“Tức nước vỡ bờ” cư dân mới phải tập trung đông người, căng băng rôn đỏ rực phản đối sự “thiếu trách nhiệm” của chủ đầu tư (CĐT). Đó là những gì đã và đang diễn ra tại các dự án TNR Goldsilk Complex, TNR Goldmark City, TNR Gold Season và mới đây nhất là TNR Stars do bàn tay của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TNR Holdings tạo nên!
Ông chủ thực sự của các dự án liên quan TNR?
Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (gọi tắt là “TNR Holdings”), Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ TNS Holdings là thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG – TNG Holdings Việt Nam (tiền thân là VID GROUP) thuộc sở hữu của cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MaritimeBank.
Tập đoàn TNG được biết đến là một trong số những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp. Trong giới kinh doanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là doanh nhân nổi tiếng và được biết đến như một bà đỡ cho các khu công nghiệp ở miền Bắc cũng như là một chuyên gia về thu hút đầu tư nước ngoài.
Được biết, thực chất bà Hường đã thôi chức chủ tịch VID Group từ 2014. Đó là việc thay đổi trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp của doanh nhân này để đưa các doanh nghiệp của mình hoạt động dưới mô hình tập đoàn. Bà Hường thôi chức chủ tịch VID để lên làm chủ tịch Tập đoàn TNG.
Đáng chú ý, TNR Holdings là cái tên được nhiều người nhắc đến nhất trong làng bất động sản miền bắc thời gian gần đây khi nhiều dự án do doanh nghiệp này thực hiện liên tục dính vào những vụ lùm xùm với cư dân.
Khách hàng ngậm “trái đắng” với dự án TNR Stars Đồng Văn
Mới đây nhất, giữa cái nóng hơn 40 độ, nhiều hộ dân đã lên tận trụ sở TNR Holdings ở 54 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội để đấu tranh đòi lại quyền lợi của mình tại dự án TNR Stars Đồng Văn.
Khách hàng vây trụ sở TNR Holdings đòi quyền lợi dự án TNR Stars Đồng Văn.
Dự án TNR Stars Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có diện tích 46 ha gồm 66 lô biệt thự và 1570 lô liền kề có giá bán từ 7-12 triệu/m2 (Tổng giá trị từ 500 triệu – 2 tỷ đồng/lô) do Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam (HNC) làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) là đơn vị triển khai dự án.
Dự án từng được quảng cáo như là khu đô thị sinh thái kiểu mẫu mang thương hiệu TNR Holdings Việt Nam, in đậm triết lý phát triển bền vững về nơi an cư đẳng cấp về tiện ích khép kín, đỉnh cao về thiết kế, độc đáo về kiến tạo cảnh quan… Thế nhưng, nay chỉ toàn cỏ dại mọc tùm lum, nơi chôn vùi tiền tỷ của người dân.
Dự án TNR Stars Đồng Văn được bàn giao đất từ năm 2004 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành (Ảnh: Hồng Khanh VietnamNet).
Năm 2004, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thu hồi và bàn giao đất cho Công ty CP Phát triển Hà Nam để xây dựng khu dân cư phục vụ KCN Đồng Văn II (dự án TNR Star Đồng Văn). Từ khi được UBND tỉnh Hà Nam ký quyết định bàn giao đất cho Công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam để xây dựng khu dân cư phục vụ KCN Đồng Văn II cho đến nay đã được khoảng 16 năm nhưng thực tế dự án vẫn chưa được hoàn thành và xảy ra nhiều vấn đề phức tạp.
Để xảy ra cuộc xung đột căng thẳng diễn ra sáng ngày 22/6 bắt nguồn từ 2 lý do.
Khách hàng mua đất tại dự án TNR Star Đồng Văn đã đóng đủ 95% giá trị hợp đồng nhưng nhiều năm nay khách hàng vẫn chưa được bàn giao đất, chưa được xây dựng và chưa được nhận sổ đỏ.
Dự án được CĐT phân lô, bán nền bằng hình thức hợp đồng đặt chỗ ngay từ khi còn đang có tranh chấp giữa chủ dự án cũ và mới.
