Vướng nhiều tai tiếng vì buôn lậu
Ngày 17/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất điều tra vụ nhóm tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airline xách hơn 10 kg thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay VN10 từ Pháp về Việt Nam.
Theo thông tin ban đầu, chuyến bay VN10 chặng bay CDG-SGN hạ cánh lúc 8h10 ngày 16/3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Qua kiểm tra hành lý 4 nữ tiếp viên tên T., Q., V., N., lực lượng chức năng phát hiện hơn 10 kg ma túy được chứa trong các hộp kem đánh răng.
Vụ việc sau đó được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất báo cho Công an TP.HCM. Các đơn vị đang phối hợp lấy lời khai các nữ tiếp viên để mở rộng điều tra.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên nhân viên Vietnam Airlines liên quan đến buôn lậu mà khoảng 15 năm trở lại đây, nhân sự của Vietnam Airlines liên tiếp dính vào những vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.
Cụ thể, ngày 3/1/2020, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) cũng phát hiện trong hành lý của bà N.T.T.H. - tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines chứa 130 cây thuốc lá hiệu Marlboro, trị giá khoảng 920.000 đồng/cây và 48 chai dầu xoa bóp. Tổng giá trị lô hàng khoảng 200 triệu đồng.
Qua điều tra, Công an quận Tân Bình xác định lô hàng trên có nguồn gốc từ Nhật Bản nhập cảnh vào sân bay quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay số hiệu VN139 của Vietnam Airlines. Khi tiếp viên H. đưa lô hàng vào TP.HCM thì bị công an bắt giữ.
Đầu năm 2019, Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện cơ trưởng của Vietnam Airlines đang giao dịch lô hàng chứa 120 chai nước hoa nhãn hiệu ngoại và 3 điện thoại di động cho một người đàn ông tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.
Cơ trưởng khai nhận mua số hàng trên tại khu vực miễn thuế ở một sân bay của Pháp với giá 3.047 euro, vận chuyển về Việt Nam trên chuyến bay của mình và dự định bán lại với giá hơn 4.000 euro.
Tháng 3/2016, trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Busan (Hàn Quốc), cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị phát hiện mang theo 6 kg vàng nhưng không khai báo.
Hải quan tại sân bay Gimhae, Busan, Hàn Quốc đã phát hiện số vàng trên được 2 người giấu trong đế giày (tiếp viên 2 kg, cơ trưởng 4 kg).
Theo phán quyết của tòa án thành phố Busan, Dũng và Phong đã bị tuyên án tù treo và được chuyển giao cho bộ phận quản lý xuất nhập cảnh đưa về Việt Nam vào ngày 5/6/2016.
Tháng 3/2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ gần 20 ngày do nghi ngờ vận chuyển 21 chiếc áo jacket là hàng ăn cắp trị giá 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng).
Đài NHK của Nhật Bản ngày 27/3/2014 cho biết Ngọc đã khai nhận được một phụ nữ 30 tuổi (người Việt) sống tại Nhật Bản thuê vận chuyển số hàng trên về Việt Nam. Nữ tiếp viên không biết đó là đồ ăn cắp.
Ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, khi trả lời phỏng vấn trên đài NHK đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc trên.
Cuối tháng 9/2013, Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện tiếp viên phó Bùi Ngọc Tuấn vận chuyển trái phép 50 điện thoại iPhone 5S nguyên hộp trên chuyến bay VN106 của Vietnam Airlines từ Paris về Nội Bài.
Năm 2011, VNA tiếp tục xảy ra lùm xùm khi tiếp viên Thái Anh Tiến bị khởi tố do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ Australia về TP.HCM.
Trước đó, tháng 6/2010, cơ quan chức năng Australia bắt giữ 7 tiếp viên của Vietnam Airlines để điều tra nghi vấn vận chuyển một số đồ điện tử từ nước này về Việt Nam.
2008 là năm tai tiếng nhất của VNA khi liên tiếp xảy ra 2 vụ việc liên quan đến nhân sự của hãng. Phi công Lại Quốc Việt bị bắt giữ tại Australia với cáo buộc 18 lần vận chuyển trái phép số tiền mặt tổng cộng 3,7 triệu AusD (3,4 triệu USD) từ nước này về Việt Nam.
