Nhà đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp là doanh nghiệp có thêm chủ sở hữu hoặc đổi chủ. Khác với các nhà đầu tư nắm một lượng cổ phiếu đủ lớn để tham gia vào quản trị và điều hành doanh nghiệp, đa số các nhà đầu tư nhỏ là tìm kiếm một kênh có lợi tức tốt hơn đối với đồng tiền nhàn rỗi của mình.
Phần lớn doanh nghiệp vẫn cứ luôn tồn tại không phụ thuộc vào giá cổ phiếu biến động trên thị trường ra sao. Các cổ đông song hành lâu dài với doanh nghiệp như người hùn vốn cùng nhau kinh doanh. Kinh doanh thì có lỗ, có lãi. Doanh nghiệp có lãi thì hưởng cổ tức. Năm nào khó khăn thì lại hy vọng vào năm sau.
Thực tế thị trường chứng khoán luôn sôi động. Đó là bởi có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thử sức với luật chơi các chứng chỉ mang giá và chấp nhận lúc được lúc thua. Khi thị trường có chiều hướng đang đi lên thì dường như tất cả mọi người chơi đều có lợi. Lúc thị trường chững lại và đi xuống là lúc những nhà đầu tư chẳng khác như chênh vênh trên ngọn sóng.
Chắc chắn không có một công thức nào luôn đảm bảo thành công, bởi nếu được vậy thì những nhà tư vấn, những chuyên gia đào tạo, những thầy dạy về kinh doanh sẽ luôn là những người thực hành trước hết. Tuy nhiên, nếu không có được những hiểu biết cơ bản, thì thành công chỉ là may rủi và thất bại thường là chắc chắn.
Các nhà đầu tư lớn thông thường có những công cụ phân tích đảm bảo cho khả năng thành công ở một mức độ có thể chấp nhận hoặc ít nhất rủi ro là nhỏ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhỏ có lợi thế linh hoạt đối với lượng vốn không lớn của mình và cũng sẵn sàng cho những rủi ro với số vốn đó nên cũng không đòi hỏi phải hiểu tường tận thông tin doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin tài chính.
Phần đông các nhà đầu tư nhỏ không hiểu rõ và không thể phân tích các báo cáo tài chính. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán luôn đưa ra các chỉ số đánh giá cơ bản để các nhà đầu tư tham khảo. Chỉ số EPS luôn ghi nhận kết quả hoạt động của thời gian trước. Chỉ số P/E trực quan cho thấy nếu cứ giữ kết quả EPS như thế thì bao năm mới thu hồi được vốn bỏ ra. Chỉ số P/B cho biết tương quan giữa giá cổ phiếu và tài sản cổ phiếu theo sổ sách của doanh nghiệp như thế nào.
Chỉ số thì như vậy nhưng thông thường EPS là của báo cáo hợp nhất không nhất thiết chuyển thành dòng tiền để chia cổ tức. Doanh nghiệp không cân đối được tiền mặt, hoặc phải giữ lại lợi nhuận để đầu tư thì các nhà đầu tư có thể phải chờ đợi trong nhiều năm mới có cổ tức. Giá trị sổ sách của doanh nghiệp là vậy nhưng có thể có nhiều khoản mục như phải thu, tồn kho sẽ không biến được thành tiền. Như vậy, các chỉ số cũng chỉ có ý nghĩa tương đối trong việc đánh giá đầu tư.
Trên thị trường có nhiều cổ phiếu có giá rất cao nhưng giá trị so sánh các chỉ số tài chính lại không tốt. Rất khó giải thích vì sao lại như vậy. Các cổ phiếu này vẫn có sức hấp dẫn khi các nhà đầu tư yên tâm ở tính thanh khoản của nó và vẫn có thể thu được lợi ích khi giá của nó biến động trong một phạm vi vẫn đảm bảo vị thế trên thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp này thường có quy mô hoạt động đạt được mức độ được tin là rất khó đổ vỡ.
Rõ ràng một phần sở hữu doanh nghiệp sẽ có lợi ích gắn với kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi mua bán chứng chỉ sở hữu doanh nghiệp thì có người thu được lợi ích, có người sẽ thua thiệt. Đầu tư chứng khoán không phải là canh bạc và luôn hấp dẫn thử sức các nhà đầu tư. Luôn có những nhà đầu tư rời thị trường và lại có những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Thị trường chứng khoán là một dòng chảy vô tận và phần thưởng sẽ dành cho những ai kiên trì và có hiểu biết về nó.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của CEO Ngô Văn Tuyển (Tổng Giám đốc VEAM), CafeBusiness đặt tít và biên tập một số đoạn)