Một điều nữa khiến người mua nhà bức xúc đó chính là việc CĐT chậm trả lãi suất cam kết đến nay đã 6 tháng. Được biết trước đây, CĐT từng cam kết hỗ trợ mức lãi suất 7% trên toàn bộ số tiền khách hàng đã đóng theo tiến độ hợp đồng kể từ ngày 1/7/2019 cho đến khi đủ điều kiện xây dựng công trình (Riêng đối với các khách hàng không muốn tiếp tục, chủ đầu tư sẽ thực hiện chính sách như đã thống nhất với các khách hàng trước đây. Toàn bộ số tiền gốc và lãi sẽ được hoàn trả trong vòng 60 ngày kể từ ngày khách hàng hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định).
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến giờ, CĐT cứ liên tục hứa suông, tiền lãi vẫn chưa về với túi khách hàng.
Được biết trong số những người dân có mặt tại trụ sở TNR vào sáng nay có nhiều người lặn lội ở các tỉnh xa Hà Nội, trong đó chủ yếu ở Hà Nam – nơi có dự án. Có những trường hợp bán nhà, bán đất, vay ngân hàng mua TNR stars Đồng Văn rồi phải “ngậm đắng” suốt 3 năm nay.
Vì “tức nước vỡ bờ” nên khách hàng mới lên án “tố” TNR Holdings lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của dư dân và đỉnh điểm là kéo nhau tới tận trụ sở chính của CĐT để đòi quyền lợi.
TNR Holdings mở dự án tới đâu, cư dân “xuống đường” phản đối đến đó.
TNR stars Đồng Văn không phải là trường hợp duy nhất có dính dáng tới TNR Holdings.
Trước đó, Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) là một trong những dự án từng được quảng bá rầm rộ do TNR Holdings Việt Nam chịu trách nhiệm phát triển. Dự án được phát triển trên khu đất rộng 113,909 m2 với mật độ xây dựng là 23,3%. Khu căn hộ Goldmark City được phân bổ ở hai khu A và B với chín tòa tháp cao 40 tầng với khoảng 5.000 căn hộ.
Được chủ đầu tư ví như không gian Singapore trong lòng Hà Nội. Thế nhưng, khoảng tháng 8/2019 cư dân dự án này đã phải xuống sân căng băng rôn, xếp ô tô phản đối những bất cập trong chính sách của chủ đầu tư cũng như bức xúc trước việc cắt điện, nước sinh hoạt, với lý do chưa đóng phí dịch vụ.
Họ phản đối việc thiếu minh bạch về quy định phí dịch vụ, các hạng mục của tòa nhà vừa bàn giao đã xuống cấp, vỡ hỏng và hơn trăm hộ dân bị chủ đầu tư dùng “chiêu” giữ sổ hồng không chịu giao lại.
Hành động phản đối chủ đầu tư của cư dân TNR Goldmark City.
Cụ thể, Công ty Việt Hân, BQL tòa nhà đã cho nhân viên gọi điện đến các căn hộ để “đe” cắt điện nước nếu không đóng phí dịch vụ, yêu cầu cư dân phải đóng phí dịch vụ mới được nhận “Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ”.
Nhiều hộ dân không đồng ý đóng phí dịch vụ quá cao, 12.688 đồng/m2 trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng dẫn tới việc ban quản lý toà nhà yêu cầu cắt điện, nước của những hộ dân này.
Trong khi đó, hợp đồng mua bán căn hộ, không có điều khoản nào quy định phải nộp phí dịch vụ mới được nhận sổ hoặc phải nộp phí dịch vụ mới nhận lại được tiền chênh lệch diện tích. Ngoài ra, tại khu đô thị này còn xảy ra việc hầm bể phốt của tòa nhà liên tục bị vỡ chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, mùi bốc lên đến tận tầng 17 khiến cuộc sống bị của cư dân bị đảo lộn.
Ngoài ra, chủ đầu tư từng cam kết lập hàng rào an ninh trước tháng 5/2019 nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Trước đó, vào tháng 9/2017, hàng trăm cư dân của dự án này cũng đã dùng xe để chặn đường ra vào dự án nhằm phản đối chủ đầu tư này áp phí dịch vụ và phí gửi xe quá cao.
Còn về phía cư dân TNR Goldsilk Complex (số 430 Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) họ cũng có những bức xúc không kém.
