Không chỉ chuyện thiếu bến bãi xe tải, TP.HCM còn đối mặt thực tế thiếu chỗ dừng đậu tất cả các loại ôtô, xe buýt và tình trạng xe dừng đậu bừa bãi đang phổ biến khắp các nẻo đường, con hẻm.
Dễ thấy nhất là tình trạng thiếu chỗ đậu ôtô trong các chung cư hiện nay đang là nguyên nhân gây bức xúc cộng đồng cư dân.
Một người bạn của tôi từng dở khóc dở cười khi dọn về căn hộ mới mua tại Q.5 và được thông báo là không còn chỗ đậu ôtô! Mặc dù trước đó khi mua nhà đã được chủ đầu tư đảm bảo đã dành 2 tầng hầm để dân cư đậu xe.
Đây không phải là chuyện cá biệt, nhiều nơi khác cũng xảy ra mâu thuẫn, thậm chí cư dân căng băngrôn phản đối cũng vì chủ đầu tư không đảm bảo đủ chỗ đậu xe như cam kết.
Trong khi đó, ở nhiều chung cư khác, cư dân phản ứng chuyện ban quản lý cho người bên ngoài vào gửi ôtô trong chung cư. Đêm về, xe đậu thành hàng dài khắp các lối đi.
Hợp đồng ghi rõ mỗi hộ được đậu 1 ôtô và 2 xe máy nhưng những ôtô "đến sau" đành đậu ngoài lối đi, thiếu hơn nữa thì phải bốc thăm hên xui may rủi. Có nơi dọn về chung cư 3 năm vẫn chưa có bãi xe ôtô.
Đậu ôtô trên lối đi được xem là giải pháp "chữa cháy" cho những chung cư không có hầm để xe hoặc hầm không đủ chỗ. Nhưng đây rõ ràng đang lấn chiếm không gian công cộng. Những quy định về bãi xe ôtô trong các khu chung cư đã có nhưng không còn phù hợp khi diện tích bãi xe không đủ chỗ và số ôtô tăng quá nhanh.
Thực tế ở các khu dân cư đô thị tuy không căng thẳng như ở các chung cư nhưng cứ đêm về, trên các con đường nội bộ ở cư xá, các đường hẻm lớn lại biến thành bãi đậu các loại xe 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ, đến cả xe buýt và xe tải nhỏ.
Có những nhà có đến 2-3 xe đậu thành hàng dài trước nhà, hàng xóm phải chịu đựng và xích mích nhau vì chuyện đậu xe.
Với thực tế ôtô ngày càng nhiều như hiện nay, tình trạng đậu xe tràn lan dưới đường trong hẻm sẽ nghiêm trọng hơn. Trước, mới có 1-2 xe hàng xóm còn có ý kiến, chủ xe mang gửi nơi khác. Giờ nhiều người sắm xe hơn, mỗi xóm đến hàng chục xe, mọi người không biết nói sao nữa!
Ai cũng có thể mua xe nhưng nhà không có chỗ để xe. Thiếu chỗ đậu các loại ôtô là một nguyên nhân nhưng cũng có lý do chủ nhân các xe lấn đường này không muốn gửi xe vào bãi vì không muốn mất tiền.
Và tình trạng này tiếp diễn ngày càng phổ biến hơn do ai cũng quen kiểu suy nghĩ "trước nhà tôi thì tôi có quyền", hoặc kiểu thấy ở đâu trống thì đậu xe.
Kiểu đậu xe bừa bãi này chưa được xử nghiêm vì mọi người vẫn du di, xuề xòa hoặc chỉ có thể chịu đựng trước cái sai. Cơ quan chức năng địa phương hoặc lực lượng CSGT, thanh tra giao thông đã làm gì trước thực trạng này?
Chính cái kiểu thông cảm, chấp nhận, cho qua như hiện tại sẽ khiến tình trạng đậu xe bừa bãi dưới lòng đường, lấn hẻm ngày càng phổ biến hơn.
Rất mong thành phố quyết liệt tìm giải pháp cho việc "đậu xe đúng chỗ" bằng việc thêm bãi xe cùng với tăng xử phạt. Chuyện này sẽ không dễ nhưng phải làm cho bằng được. Nếu không làm gì, tình hình sẽ còn tệ hơn hiện nay.
