Khi cầu quá lớn, những kẽ hở, gian lận trong thương mại điện tử cũng xuất hiện nhiều hơn. Muốn quản lý phải tăng cường nguồn lực...
Khoảng vài ba tháng trở lại đây, tình trạng đóng cửa hàng, trả mặt bằng xảy ra hàng loạt ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM. Không chỉ những doanh nghiệp buôn bán nhỏ, ngay cả các doanh nghiệp làm ăn lớn, ở những vị trí đắc địa cũng chịu cảnh ế ẩm, không bán được hàng, không thể chi trả tiền thuê mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, chưa bao giờ tình trạng trả mặt bằng, đóng cửa kinh doanh lại xảy ra nhiều như thời gian qua.
Trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 hiện có nhiều mặt bằng đăng tin cho thuê. Ngay góc đường Lý Tự Trọng giao Trương Định, có đến ba căn nhà liền kề vẫn đang tìm khách thuê. Giá thuê cho cả ba căn này theo chủ nhà thông tin khoảng 27.000 USD/tháng. Ảnh: VietnamBiz
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội, khắp tuyến đường Khâm Thiên, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Lương Bằng... rất nhiều cửa hàng thông báo xả hàng, trả mặt bằng, số khác treo biển tìm người đến thuê.Tại TP.HCM, trên các tuyến phố Phan Xích Long, Nguyễn Đình Chiểu, các tuyến đường thuộc quận 1, quận 3, quận 7... biển cho thuê mặt bằng được treo kín.
"Tôi biết rất nhiều chủ mặt bằng cho thuê có diện tích lớn, vị trí đắc địa đã chủ động hỗ trợ cho người thuê như: giảm giá thuê hoặc hỗ trợ tiền trực tiếp tương đương với giá trị được giảm giá. Cũng có nơi thay đổi phương thức đặt cọc từ năm, quý sang đặt cọc theo tháng... rất nhiều phương án hỗ trợ nhưng cũng không giữ được chân người thuê.
Vấn đề không phải là hỗ trợ mà là không có người đến cửa hàng, không bán được hàng, doanh thu sụt giảm thì họ phải đóng cửa", ông Đính chỉ ra thực tế.
Nhận định chung, ông Đính dẫn ra 3 nguyên nhân và cho rằng, hiện tượng trả mặt bằng, đóng cửa còn diễn ra trầm trọng hơn trong thời gian tới.
Nguyên nhân thứ nhất theo vị chuyên gia là do tác động của quy định phạt nặng với người uống rượu bia mới được ban hành. Ông Đính cho rằng, hạn chế uống rượu bia là đúng nhưng việc ra quy định đột ngột, chưa có thời gian chuẩn bị cho gia đoạn chuyển tiếp dẫn tới nhiều hàng quá kinh doanh, đặc biệt là những điểm kinh doanh hàng ăn bị ảnh hưởng nặng nề.
Thứ hai, theo ông Đính là do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, cụ thể là tác động của dịch viêm phổi Covid-19 gây ra. Những khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm, kêu gọi tránh tụ tập đông người, khiến người dân né tránh, ngại tới hàng quán, khu ăn uống, vì thế, doanh thu của doanh nghiệp bị sụt giảm, không có đủ sức để thuê mặt bằng.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp do gặp phải khó khăn từ trước, tiền thuê mặt bằng quá cao, nhiều cửa hàng không chịu nổi giá thuê nên nhân dịp này cũng trả luôn mặt bằng.
Từ chỗ tránh dịch bệnh, người dân ngại ra đường nên xu hướng mua bán online đã lên ngôi. Đây chính là nguyên nhân thứ 3, ông Đính đề cập cùng lời cảnh báo sẽ là nhân tố tác động về lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh trực tiếp.
Về phía các cửa hàng kinh doanh trực tiếp dù đã có thay đổi trong phương thức kinh doanh như tổ chức giao hàng trực tiếp tại nhà cho khách hàng nhưng vẫn được cho là chưa đủ "nhạy" để kịp đối phó, chống lại những tác động ghê gớm từ thiên tai, dịch bệnh. Hơn nữa, cách làm trên chỉ mang tính giải pháp tình thế, thiếu tính động bộ, chưa chuyên nghiệp, nên hiệu quả không cao.
Lấy ví dụ, khi cửa hàng đông khách, cần tới vài chục nhân viên giao hàng cho khách tại nhà, lập tức cửa hàng bị tê liệt. Đây là nguyên nhân, bán hàng trực tiếp không thể cạnh tranh được với bán hàng online do thiếu tính chủ động và năng động trong phương thức kinh doanh.
