Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp tên tuổi như May Việt Tiến, Vinasun, Vietnam Airlines, FLC… lần đầu rơi vào thua lỗ kể từ khi lên sàn.
Hàng không và du lịch được coi là hai trong nhiều ngành phải chịu tổn thất nặng nề vì COVID-19. Do đó, không có gì khó hiểu khi doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này báo lỗ.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) là một trong những “ông lớn” chịu ảnh hưởng nặng nề khi báo lỗ ròng hơn 2589 tỷ đồng trong quý I/2020. Theo báo cáo tài chính đã công bố, đây là quý lỗ đầu tiên kể từ 2008, năm Vietnam Airlines lên sàn với mã HVN.
Nguyên nhân lỗ do doanh thu trong quý Vietnam Airlines giảm mạnh, chỉ đạt 18.800 tỷ đồng so với 25.000 tỷ đồng cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không giảm từ 20.700 tỷ xuống 14.400 tỷ đồng – mức doanh thu hàng quý thấp nhất của hãng hàng không này trong nhiều năm trở lại.
Dịch bệnh không chỉ đẩy Vietnam Airlines vào thua lỗ, trong báo cáo kiểm toán mới công bố, HVN còn cho biết khả năng hoạt động liên tục phụ thuộc vào hỗ trợ của Chính phủ và gia hạn các khoản vay. Hiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HVN âm đến hơn 3.800 tỷ đồng.
FLC Group (mã FLC) – doanh nghiệp đang nắm 52,1% cổ phần của hãng hàng không Bamboo Airways – cũng báo lỗ trước thuế 1.887 tỷ đồng trong quý vừa qua, công ty mẹ lỗ 1.172 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 8 năm, FLC báo lỗ quý. Ngoài ra, lượng tiền mặt của FLC chỉ còn ghi nhận hơn 48,5 tỷ đồng giảm mạnh so với con số gần 633 tỷ đồng hồi đầu năm.
FLC cho hay thua lỗ xuất phát từ việc kết quả kinh doanh các mảng du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng, bất động sản… bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) mới đây cũng công bố kết quả quý I với doanh thu thuần giảm 51%, xuống còn 774 tỷ đồng và lỗ ròng gần 72 tỷ đồng do chịu ảnh hưởng lớn từ tác động kép của Nghị định 100 về sử dụng rượu bia và đại dịch COVID-19.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Habeco hiện âm hơn 1.000 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền giảm mạnh xuống còn 427 tỉ đồng.
Tương tự Habeco, Vietnam Airlines, Tập đoàn Thiên Long (mã TLG) ghi nhận doanh thu chỉ 468,5 tỷ đồng, giảm hơn 19% so cùng kỳ 2019. Lợi nhuận gộp theo đó sụt giảm đến 30% xuống còn 135,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm giảm từ 387 tỷ về 293 tỷ, doanh thu bán hàng hóa cũng giảm 10% về hơn 175 tỷ đồng. Kết quả, TLG lỗ ròng gần 20 tỷ đồng – quý kinh doanh lỗ đầu tiên kể từ năm 2010.
Theo giải trình của TLG, do dịch diễn biến phức tạp, tình hình hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng. Tại thị trường trong nước và quốc tế, do các trường học đóng cửa trong thời gian dài và giãn cách xã hội diễn ra ở nhiều nơi, nên việc tiêu thụ sản phẩm đã chậm lại đáng kể.
Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (mã VGG) cũng vừa có lần đầu báo lỗ quý 22 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong kỳ của VGG giảm 14,5%, chỉ đạt 1.475 tỷ đồng. Trong kỳ mặc dù ghi nhận 12,6 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 61,5% so với cùng kỳ song do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng cao và chịu lỗ 6 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết khiến May Việt Tiến rơi vào thua lỗ.
Dịch bệnh bùng phát, giao thông đình trệ khiến Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Đây cũng là quý kinh doanh thua lỗ đầu tiên của VNS kể từ năm 2008.
Nguyên nhân do dịch COVID-19 khiến việc vận chuyển hành khách dừng hoạt động. Doanh thu bị ảnh hưởng trong khi các chi phí vẫn phát sinh.
Hòa Bình - Theo VTC