* Ông Đỗ Ngọc Hải (trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM):
Tăng cường phạt nguội
Hiện nay, diện tích đất để xây dựng các bãi đậu xe còn ít, không đủ đáp ứng nhu cầu. Sắp tới, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, xử phạt, kể cả phạt qua camera, phạt nguội những trường hợp tài xế đậu xe ở đường cấm. Các đơn vị sẽ có các chốt chặn ở những tuyến đường thường xuyên có xe dừng đậu trái phép.
Sở GTVT TP.HCM đang tiến hành nghiên cứu các bãi đậu tạm xe tải, xe container ở khu vực Q.9, H.Nhà Bè. Năm 2019, các đơn vị đã khảo sát nhiều bãi đậu, đề xuất UBND TP tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cho thuê đậu xe.
TP.HCM cũng đang triển khai mô hình đậu xe tạm có thu phí trên 23 tuyến đường thuộc các quận 1, 5, 10… Mức phí đậu xe được tính lũy tiến theo giờ tùy vào loại xe, trung bình từ 20.000-40.000 đồng/giờ. Các dự án bãi đậu xe ngầm ở TP.HCM cũng đang được UBND TP xem xét, tháo gỡ khó khăn để có thể sớm khởi công.
Trong năm 2020, Sở GTVT TP.HCM sẽ nghiên cứu, kiến nghị UBND TP tạo cơ chế, ưu tiên dành quỹ đất phục vụ việc đậu xe buýt, xe công cộng.
THU DUNG ghi
Tai nạn rình rập
Ông T.M.H. - một người dân sống ở Q.2, TP.HCM - cho biết: "Mỗi ngày tôi đi về giữa Q.Bình Thạnh và Q.2, thường thấy cảnh hàng trăm ôtô, xe tải đậu dừng trên đường như Điện Biên Phủ (gần khu du lịch Văn Thánh), đường song hành Xa lộ Hà Nội...
Một lần, vào buổi chiều, tôi về qua đoạn đường song hành Xa lộ Hà Nội, gần trung tâm thương mại Estella, nghe tiếng "rầm" phía trước. Một phụ nữ chở con nhỏ đi xe máy ngã lăn trên đường vì một chiếc ôtô đang đậu trên đường di chuyển đột ngột, chị không kịp tránh.
Nhan nhản ở khắp nơi tôi đi qua, từ trung tâm thành phố đến ngoại thành, Q.9, Q.Thủ Đức... ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có cảnh xe dừng đậu bừa bãi trên đường. Nhiều tài xế cứ đậu xe đó rồi về nhà, vào quán cà phê hoặc ngủ ngay tại xe.
Cơ quan nhà nước phải sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này. Phải có bãi đậu xe, điểm đậu xe tập trung, không thể để xe dừng đậu lung tung vậy mãi được".
Chị Nguyễn Thị Xanh (Q.Bình Thạnh) bức xúc với nạn ôtô, xe taxi dừng đậu chiếm hết cả mặt đường, tràn luôn vào hẻm.
"Tôi ở chung cư, mỗi sáng đi ra rất khổ sở vì cả chục xe taxi dừng xe choán chỗ. Ai có ôtô mới là cực hình mỗi lần lái xe ra. Chúng tôi có đơn gửi chính quyền địa phương nhưng rồi cứ ít hôm lại như cũ. Nhiều tài xế để xe đó rồi đi đâu mất, khi cần cũng không biết làm cách nào để dời xe đi.
Nhà mẹ tôi trong một con hẻm ở Q.1, có lần có người trong hẻm bị ngất, taxi đến nhưng không vào được vì chiếc ôtô đã bịt kín cả 2/3 con hẻm. Ông tài xế bỏ ra quán cà phê ngồi. Người nhà bệnh nhân phải chở người cần cấp cứu bằng xe máy.
Tôi đề nghị cơ quan chức năng chú trọng xử lý tình trạng đậu xe bừa bãi kiểu này. Cần xử phạt nghiêm may ra mới thay đổi ý thức. Đồng thời, các quy định về đậu xe, điểm đậu xe, biển báo, cơ quan chức năng phải thực hiện đầy đủ để tài xế chấp hành", chị nói.
T.DUNG ghi