Nhiều 'ông lớn' bất động sản đối mặt với áp lực trả nợ trái phiếu

04/11/2024 08:36

Quý IV/2024, ước tính có gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn (44%) là trái phiếu bất động sản với 35.100 tỷ đồng.

Dòng vốn FDI “đổ” vào thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng

Theo báo cáo của One Housing, Việt Nam tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng GDP trong 9 tháng đầu năm 2024 là 6,82%, điều này đã tạo điều kiện cho thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, dòng vốn FDI “đổ” vào thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, tổng vốn FDI thực hiện trong 9 tháng qua đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm ngoái.

tap-doan-novaland-nvl-du-kien-ban-luong-tai-san-tri-gia-1-ty-usd-de-cam-cu-66f90925c1443-0605-1730684172.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)

Trong đó, bất động sản đứng thứ 2 trong tổng FDI đăng ký với tổng vốn đầu tư gần 4,4 tỷ USD, chiếm 17,7%, tăng gấp 2 lần năm 2023. 

“Sự gia tăng đáng kể của FDI không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tác động tích cực đến thị trường bất động sản, tạo ra nhu cầu lớn về văn phòng, nhà ở và các loại hình bất động sản khác”, One Housing nhận định.

 Theo kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) cho thấy hơn 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến hấp dẫn nhất cho hoạt động đầu tư. 

Đặc biệt, 59% doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ sự tự tin vào các cam kết đầu tư, đồng thời 54% doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng trong quý IV

Mặc dù thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự tăng trưởng so với năm ngoái, một số kênh dẫn vốn vào thị trường đã có sự cải thiện, thế nhưng vẫn có một số thách thức nhất định.

Cụ thể, các chính sách tiền tệ được nới lỏng, nhờ đó đã kích thích tăng trưởng tín dụng. Trong tháng 7/2024, cung tiền M2 (cung tiền giao dịch) tiếp tục đà tăng trưởng, tăng 12% so với năm ngoái.

Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể giảm lãi suất và kích thích các hoạt động cho vay và đầu tư. 

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng của năm 2024 đạt 8,5% cao hơn so với cùng kỳ 2023 (5,7%) và tín dụng bất động sản tăng 9,15% so với cuối năm 2023. 

Kết quả này là nhờ vào SBV (Ngân hàng Nhà nước) đã giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn từ cuối quý II/2024. Theo SBV, cuối năm 2024 có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. 

Các ngân hàng thương mại trong nước tiếp tục xu hướng giảm lãi suất cho vay ưu đãi, xuống mức 6,62%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng nhẹ lên 5,24%. Việc giảm lãi suất cho vay ưu đãi giúp thúc đẩy nhu cầu vay và đầu tư bất động sản.

Trong khi đó, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng năm 2024 đạt hơn 277 nghìn tỷ đồng, trong đó ngành bất động sản chiếm 19%. 

Tuy nhiên, One Housing cho rằng, Nhiều chủ đầu tư lớn đang gặp áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý IV/2024. Quý IV/2024, ước tính có gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn (44%) là trái phiếu bất động sản với 35.100 tỷ đồng. 

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều 'ông lớn' bất động sản đối mặt với áp lực trả nợ trái phiếu" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.