Nguy cơ thất thoát ngàn tỉ ở khâu thẩm định giá tại ba dự án

14/08/2020 17:31

Ba dự án Khu dân cư Hoà Lân, Cầu Đò và Mỹ Phước 4 đều ở Bình Dương, cơ quan chức năng xác định có sai phạm trong thẩm định giá trước khi đấu giá.

Ba dự án Khu dân cư Hoà Lân, Cầu Đò và Mỹ Phước 4 đều ở Bình Dương, cơ quan chức năng xác định có sai phạm trong thẩm định giá trước khi đấu giá.

Sai phạm nghiêm trọng trong thẩm định giá khu dân cư Hoà Lân.

Ngày 13/8/2020, Toà án nhân dân Quận 7, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là đất dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” làdự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn) và các đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh), một chi nhánh ngân hàng của nhà nước ở Chợ Lớn TP.Hồ Chí Minh; và Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương .

Tại tòa, phía nguyên đơn vẫn giữ nguyên các yêu cầu trong các đơn khởi kiện và kiện bổ sung. Các yêu cầu khởi kiện, gồm: Đề nghị Toà án nhân dân quận 7, TP.Hồ Chí Minh tuyên vô hiệu đối với hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngày 1/7/2017, công chứng tại Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới

Tuyên hủy kết quả bán đấu giá tài sản là đất dự án khu dân cư Hòa Lân.

Tuyên hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015 ngày 17/6/2015.

Yêu cầu Toà án nhân dân quận 7 giải quyết cho Công ty Thiên Phú trả nợ đối với hợp đồng tín dụng ngày 1/9/2003 (kèm phụ kiện hợp đồng) và hợp đồng tín dụng ngày 26/3/2007, tính đến ngày 25/5/2017 Công ty Thiên Phú thỏa thuận nợ là 1.117 tỉ đồng.

Tuyên hủy biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của Công ty Thiên Phú ngày 17/4/2015 giữa Công ty Thiên Phú và phía ngân hàng chi nhánh Chợ Lớn. Tuyên hợp đồng tín dụng số 28 (bổ sung) bị vô hiệu do vi phạm điều cấm và Công ty Thiên Phú không phải trả lãi trong hạn và quá hạn theo hợp đồng tín dụng số 280307, tạm tính từ ngày 29/10/2010 đến ngày 2/8/2019 là 1.150 tỉ đồng.

Tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp ngày 15/3/2011 giữa Công ty Thiên Phú và phía ngân hàng vì vi phạm pháp luật.

Nguyên đơn cũng cho rằng: Cơ quan thẩm định giá tài sản đã có nhiều dấu hiệu sai phạm hết sức nghiêm trọng. Chỉ riêng vụ đấu giá khu dân cư Hòa Lân đã làm thất thoát tài sản Nhà nước và thiệt hại cho Công ty Thiên Phú khi xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ với số tiền gần 1400 tỉ đồng.

Cụ thể: Dự án khu dân cư khu Hòa Lân ngay mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Thủ Dầu Một), nhưng thẩm định giá thấp hơn khung giá đất của tỉnh Bình Dương ban hành.

Theo đó, Bảng giá đất năm 2015 – 2017, đối với đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai (ranh giáp Thủ Dầu Một - Đại lộ Bình Dương) theo quyết định số 66/2015 ngày 23/12/2015 và quyết định 04/2017 ngày 17/2/2017 của UBND tỉnh Bình Dương, thì đất dự án khu dân Hòa Lân thuộc loại 1, đơn giá là 4.752.000 đồng x hệ số điều chỉnh: 0.9  x hệ số K: 1.3 = 5.559.840 đồng/m2. Trong đó, quyền sử dụng đất của dự án khu dân cư Hòa Lân (hơn 49ha) là 490.765 m2 x 5.559.840 đồng = 2,728.575 tỉ đồng (làm tròn - Hai nghìn bảy trăm hai mươi tám tỷ, năm trăm bảy lăm triệu).

Tuy nhiên, theo chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT-VALUCO ngày 12/5/2015 chỉ xác định giá trị tài sản khu dân cư Hoà Lân có 1,467.700 tỷ đồng (làm tròn - Một nghìn bốn trăm sáu mươi bẩy tỷ, bẩy trăm triệu) là đã sai phạm và thấy thoát nguồn thu thuế cho nhà nước và cho Công ty Thiên Phú.

Đáng nói, trong quá trình bán đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân, các chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT-VALUCO ngày 12/5/2015 và chứng thư thẩm định giá số 246/CT ngày 19/4/2016 đều chỉ có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng, đã hết hiệu lực vào thời điểm xác định giá khởi điểm để bán đấu giá ngày 25/5/2017.

Theo quy định của pháp luật, hết thời hạn 6 tháng, các chứng thư hết giá trị thì phải định giá lại tài sản để làm căn cứ xác định giá khởi điểm để bán đấu giá.

Tuy nhiên, phía Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn Quốc tế, phía ngân hàng và Công ty Kim Oanh lại không định giá lại tài sản theo quy định của pháp luật mà vẫn… sử dụng chứng thư đấu giá cũ (không còn giá trị pháp lý – chứng thư số 403 ở trên). Do đó, giá trị tải sản theo chứng thư không đúng với giá trị thị trường để làm căn cứ xác định giá để đấu khởi điểm là trái với quy định của pháp luật.

Thương vụ đấu gía Khu dân cư Hoà Lân đang có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng. Ảnh: Đỗ Hưng.

Thương vụ đấu gía Khu dân cư Hoà Lân đang có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng. Ảnh: Đỗ Hưng.