"Ở nước ngoài, các doanh nghiệp kinh doanh tổ chức thành hệ thống kết nối, đồng nhất, thậm chí có hẳn một đội ngũ vận chuyển như Grab online sẵn sàng chờ đợi khi có đơn hàng.
Việt Nam chưa chuẩn bị được như vậy, các cửa hàng làm ăn nhỏ lẻ, thân ai nấy lo, vì vậy mà khi gặp biến cố, thì mỗi doanh nghiệp phải tự loay hoay tìm cách thích ứng. Trong bối cảnh phải đối mặt với "tai nạn kép" như hiện nay, để thích ứng được không phải dễ, doanh nghiệp phải mất ít nhất một thời gian dài để hoàn chỉnh, ứng phó", ông Đính cảnh báo.
Trong khi đó, bán hàng online vốn tiện lợi, lại đang là xu hướng được khách hàng lựa chọn, ông Đính cho rằng, khi có thêm cú hích loại hình kinh doanh này sẽ càng có lợi thế.
Quản lý thuế thế nào?
Từ góc độ chuyên môn, ThS Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng khoa Thương mại điện tử, Đại học Thương mại nhận định, sự ảnh hưởng của chính sách, thiên tai dịch bệnh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống thời gian qua là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, không vì thế mà những doanh nghiệp, cửa hàng này muốn chuyển sang kinh doanh online. Bán hàng online, mua sắm online là vì yếu tố an toàn. Không ai muốn xây dựng một chiến lược phát triển thương mại điện tử theo cách này nhưng rõ ràng từ yêu cầu bảo đảm an toàn nên nhu cầu mua sắm online cũng lớn hơn.
Lúc này những tính ưu việt trong thương mại điện tử cũng có cơ hội bộc lộ rõ hơn, vì thế hoạt động thương mại điện tử cũng có lợi thế hơn.
Theo ông Minh, khi cầu quá lớn cũng sẽ bắt đầu nảy sinh những kẽ hở trong quản lý, những sai phạm, những gian lận trong thương mại điện tử cũng xuất hiện nhiều hơn.
Từ trước tới nay, những hoạt động kinh doanh trên hệ thống thương mại điện tử vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu để đưa loại hình này vào hoạt động một cách quy củ.
Ông Minh cho rằng, ở đây là vấn đề quản lý nhà nước, các công cụ quản lý trong lĩnh vực này vừa yếu, vừa thiếu.
Do đó, việc đầu tiên khi đưa những doanh nghiệp tham gia vào hệ thống thương mại điện tử phải cho họ thấy được lợi ích khi thực hiện việc kê khai đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, mặt hàng, xuất xứ...
Khuyến khích doanh nghiệp hướng tới làm ăn bền vững, lâu dài, xây dựng những thương hiệu uy tín. Nếu làm được như vậy thì mới thu được thuế, mới quản lý được doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không nhìn thấy được lợi ích từ việc kê khai trung thực, họ sẽ lựa chọn tham gia vào hệ thống thương mại nặc danh, chỉ xuất hiện kiếm được một khoản lợi rồi biến mất. Cơ quan quản lý không quản lý được, không thu được thuế, không biết doanh nghiệp là ai.
"Tóm lại, ở đây vẫn là chính sách. Nếu có được chính sách đãi ngộ tốt cho những người làm việc tốt sẽ khuyến khích những người làm việc tốt phát triển. Ngược lại, nếu không có chính sách phù hợp, không khuyến khích được người làm ăn chân chính phát triển thì những người làm ăn đàng hoàng, chân chính cuối cũng sẽ chịu thiệt, người làm ăn chụp giật lại lên ngôi. Nhà nước sẽ là cơ quan chịu tác động lớn nhất do không quản lý được, thất thu thuế.
Vì thế, cần phải có những người có kiến thức sâu rộng đủ am hiểu về lĩnh vực thương mại điện tử để hoạch định chính sách, tạo ra những cơ hội mới cho thương mại điện từ vì từ trước tới nay vấn đề thu thuế trong thương mại điện tử gặp vô cùng khó khăn.
Muốn thu được thuế từ thương mại điện tử phải có công nghệ, con người, phải có trình độ, chuyên môn của những người quản lý hành chính trong lĩnh vực này. Lĩnh vực này hiện đang vượt xa so với trình độ của những người làm quản lý", ông Minh nói.