Đến cuối năm, cơ phó Vietnam Airlines Đặng Xuân Hợp bị hải quan Nhật Bản bắt giữ do liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật Bản về Việt Nam. Phi công Hợp sau đó bị tòa án quận Saitama tuyên phạt 30 tháng tù treo kèm mức phạt 500.000 yen.
Sau mỗi hành vi sai trái của các phi công, tiếp viên, lãnh đạo Vietnam Airlines đều khẳng định không dung túng và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của hãng. Vào năm 2014, Tổng giám đốc VNA thậm chí đã yêu cầu tất cả tổ bay khi thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến bay ra nước ngoài không được sử dụng vali to. Tuy nhiên, những vụ việc tương tự vẫn tái diễn.
Đứng trước nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu
Vào cuối tháng 2/2023, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.
Theo HoSE, báo cáo hợp nhất quý 4/2022 của HVN ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là âm 10.452,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 là âm 34.199 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199,2 tỷ đồng.
Căn cứ quy định Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 như sau "Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
"Khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm", Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM lưu ý.
Đã nhiều lần Vietnam Airlines - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) lên kế hoạch kinh doanh và lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát tránh án hủy niêm yết cổ phiếu nhưng tình hình vẫn không được cải thiện trong quý 4/2022 vừa qua.
Bị xử phạt 170 triệu đồng vì nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Vào cuối tháng 7/2022, Vietnam Airlines cũng đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt 170 triệu đồng do vướng nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo Quyết định số 491/QĐ-XPVPHC, Vietnam Airlines công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) các tài liệu: Báo cáo thường niên năm 2020, báo cáo tài chính quý I/2022, thông tin về việc thoái vốn tại Hãng Hàng không Cambodia Angkor Air từ công ty liên kết thành không còn là công ty liên kết.
Hãng bay bị phạt tiền 50 triệu đồng theo quy định điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn bị phạt tiền 100 triệu đồng quy định tại điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020 (Nghị định số 128/2021) do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Nhiệm kỳ 2021-2025, hãng hàng không này chỉ có 7 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó chỉ có 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
UBCKNN cũng phạt tiền 20 triệu đồng với Vietnam Airlines theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021 do công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Trong Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, Vietnam Airlines chưa thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Ban Tổng Giám đốc. Tổng cộng, Vietnam Airlines bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là 170 triệu đồng.
Khách tố "cắt" suất ghế thương gia
Trước đó, ngày 30/4/2021, một email được gửi tới nhiều địa chỉ của các cơ quan truyền thông báo chí cũng như nhiều bộ phận chức năng của Vietnam Airlines phản ánh việc hành khách đã trả tiền đặt vé nâng lên hạng thương gia của Vietnam Airlines, nhưng sau đó hãng chuyển chỗ hạng thương gia cho hành khách khác, cụ thể là để nhường cho lãnh đạo một công ty thành viên của hãng.
Theo đó, hành khách T.V.T, là hành khách đã mua vé máy bay trên chuyến bay số hiệu VN213 ngày 27.04.2021, với mã đặt chỗ VZYVXE, qua hệ thống thanh toán của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Ngày 26/4, ông T.V.T đã thực hiện việc nâng hạng thương gia qua đối tác chính thức của Vietnamairlines là Optiontown, tại địa chỉ www.optiontown.com. Việc nâng hạng đã được xác nhận chính thức thành công qua email xác nhận của bên Optiontown (Optiontown là đối tác của Vietnam Airlines chuyên cung cấp dịch vụ nâng hạng có trả phí trước chuyến bay cho hành khách).
Ngày 27/4, ông T.V.T ra làm thủ tục chuyến bay tại quầy thương gia của Vietnam Airlines do nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) phụ trách tại sân bay quốc tế Nội Bài, thì được nhân viên thông báo là vé của ông T. không thể nâng hạng được vì lý do chuyến bay không còn hạng ghế thương gia.
Sau khi bay đến TP.HCM bằng hạng ghế phổ thông như đặt mua ban đầu, ông T.V.T tìm hiểu về sự việc này và phát hiện trên thực tế chuyến bay không bán quá chỗ hạng thương gia, mà chỗ ngồi hạng thương gia của ông đã được chiếm dụng cho đối tượng khác.