TNR Goldsilk Complex được chủ đầu tư quảng cáo với hàng loạt lời có cánh như “Không gian châu Âu trong lòng Hà Nội”, “Một biểu tượng mới của Hà Đông”,… Tuy nhiên, khi khách hàng nhận bàn giao căn hộ về ở mới “té ngửa” vì những quảng cáo của CĐT chỉ để… “làm màu”.
Cư dân dự án TNR Goldsilk Complex treo băng rôn để phản đối chủ đầu tư.
Hàng loạt các lỗi hư hỏng trong quá trình xây dựng. Nhiều hạng mục công trình không đảm bảo an toàn về PCCC như lối ra thoát nạn, giải pháp ngăn cháy lan, hệ thống PCCC…chưa đủ điều kiện để cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo quy định. Do đó, cư dân đã nhiều lần có phiếu yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục, nhưng vẫn không được bảo hành, thay thế và sửa chữa.
Cụ thể, thang máy xảy ra hiện tượng thả trôi giữa các tầng và khựng lại đột ngột. Tình trạng thang máy trục trặc thường xuyên như vậy nhưng chủ đầu tư chưa có biện pháp khắc phục để đảm bảo đời sống cho cư dân.
Chưa hết, cư dân TNR Goldsilk Complex còn cho biết tình trạng nước tại đây thường xuyên có vẩn đục, thậm chí có khi thấy cả “sinh vật lạ” được cho là giống giun trong nước từ vòi chảy ra.
Đặc biệt, cư dân không hề mua nước sinh hoạt trực tiếp từ Công ty nước sạch Hà Đông mà phải thông qua CĐT, không giống như những gì CĐT nói trước đây.
TNR Goldsilk Complex liên tục bị trục trặc như thang máy rơi tự do.
Dù cư dân đã gửi đơn đề nghị giải quyết các vướng mắc đang xảy ra tại TNR Goldsilk Complex nhưng vẫn không được giải quyết. Do quá bức xúc, vào tháng 8/2019 cư dân TNR Goldsilk Complex đã căng băng rôn trên các ban công căn hộ của tòa nhà để phản đối chủ đầu tư, yêu cầu đơn vị này trả hạ tầng cho cư dân bên cạnh việc yêu cầu đơn vị quản lý và phát triển dự án TNS Holdings rút lui khỏi dự án này.
Thời điểm giữa tháng 10/2018, dự án này cũng bị Thanh tra Chính phủ “điểm tên” do sai phạm trong định giá tiền sử dụng đất.
Hiện nay, TNR Holding đã và đang triển khai nhiều dự án “siêu khủng” đáng được quan tâm như: TNR Tower Hoàn Kiếm; TNR Tower Láng Hạ (Sky City); TNR Tower Nguyễn Chí Thanh; TNR Tower Nguyễn Công Trứ; TNR Stars Riverside; TNR The GoldView;… Mong rằng, những dự án dưới sự tham gia của TNR Holding sẽ không xảy ra những thị phi như thời gian vừa qua.
Đầu tháng 4/2020, BIDV có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên – chủ đầu tư dự án Kenton Node. Tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá với giá trị tạm tính đến 29/3 hơn 4.000 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (Nhà Bè, TP HCM). Trước khi BIDV rao bán khoản nợ lên đến hơn 4.000 tỷ của chủ đầu tư dự án Kenton Node, dự án này mang đậm dấu ấn của TNR Holdings Việt Nam. |
Với tham vọng “hồi sinh” dự án Kenton Node, TNR Holdings lên kế hoạch maketing bài bản. Việc thay đổi cả tên dự án thành TNR Kenton Node cho thấy doanh nghiệp này đã tham gia rất sâu vào dự án. Thông tin chào bán căn hộ dự án này sau đó cũng được truyền thông rầm rộ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc định giá thiếu thực tế, cùng với yếu tố thị trường không thuận lợi đã khiến dự án này thêm một lần nữa lâm vào khó khăn và đến nay đã bị phát mại.
Sự tham gia của TNR Holdings Việt Nam từng tạo hi vọng dự án TNR Kenton Node sẽ phát triển như ý tưởng ban đầu đề ra là khu phức hợp đẳng cấp sang trọng. Thế nhưng TNR Holdings Việt Nam chấp nhận sự thất bại trong chiến lược kinh doanh của mình thị trường phía nam.
LÊ TUẤN - Theo DOANH NGHIỆP VÀ ĐẦU TƯ