao dịch hàng nhái trên thế giới trị giá tới 462 tỷ USD một năm và dự báo sẽ tăng lên 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Hân Lê - Theo Sở hữu trí tuệ