Không ít công trình nhà ở tại TP HCM rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi bỗng dưng mặt tiền bị án ngữ hoàn toàn, gây tranh cãi lớn bởi yếu tố… lịch sử để lại
Căn nhà ở địa chỉ 469 Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP HCM vốn là nhà cấp 4 rộng hơn 760 m2, phía trước tiếp giáp mặt tiền đường. Theo bản vẽ nhà cách lộ giới 4 m nhưng mấy chục năm nay gia đình vẫn không có lối đi riêng và chỉ biết… than trời!
Chuyện thật như đùa
Ông Trần Văn Tâm, chủ căn nhà trên, cho hay công trình được ông bà xây dựng từ trước 1975 và có lối đi rất rộng, đậu một lúc nhiều ôtô. Bãi đất kế bên nhà là kho hàng chứa vật liệu kinh doanh xăng dầu và được chính quyền TP HCM tiếp quản từ 1975. Năm 1978, UBND quận Bình Thạnh sử dụng làm cửa hàng kinh doanh hải sản. Sau đó, chuyển giao cho một công ty xăng dầu sử dụng và kinh doanh đến nay.
Theo ông Tâm, kể từ khi tiếp quản, đơn vị kinh doanh xăng dầu đã lấy phần đất là lối đi của nhà ông để làm cây xăng. Xe máy và các thành viên trong gia đình ông Tâm muốn vào nhà thì phải “chui” vào giữa các trụ bơm xăng.
Mở cửa ra ngửi thấy mùi xăng. Cửa chính đâm thẳng ra trụ bơm. Kế nhà là hầm chứa xăng và khách đến chơi cũng lo lắng để xe có bị cháy nổ hay không. Thời gian dài sống trong cảnh lo âu không biết khi nào xảy ra sự cố cháy nổ” – ông Tâm than thở và nói thưa kiện kéo dài vẫn chưa ngã ngũ.
Tréo ngoe không kém trường hợp trên là khu đất nằm trong hẻm 67 đường Nguyễn Quý Yêm, phường An Lạc, quận Bình Tân. Suốt 2 năm qua, UBND phường loay hoay vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
Bà Hồ Thị Thanh Thảo sau khi được cấp giấy phép xây dựng đã khởi công xây nhà. Tuy nhiên, việc xây nhà của bà Thảo gặp sự phản ứng quyết liệt của bà Đoàn Thị Hồng Diễm, hàng xóm. Bởi nếu công trình nhà bà Thảo xây xong thì lối đi bên hông nhà bà Diễm sẽ bị chắn mất; còn nếu nhà bà Diễm mở cửa phía sau nhà để đi lại thì sẽ đi trên phần đất của bà Thảo. “Chính vì điều này khiến cả hai mâu thuẫn và không tìm được tiếng nói chung. Chính quyền địa phương đã nhiều lần hòa giải nhưng không được” – đại diện UBND phường An Lạc thông tin.
Theo bà Diễm, công trình gia đình bà được xây dựng từ trước và cấp phép trổ cửa nhưng hàng xóm đã xây dựng lấn chiếm vỉa hè công cộng khiến lối đi nhà bà không thể ra vào được. Ngược lại, bà Thảo bức xúc cho rằng vụ việc kéo dài khiến gia đình gần như không thể nào xây dựng công trình được. “Việc xây dựng kéo dài gần 2 năm, nhiều rắc rối mà bản thân không có lỗi. Thật là khó hiểu” – bà Thảo bức xúc.
Lỗi tại… lịch sử!
Trước sự tranh chấp trên, UBND quận Bình Tân cho hay đã nhận báo cáo từ UBND phường An Lạc. Qua biên bản xác minh từ Thanh tra Sở Xây dựng, việc trổ cửa phía sau nhà của bà Diễm là không đúng với giấy phép xây dựng chứ không phải được cho phép như bà Diễm nói. Tuy nhiên, căn nhà bà Diễm được chủ cũ xây dựng từ năm 2016 và bán cho bà Diễm tính đến nay đã quá thời hạn xử phạt. “Vì vậy, UBND phường sẽ yêu cầu chủ nhà khắc phục hậu quả bằng việc bít lại cửa. Về phản ánh giấy phép xây dựng của bà Thảo có dấu hiệu lấn chiếm, theo cơ quan chức năng, giấy phép phù hợp quy hoạch, đúng quy định” – UBND quận Bình Tân thông tin.
Trở lại câu chuyện căn nhà có phần đất rộng đến 760 m2 ở địa chỉ 469 Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, ông Tâm chủ nhà cho hay đã nhiều lần kiến nghị về việc tháo dỡ các trụ xăng chắn lối đi nhà ông để tránh nguy cơ cháy nổ hoặc tạo điều kiện để có lối đi riêng. Thế nhưng hàng chục năm qua, UBND quận và các sở, ngành đều lúng túng, không biết phải giải quyết ra sao. Bởi căn nhà được xác nhận quyền sở hữu gia đình và sân phía trước nhà lại được nhà nước cấp cho đơn vị bán lẻ xăng dầu. Tất cả đều có chủ quyền đầy đủ.
Về trường hợp của ông Tâm, theo phản hồi từ Sở Xây dựng TP HCM, hiện vụ việc đã được UBND TP HCM đề nghị sở này chủ trì, phối hợp nhiều đơn vị để tìm hướng giải quyết. Cũng theo Sở Xây dựng, quá trình nhà nước thu hồi diện tích đất thuộc trạm xăng đã thiếu sót trong việc tạo lối đi riêng cho gia đình ông Tâm. “Tuy nhiên, xem xét quy hoạch tương lai đường Bạch Đằng sẽ mở rộng, một phần diện tích lộ giới sẽ giải tỏa nên cây xăng hoạt động chỉ tạm thời và cơ quan chức năng sẽ lấy ý kiến từ các đơn vị để tạo điều kiện bảo đảm PCCC và bảo đảm lối đi cho gia đình ông Tâm với diện tích còn lại” – Sở Xây dựng TP HCM thông tin.
“Dĩ hòa vi quý” là hay nhất!
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết từng tham gia bào chữa nhiều vụ liên quan đến lối đi. Theo quy định, công dân có quyền tự do đi lại nhưng nhiều trường hợp căn nhà nằm lọt thỏm giữa 4 bức tường và muốn đi lại phải “mượn” đất của các hộ xung quanh. Vì vậy, nếu ra tòa kiện hàng xóm cản trở đi lại là đúng nhưng nếu xem xét ở khía cạnh lối đi lại thuộc chủ quyền của người khác thì vụ kiện khó có hồi kết.
“Chuyện dở khóc dở cười như trên xảy ra khá nhiều ở những đô thị lớn như TP HCM. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh và quản lý trật tự đô thị ở địa phương yếu kém” – luật sư Minh bày tỏ. Theo luật sư Minh, giải pháp tốt nhất để xử lý những trường hợp này là “dĩ hòa vi quý” với mong muốn hàng xóm tạo điều kiện để có thể đi lại. Thậm chí, nếu cần thiết thì nên thương lượng mua lại phần diện tích của hàng xóm để có thể đi lại.
Bài và ảnh: LÊ PHONG - Theo Người Lao Động