Theo Công ty Thiên Phú, hành vi bán đấu giá tài sản nhưng không thẩm định gía lại tài sản theo quy định của pháp luật này đã khiến cho giá bán tài sản đấu giá chỉ đạt 1,353 nghìn tỉ đồng, gây thiệt hại tối khoảng 1400 tỷ đồng cho phía công ty và thất thu cho ngân sách nhà nước.

 Nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng chưa làm sáng tỏ !

Theo tố giác cùng ngày 13/8 của Công ty Thiên Phú đến cơ quan chức năng, ngoài sai phạm nghiêm trọng trong đấu giá khu dân cư Hoà Lân, thì hai thương vụ đấu giá ngàn tỉ khác cũng sai phạm nghiêm trọng đó là tại Khu dân cư Mỹ Phước 4 (thị trấn Mỹ Phước, thị xã. Bến Cát, Bình Dương) có tổng diện tích là 355.918,59 m2 (đất có thu tiền sử dụng đất là 176.045,99 m2, không thu tiền sử dụng đất là 179.872,6 m2) và Dự án khu dân cư Cầu Đò (xã An Điền, thị xã. Bến Cát, Bình Dương) có tổng diện tích 465.620,4 m2 (đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 287.260,6 m2, không thu tiền sử dụng đất là 178.359,5 m2).

Cụ thể: Dự án Mỹ Phước 4, theo chứng thư thẩm định giá số 308B/2014/CT-VALUCO ngày 2/4/2014 Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn Quốc tế là 358.740,3 m2. Tuy nhiên, khi đưa ra bán đấu gía thì diện tích bị “teo” đi tới 2.821,71m2 (theo Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 11/2014/ĐGNGS ngày 18/6/2014) thì diện tích đất bán đấu giá chỉ còn 355.918,59 m2.

Đáng nói, trong diện tích 355.918,59 m2 (đã bị teo đi mất hơn 2,8000m2) có cả 179.872 m2 đất nhà nước giao đất không thu tiền (không được phép chuyển nhượng) nhưng nhóm đấu giá vẫn mang ra để bán bất chấp quy định của pháp luật.

Khu dân cư Mỹ Phước 4 mang cả đất công ra bán. Ảnh: Đỗ Hưng.

Khu dân cư Mỹ Phước 4 mang cả đất công ra bán. Ảnh: Đỗ Hưng.

Điều này cũng xảy ra tại Dự án khu dân cư Cầu Đò. Khu dân cư Cầu Đò có tổng diện tích 465.620 m2 trong đó, đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 287.260 m2 và không thu tiền sử dụng đất là 178.359 m cũng bị mang ra để bán đấu giá (vi phạm tại khoản 2 Điều 118 và khoản 2 Điều 173 Luật đất đai 2013).

Không những thế, tại phiên đấu giá Dự án khu dân cư Cầu Đò và Khu A Dự án Mỹ Phước 4 quy chế đấu giá, Biên bản đấu giá thành công ngày 5/12/2014, Công ty TNHH Địa ốc Thuận Lợi (Bên trúng đấu giá) phải thanh toán đủ số tiền trúng đấu giá là 232,186.64 tỉ đồng trong vòng 45 ngày kể từ ngày 5/12/2014. Thực tế tài liệu cho thấy, đến ngày 21/11/2016 Công ty Thuận Lợi mới thanh toán đủ số tiền trúng đấu giá (chậm thanh toán gần 2 năm). Theo quy định Công ty Thuận Lợi đã vi phạm quy chế đấu giá buộc phải hủy bỏ kết quả bán đấu giá nhưng nhóm đấu giá vẫn không áp dụng quy chế (!?).

Tại dự án Khu dân cư Cầu Đò (nay là Mega City) cũng xảy ra dấu hiệu sai phạm trong đấu giá. Ảnh: Đỗ Hưng.

Tại dự án Khu dân cư Cầu Đò (nay là Mega City) cũng xảy ra dấu hiệu sai phạm trong đấu giá. Ảnh: Đỗ Hưng.

Tương tự, tại Dự án Mỹ Phước 4 (Khu B), theo quy chế đấu giá, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền trúng đấu giá (77 tỉ đồng) trong vòng 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản đấu giá. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá thì đơn vị đấu giá lại có dấu hiệu cố ý làm trái khi cho Công ty Thuận Lợi thanh toán số tiền trúng đấu giá làm nhiều đợt. Thay vì công ty Thuận Lợi phải thanh toán số tiền đấu giá vào ngày 30/10/2016 nhưng thực tế đến ngày 17/5/2017 Công ty Thuận Lợi mới thanh toán đủ số tiền trúng đấu giá (chậm thanh toán hơn 6 tháng).

Tương tự, tại Dự án khu dân cư Hoà Lân, quy chế bán đấu giá tài sản, Biên bản đấu giá ngày 25/5/2017 quy định bên trúng đấu giá (hiện là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Kim Oanh) phải thanh toán số tiền trúng đấu giá trong vòng 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành công. Thực tế, sau gần  2 năm kể từ ngày trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh mới thanh toán đủ 1353 tỉ đồng.

Đại diện Công ty Thiên Phú bức xúc tố “nhóm lợi ích” tổ chức bán đấu giá tài sản của công ty không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà việc chậm thanh toán tiền trúng đấu giá (theo quy chế đấu giá phải huỷ kết quả đấu giá) đã gây thiệt hại cho công ty lên tới 2533 tỉ đồng, khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là hành vi chiếm dụng vốn, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do đó, Công ty Thiên Phú khẩn thiết đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra, làm rõ.

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ thất thoát ngàn tỉ ở khâu thẩm định giá tại ba dự án" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.