Đưa con đi tái khám, người cha phải ký vào phiếu tư vấn do bác sĩ đưa, trong đó có câu: “Tôi ký tên xác nhận dưới đây là tôi đã hiểu rõ nội dung và không thắc mắc gì thêm”. Bức xúc cách làm của Bệnh viện Truyền máu Huyết học, người dân phản ánh lên Bộ Y tế, Sở Y tế Tp.HCM.
Vừa qua, Sở Y tế Tp.HCM đã phản hồi thông tin về thuốc thải sắt được phản ánh trên các cơ quan báo chí. Theo đó, Sở Y tế Tp.HCM cho rằng việc chỉ định dùng thuốc thải sắt cho người mắc bệnh Thalassemia là hoàn toàn phù hợp với phác đồ điều trị hiện hành. Dược chất có tác dụng thải chất sắt ra khỏi cơ thể là deferasirox, trên thị trường dược chất này có 2 dạng, 1 dạng là thuốc biệt dược gốc (có tên là Exjade) và 1 dạng là các thuốc generic (một trong những thuốc này là Deferox), cả 2 đều có tác dụng thải chất sắt nhưng giá thành rất khác biệt.
Trước đó, người dân phản ánh Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp.HCM thay thế thuốc thải sắt Exjade 250mg (thuốc biệt dược gốc) bằng thuốc Deferox 500mg (thuốc generic). Hai loại thuốc (cùng một hoạt chất) này chênh lệch giá tới 14,6 lần khiến người bệnh lo lắng về hiệu quả điều trị của thuốc thay thế nên đã khiếu nại bệnh viện lên Bộ Y tế.
Đồng thời, người nhà của bệnh nhân bức xúc vì phải ký xác nhận vào phiếu tư vấn khi nhận thuốc điều trị cho con trai. Ngoài ra, một trong những nội dung ở phiếu tư vấn của Bệnh viện Truyền máu Huyết học ghi rõ: “Việc dùng cả thuốc chính hãng (Exjade) và thuốc tương đương sinh học (Duritex, Deferox...) để điều trị quá tải sắt là theo đúng yêu cầu của Sở Y tế và bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo không vượt chi, giảm nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế”.
[caption id="attachment_57427" align="aligncenter" width="615"] Nhận thuốc phải ký cam kết, Sở Y tế Tp.HCM yêu cầu Bệnh viện Truyền máu Huyết học rút kinh nghiệm[/caption]
Liên quan đến thông tin phản ánh này, Sở Y tế đã cử đoàn công tác gồm đại diện các phòng, ban của Sở Y tế đến làm việc với Bệnh viện Truyền máu Huyết học để tìm hiểu sự việc. Theo báo cáo của bệnh viện Truyền máu Huyết học, hiện bệnh viện đang sử dụng thuốc có hoạt chất Deferasirox trong phác đồ điều trị thải sắt cho người mắc bệnh Thalassemia là hoàn toàn phù hợp với phác đồ điều trị của các nước trên thế giới.
Thông qua đấu thầu, Bệnh viện đã lựa chọn được 2 loại thuốc có cùng hoạt chất Deferasirox là thuốc Exjade 250 (thuốc biệt dược) với giá trúng thầu 192.595 đồng/viên và thuốc Deferox 500 (thuốc generic) với giá trúng thầu 26.900 đồng/viên.Việc dùng thuốc có hoạt chất Deferasirox là thuốc Exjade 250 hay thuốc Deferox 500 tại bệnh viện Truyền máu Huyết học là do bác sĩ chỉ định, căn cứ vào khả năng đồng chi trả của người bệnh.
Hiện tại bệnh viện sử dụng song song 2 loại thuốc Exjade 250 và Deferox 500 cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Qua gần 2 năm sử dụng thuốc Deferox 500, bệnh viện nhận thấy các bệnh nhân được chỉ định loại thuốc này vẫn đáp ứng hiệu quả điều trị và chưa ghi nhận tác dụng phụ nào do thuốc này gây ra.
Liên quan đến việc thuốc Exjade (thuốc biệt dược gốc) có giá cao hơn thuốc Deferox (thuốc generic) đến 14,6 lần, Sở Y tế Tp.HCM cho rằng bình thường. “Nhiều loại thuốc khác cũng có sự chênh lệch giá tương tự như vậy, như hoạt chất Clopidogel 75mg gồm có thuốc Plavix (thuốc biệt dược gốc) có giá trúng thầu 17.704 đồng/viên cao gấp 16 lần thuốc Ridlor (thuốc generic) có giá trúng thầu 1.099 đồng/viên; hoặc đối với hoạt chất Amlodipin 5mg gồm có thuốc Amlor (thuốc biệt dược gốc) có giá trúng thầu 8.125 đồng/viên cao gấp 20 lần thuốc Cardilopin (thuốc generic) có giá trúng thầu 408 đồng/viên mặc dù cả 2 thuốc Ridlor và thuốc Cardilopin đều được sản xuất tại Châu Âu bởi các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Như vậy, việc nghiên cứu, sản xuất thuốc generic sau khi thuốc phát minh hết thời gian bảo hộ độc quyền để có thuốc giá rẻ hơn là hết sức cần thiết, không chỉ ở Việt Nam mà cả những nước phát triển. Chính sự xuất hiện của thuốc generic còn gián tiếp kéo giảm giá thuốc phát minh”, Sở Y tế Tp.HCM cho biết.
