Ông Nguyễn Thành Vinh - Trưởng phòng Bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện II cho biết: “Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 được chuyển đổi chủ đầu tư từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ năm 2016. Trước đó, lễ khởi công dự án đã tổ chức từ năm 2011 nhưng sau đó nhiều năm chưa triển khai xây dựng nhà máy”.
Về lo ngại nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường trong vùng, công nghệ sử dụng trong Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch là gì, ông Đoàn Mạnh Thắng – Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch thông tin: “Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn, được trang bị các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có hiệu quả tới 99,75%, đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường sống xung quanh nhà máy…
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn.
Đối với lượng tro, xỉ của Nhà máy, do sử dụng than bitum có đặc tính cháy kiệt nên hàm lượng carbon còn sót lại trong tro, xỉ sẽ rất thấp. Mặt khác, tro xỉ cũng là nguyên liệu chính để sản xuất vật liệu xây dựng.
Về phát thải khí, Nhà máy sẽ xử lý SOx bằng nước biển theo công nghệ Sea-FGD. Phương pháp này tạo ra các muối sunfat – thành phần sẵn có trong nước biển, do đó, không gây tác động đến môi trường thủy sinh”.
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, hiện nay công việc để chuẩn bị cho xây dựng nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc như: các gói thầu PVTC (của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) vẫn chưa hoàn thành do chưa bàn giao hết mặt bằng cho nhà thầu. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chòm 1,2,3 thôn Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) vẫn còn 5 hộ chưa trình phê duyệt phương án bồi thường do vướng mắc về tranh chấp quyền thừa kế và chuyển nhượng.
Để có mặt bằng xây dựng nhà máy, chính quyền địa phương đã xây dựng các khu tái định cư, chia làm 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 có 35 hộ đã lên xây nhà tái định cư; giai đoạn 2 có 38 hộ; còn giai đoạn 3 chưa hoàn thành thi công xây dựng.
Ông Vinh cho biết thêm: “Mặc dù đến nay cơ bản đã hoàn thành việc chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng do chưa hoàn thành thi công xây dựng khu tái định cư nên một số người dân chưa nhận được mặt bằng để xây dựng nhà cửa, tái ổn định cuộc sống. Tiến độ triển khai thi công chậm, không đáp ứng mục tiêu hoàn thành trong năm 2020 để tổ chức bàn giao mặt bằng khu tái định cư cho người dân.
Trong thời gian tới, các gói thầu EPC sẽ được triển khai với số lượng nhân công rất lớn tập trung tại công trường, do đó, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, có thể gây mất an ninh trật tự”.