Dự án Vành đai 2
Được phê duyệt từ năm 2007, dự án đường Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa trên quốc lộ 1 dù chỉ có chiều dài khoảng 2,75km nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Dự án có vốn đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái (công ty Văn Phú Bắc Ái) làm nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Đại diện nhà đầu tư từng cho biết, đã sử dụng khoảng 1.400 tỉ đồng để thực hiện dự án.
Do nhiều vướng mắc, đến nay dự án vẫn ngưng trệ, chưa xác định ngày thi công trở lại. Hiện dự án vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng thông tuyến, một số hạng mục đã được xây dựng nhưng bị ngưng trệ nhiều năm nằm trơ trọi, sắt thép hoen gỉ.
Đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành
Dự án đường song hành chạy dọc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (quận 2, TP.HCM) dài 3,4km nối đại lộ Mai Chí Thọ với đường Vành đai 2 vẫn ì ạch sau 3 năm được khởi công xây dựng.
Dự án có tổng chiều dài gần 3,4km được thiết kế mặt đường ngang 20m, 4 làn xe được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 có điểm đầu từ Mai Chí Thọ và điểm cuối là đường Đỗ Xuân Hợp có chiều dài 2,76km. Đoạn 2 có điểm đầu là đường D11 và điểm cuối là đường Vành Đai 2.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 800 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) do Liên danh Công ty CP bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư.
Tuyến đường song hành này mang ý nghĩa rất lớn, không chỉ giúp kết nối giao thông của khu vực mà đây còn được xem như một “lối thoát” của hàng loạt dự án bất động sản dọc theo chân cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Cầu Nam Lý
Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2016, cầu Nam Lý có chiều dài khoảng 450m, do khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư. Cây cầu có vai trò quan trọng khi nằm trên tuyến đường kết nối khu vực phía đông TP.HCM gồm quận 9, quận 2, cao tốc Long Thành – Giầu Dây và xa lộ Hà Nội. Dự án đặt mục tiêu sẽ xây dựng và hoàn thành trong 18 tháng.
Tuy nhiên sau nhiều năm, cây cầu có vốn đầu tư lên đến gần 900 tỉ đồng vẫn nằm đắp chiếu. Theo Ban quản lý dự án, công trình hiện đạt khối lượng khoảng 40%. Lý do dự án ì ạch là bởi chưa tìm được tiếng nói chung với người dân trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án.
Nằm trên cung đường huyết mạch với lưu lượng giao thông lớn, dự án cầu Nam Lý hiện nay như một lô cốt khổng lồ khiến cho việc qua lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là các giờ cao điểm.
Cầu Tăng Long
Cách cầu Nam Lý không xa là cầu Tăng Long cũng đang trong tình trạng tương tự. Cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai có tổng vốn đầu tư 450 tỉ được khởi công từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu, nằm trên đường Lã Xuân Oai. Theo thiết kế, chiều dài tuyến 790 m, chiều dài cầu 231 m, bốn làn xe có lề bộ hành hai bên, đáp ứng 60 km/giờ.
Tuy nhiên, hiện nay cầu Tăng Long cũng chỉ mới xây dựng được một số hạng mục rồi “đứng bánh”. Đền bù giải phóng mặt bằng tiếp tục là nguyên nhân chính khiến cầu Tăng Long không thể đảm bảo đúng tiến độ.