Ngoài ra, Sở Y tế Tp.HCM cho biết, mặc dù thuốc generic thường có giá thấp hơn rất nhiều so với phát minh, đặc biệt là thuốc generic được sản xuất trong nước. Thuốc generic vẫn phải được sản xuất theo quy trình tương tự như thuốc phát minh và phải được kiểm tra, kiểm soát chất lượng một cách chặt chẽ. Về nguyên tắc thuốc generic được cấp phép sản xuất và lưu hành có chất lượng tương tự như thuốc phát minh và được chỉ định thay thế thuốc phát minh.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều khuyến khích sử dụng thuốc generic thay thế thuốc phát minh nhằm giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh kể cả các quốc gia có nền kinh tế mạnh như Mỹ, Châu Âu. Việt Nam cũng từng bước tăng tỷ lệ sử dụng thuốc generic đặc biệt là thuốc generic được sản xuất trong nước.
Như vậy, thuốc generic mặc dù có giá thấp hơn thuốc phát minh do chi phí nghiên cứu ít hơn nhưng thuốc generic hoàn toàn đáp ứng yêu cầu điều trị.
Việc sử dụng thuốc generic hay thuốc phát minh là quyền và trách nhiệm của bác sĩ lâm sàng sau khi đánh giá tình trạng bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, khả năng đồng chi trả của người bệnh. Do đó, việc thay thế thuốc Exjade 250mg bằng thuốc Deferox 500mg tại bệnh viện Truyền máu Huyết học là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc trong chỉ định thuốc, đó là: hiệu quả, an toàn, hợp lý và kinh tế.
Tuy nhiên, việc tư vấn sử dụng thuốc qua phiếu tư vấn như ở bệnh viện Truyền máu Huyết học là chưa phù hợp và dễ gây hiểu nhầm cho người bệnh, bệnh viện cần rút kinh nghiệm về hình thức và nội dung tư vấn cho người bệnh, bệnh viện đã nghiêm túc rút kinh nghiệm về góp ý của đoàn công tác Sở Y tế.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp.HCM truyền thuốc quá hạn cho bệnh nhi
Ngày 24/6 Bệnh viện Truyền máu - huyết học nhận được phản ảnh của thân nhân người bệnh L.T.K.C. (sinh năm 2016, chẩn đoán: suy tủy) về việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng. Ngay khi nhận được thông tin này, bệnh viện đã dừng ngay lập tức y lệnh và kiểm tra lại hạn dùng của thuốc. Qua kiểm tra, bệnh viện phát hiện hai lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phát cho người bệnh L.T.K.C. có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1-2020 (trong đó có một lọ đã dùng và một lọ đã truyền 1/3). Sau khi xảy ra sự cố này, Sở Y tế TP cho biết đã chỉ đạo bệnh viện rà soát, xử lý nghiêm vụ việc. Bên cạnh đó, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA.03 Công an Tp.HCM) đã vào cuộc tiến hành trích xuất camera quan sát của bệnh viện, qua đó phát hiện và đang theo dõi một số người có nghi vấn liên quan đến thuốc thymogam 250mg hết hạn sử dụng. Đặc biệt, kết quả kiểm tra thực tế tại bệnh viện còn ghi nhận có dấu hiệu tiêu cực tại khoa dược. Do đó, Sở Y tế TP đã yêu cầu bệnh viện chuyển vụ việc qua Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 xác minh điều tra. Sau sự viện này, Bác sĩ Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học Tp.HCM - cho biết vụ truyền thuốc quá hạn cho bệnh nhi là sự cố đáng tiếc. Sau khi xảy ra vụ việc, bệnh viện ưu tiên khắc phục cho bệnh nhân, đồng thời họp hội đồng chuyên môn nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và đình chỉ công tác các cá nhân liên quan. Sở Y tế Tp.HCM cũng có văn bản báo cáo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) liên quan đến việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng xảy ra tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học. Công an Tp.HCM cũng đã vào cuộc điều tra vụ truyền thuốc hết hạn cho bệnh nhân xảy ra tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học. |